Nỗ lực phấn đấu để đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của đồng bào, cử tri cả nước

12:11, 09/11/2019

Sau ba ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trong không khí dân chủ và tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám theo chương trình đề ra...

Sau ba ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trong không khí dân chủ và tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám theo chương trình đề ra. Tại cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ thêm các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mỗi kỳ họp Quốc hội là dịp để đánh giá lại kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cũng như hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, và rút ra các bài học kinh nghiệm để phục vụ nhân dân tốt hơn. Đồng thời, cũng là dịp nhận diện rõ hơn những hạn chế, yếu kém, những khó khăn, thách thức cần tập trung giải quyết để tiếp tục đạt được những thành tựu lớn hơn. Với cách thức đó, các vị Đại biểu Quốc hội đã nhiệt tâm theo dõi, đặt nhiều câu hỏi chất vấn sâu sắc, giúp cho các thành viên Chính phủ nâng cao chất lượng quản lý, điều hành.
 
Chính phủ, từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương giải quyết, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của đồng bào, cử tri cả nước; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
 
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp dự báo chúng ta đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có năm chỉ tiêu vượt kế hoạch. Nhưng kết quả này sẽ cao hơn nữa nếu mỗi chúng ta cùng nêu gương, hành động quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của nền kinh tế.
 
Tại phiên chất vấn, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo, làm rõ hơn về một số vấn đề trọng tâm mà Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 8-11
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 8-11
 
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực
 
Về những tồn tại, hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục đôn đốc giải quyết sát sao hơn, đồng thời, cần sự chủ động, sáng tạo vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các cấp chính quyền, của từng cơ quan, đơn vị. Khẩn trương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Không được để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm phát sinh thêm chi phí, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và hạn chế tiềm năng phát triển đất nước. Không được để thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công; phải bảo đảm hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất.
 
Đối với vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới năng lực quản trị của DNNN, tăng nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong kế hoạch đã được duyệt. Tiếp tục tạo cơ hội cho khu vực tư nhân, các loại hình hợp tác xã tham gia quá trình tái cơ cấu DNNN. Đối với các dự án và doanh nghiệp thua lỗ, thất thoát lớn, cần tập trung giải quyết, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước và xử lý nghiêm các sai phạm.
 
Bên cạnh đó, vấn đề cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu cần phải được triển khai, xử lý quyết liệt hơn, nhanh hơn và thực chất hơn. Sử dụng hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phấn đấu 2020, giảm ít nhất 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên. Điều hành tỷ giá linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường, hỗ trợ xuất khẩu và nâng đỡ sản xuất trong nước.
 
Nâng hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia
 
Thủ tướng cho biết, về môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ tiếp tục triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cải cách mạnh mẽ nền hành chính công vụ, khuyến khích đổi mới và sáng tạo trong mọi hoạt động của nền kinh tế. Tiếp tục nỗ lực nâng hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia thuộc nhóm ASEAN-4 trong 5 năm tới.
 
Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục rà soát, bãi bỏ và giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện; tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm những thay đổi này có tác động thiết thực đối với người dân và doanh nghiệp, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Yêu cầu mọi cấp, mọi ngành, cơ quan chức năng hoạt động với phương châm phục vụ, kiến tạo, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ.
 
Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm cải thiện những lĩnh vực còn hạn chế trong thời gian qua. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, hàng nhập lậu qua biên giới, hàng giả,… tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.
 
Đối với các rào cản gây khó khăn cho việc mở rộng đầu tư, kinh doanh, ngay sau kỳ họp này, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tập trung rà soát toàn diện để bãi bỏ các quy định bất hợp lý, sửa đổi các thủ tục hành chính trùng lặp, chồng chéo, không rõ ràng trong các quy định pháp luật thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng một Luật sửa nhiều luật trình Quốc hội nhằm khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành trước yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập.
 
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm nguồn tăng trưởng tốt hơn nữa. Đây chính là nền tảng cho sự phát triển. Để thực hiện phải làm tốt ba khâu là: thể chế pháp luật, nguồn nhân lực và đặc biệt là hạ tầng chất lượng cao.
 
