Hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng tại kỳ họp thứ 8

06:11, 29/11/2019

Chiều ngày 27/11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc trọng thể, sau 28 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ và hiệu quả...

Chiều ngày 27/11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc trọng thể, sau 28 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ và hiệu quả. Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, các đại biểu Đoàn Lâm Đồng tiếp tục có nhiều đóng góp tại kỳ họp.
 
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng phát biểu tại kỳ họp thứ 8.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng phát biểu tại kỳ họp thứ 8.
 
Trong khuôn khổ chương trình làm việc, ngày 14/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến dự án Luật này. Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đồng tình với việc cần nghiên cứu nhằm khỏa lấp khoảng trống pháp lý trong xử lý hình sự đối với các hành vi về tàng trữ, sử dụng, mua bán các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Và các đại biểu đoàn Lâm Đồng cũng thống nhất nên sửa đổi Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để không phải sửa đổi bổ sung Luật Hình sự hiện hành.
 
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng: Trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005 có hiệu lực từ 2006 đến nay đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Các hoạt động đầu tư ngày càng sôi động hơn, công tác quản lý nhà nước về đầu tư cũng được nâng cao hơn, đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
 
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, Luật đã xuất hiện một số vướng mắc, hạn chế, bất cập về cơ chế, thủ tục, trình tự, nội dung, đặc biệt là đổi mới trong quá trình cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư ở Điều 18 của dự thảo Luật Đầu tư, đại biểu Nguyễn Tạo góp ý, nếu quy định “ưu đãi theo từng loại đầu tư” như vậy là rất chung chung, tính khả thi không cao, khó thực hiện trong thực tiễn. Đề nghị nên quy định chi tiết hơn trong Luật nếu muốn tạo “đột phá” trong thủ tục hành chính. Vì trên thực tế hiện nay vấn đề này rất nhiêu khê, phiền hà về thủ tục, trình tự, có khi lại làm nản lòng nhiều nhà đầu tư. Đại biểu đề nghị về thời hạn xét duyệt đầu tư cần đẩy mạnh cải cách hành chính một cách triệt để, trong khoảng 20 ngày (dự thảo Luật đưa ra là 35 ngày). Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan liên quan nghiên cứu rút ngắn thời hạn thẩm định dự án. Nên quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư trong luật và luật hóa các nghị định đã triển khai thực hiện trong quá trình từ khi có Luật Đầu tư đến nay và không nên giao cho Chính phủ quy định việc này.
 
Về chuyển nhượng dự án quy định tại Điều 46, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng thực trạng triển khai dự án đã phát sinh quan hệ chuyển nhượng dự án với nhiều lý do khách quan và chủ quan. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải có sự gắn kết để giải quyết toàn bộ các vấn đề phát sinh khi cho phép chuyển nhượng dự án. Đó là sự gắn kết liên quan đến Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản. Khắc phục những tình trạng chồng chéo, xác định cơ quan có thẩm quyền làm đầu mối về trình tự, thủ tục. Vấn đề này triển khai trong thực tế rất lòng vòng, khó khăn khi giải quyết chuyển nhượng dự án. Đại biểu đề nghị Quốc hội, ban soạn thảo cần làm rõ nội dung này trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này về “quan hệ sử dụng đất gắn với chuyển nhượng dự án và ngược lại, xử lý được việc sử dụng dự án gắn với quan hệ sử dụng đất”. Có như thế mới tạo sự minh bạch, công khai trong quá trình kêu gọi và cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án.
 
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp. Qua xem xét, thảo luận một cách kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 11 Luật, Bộ luật, 17 Nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến 10 dự án luật khác. Các luật, nghị quyết được thông qua là những cơ sở pháp lý quan trọng tiếp tục góp phần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định; đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; cải cách chế độ công chức, công vụ, nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân.
 
NGUYỆT THU