Hoạt động của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

06:11, 11/11/2019

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Hội là kỳ họp có nhiều ý kiến góp ý sôi nổi, chất lượng, đầy tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, đã và đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri trong cả nước.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Hội là kỳ họp có nhiều ý kiến góp ý sôi nổi, chất lượng, đầy tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đã và đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri trong cả nước.
 
Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng tham gia góp ý xây dựng luật tại kỳ họp thứ 8. Ảnh: N.Thu
Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng tham gia góp ý xây dựng luật tại kỳ họp thứ 8. Ảnh: N.Thu
 
Kỳ họp thứ 8 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, xung đột lợi ích giữa các quốc gia gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở trong nước, vấn đề thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động không thuận khác… đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta. Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện: tăng trưởng đạt khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm bảo đảm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội ước đạt và vượt toàn bộ chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm 2016 - 2020. Qua đó, khẳng định sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Đảng, là kết quả của sự quyết tâm, đồng lòng, hợp lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước đã vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. 
 
Bên cạnh việc xem xét các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Quốc hội còn dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (xem xét, thông qua 12 dự án luật, bộ luật, 4 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án luật khác); Quốc hội thực hiện giám sát tối cao, tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn của ĐBQH và nghe báo cáo về công tác đối ngoại năm 2019, trong đó có tình hình Biển Đông; xem xét và phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam - Campuchia và Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, có nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần vào thành công chung của kỳ họp.
 
Ngày 24/10/2019, Quốc hội họp phiên toàn thể nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này. Đây là một trong những dự án Luật thu hút sự quan tâm của giới công chức, viên chức và đông đảo Nhân dân cả nước vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.
 
Tán thành cao với dự thảo được trình bày tại kỳ họp lần này, ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cho rằng: “Khái niệm chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ” được quy định tại Điều 6 của Dự thảo Luật cán bộ công chức, viên chức. Về khái niệm đại biểu nêu thế nào là người có tài năng trong hoạt động công vụ? Trách nhiệm của Nhà nước trong việc phát huy, phát hiện, thu hút, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ. Tại khoản 4 quy định: giao quyền phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quy định chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương. Nếu quy định như vậy thì việc thu hút, trọng dụng người có tài năng đang dần bị thu hẹp lại so với Điều 6 của Luật hiện hành. Đó là Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Vì thế, nên giữ nguyên Điều 6 Luật hiện hành là hợp lý, bởi vì cách sửa đổi như trong Dự thảo không mang tính khả thi trong thực tế. Nếu được tiếp thu, điều chỉnh sẽ hợp lý hơn như: “Chính sách của Nhà nước về thu hút, trọng dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ và giao thẩm quyền cho các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Chính phủ quy định chi tiết khung, loại trừ khoản 4 vì dễ áp dụng tùy tiện khi giao cho chính quyền địa phương, HĐND quy định khung chính sách đãi ngộ, thu hút ở địa bàn quản lý.
 
ĐBQH Đoàn Lâm Đồng Nguyễn Văn Hiển - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho rằng: Về hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu, tại Điểm b, khoản 5, Điều 84 Dự thảo Luật quy định hình thức xử lý là xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, quy định như vậy là chưa hợp lý. Việc rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm sự thống nhất đồng bộ giữa xử lý kỷ luật Đảng với xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước là cần thiết. Tuy nhiên, thống nhất đồng bộ không có nghĩa là bên Đảng có hình thức kỷ luật nào thì bên Nhà nước cũng có hình thức kỷ luật như vậy. Thống nhất, đồng bộ ở đây cần được hiểu là sự thống nhất, đồng bộ về tính chất và mức độ nghiêm khắc của chế tài xử lý kỷ luật chứ không phải là có chế tài xử lý kỷ luật với tên gọi giống nhau. Vì giữa xử lý kỷ luật, giữa trách nhiệm chính trị với trách nhiệm pháp lý có đặc thù khác nhau… Theo đó, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị: “Các công chức đã nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm kỷ luật về những vi phạm công vụ của mình lúc đương chức. Hình thức kỷ luật là giảm lương và truất lương hưu vĩnh viễn. Nhưng hệ quả pháp lý là người bị kỷ luật không còn quyền giới thiệu là nguyên chuyên viên cao cấp, nguyên bộ trưởng hoặc nguyên thứ trưởng. Tôi thấy cách quy định như vậy là rất logic về mặt pháp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Việt Nam”.
 
NGUYỆT THU