Nâng cao chất lượng đời sống của người dân
 
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống cho người có công, người nghèo, người khuyết tật, cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho các đối tượng chính sách, tạo cơ hội học hành, tiếp cận y tế cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nhất là ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, bãi ngang ven biển.
 
Trong xây dựng nông thôn mới, tuy đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ, nhưng cũng cần nghiêm túc nhìn nhận sâu sắc, toàn diện cả kết quả tích cực có tính lịch sử và cả những hạn chế yếu kém, không được chủ quan, để triển khai tốt hơn nữa trong giai đoạn sắp đến.
 
“Liệu có bền vững không, khi có xã đạt nông thôn mới nhưng chất lượng cuộc sống của người dân về văn hóa, về môi trường lại đi xuống?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
 
Thủ tướng cho rằng, chỉ có nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá toàn diện mới nhận biết hết được những hạn chế, yếu kém và mặt trái; từ đó nỗ lực và có giải pháp phù hợp để nâng cao thực chất hơn chất lượng cuộc sống của người dân nói chung và vùng nông thôn nói riêng.
 
Đáng chú ý, đối với các vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu về tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt ở các đô thị lớn, trong đó nổi lên là ô nhiễm nguồn nước, không khí, và vấn đề rác thải, úng ngập,… Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước tiếp tục đặt ra yêu cầu cao hơn về an ninh, an toàn và chất lượng cuộc sống của người dân. Quan điểm phát triển hài hòa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội – môi trường được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải được tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
 
Theo đó, sẽ kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, rác thải nhập khẩu; khuyến khích đầu tư sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, hạn chế sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo. Xây dựng các kịch bản phòng ngừa, xử lý sự cố môi trường như ô nhiễm không khí, bụi mịn, an ninh nguồn nước, thắt chặt quản lý khai thác nước ngầm...
 
Chú trọng phát triển văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế
 
Thủ tướng cho rằng, trình độ phát triển và tiến bộ của một dân tộc không chỉ đo bằng thành tích kinh tế, mà còn đo bằng môi trường sống và các giá trị văn hóa, văn minh. Kinh tế thị trường đem lại cho chúng ta điều kiện vật chất đầy đủ hơn, tiện nghi hơn nhưng cũng có mặt trái là dễ làm cho con người thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, dễ bỏ qua hoặc lãng quên các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống. Vì vậy, cần phải có chiến lược, biện pháp cụ thể để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống và trách nhiệm xã hội của mỗi công dân.
 
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ khuyến khích các hoạt động văn hóa lành mạnh, loại bỏ các biểu hiện trái với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lợi ích chung của cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, cùng với gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, chúng ta cần tiếp tục học hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, hướng tới xây dựng một xã hội Việt Nam nhân ái, công bằng, dân chủ, văn minh.
 
Đối với tầm quan trọng của phát triển văn hóa, Thủ tướng cho biết, mục tiêu của Chính phủ là kinh tế chúng ta phải sớm vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, nhưng chúng ta không chấp nhận một tình trạng văn hóa Việt Nam “lờ nhờ, nhợt nhạt”, “kém văn hóa”, không có một nền văn hóa “lai căng”, đặc biệt là đối với văn hoá truyền thống của Việt Nam.
 
Đối với yêu cầu đặt ra trong phát triển kinh tế là phải giữ gìn văn hóa của đất nước để xứng đáng với truyền thống oai hùng của dân tộc trên 4.000 năm lịch sử, Chính phủ cũng đã thảo luận và đưa nhiều giải pháp định hướng trong thời gian tới. Đó là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về văn hóa, bỏ tư duy việc gì không quản lý được thì cấm; xây dựng nền công nghiệp văn hóa cạnh tranh toàn cầu; chấn chỉnh lệch lạc về văn hóa, nhất là truyền thông, giáo dục về văn hóa. Giáo dục từ nhỏ có văn hóa, có đạo đức, đó là biết lịch sử dân tộc, văn hóa ứng xử và có văn hóa gia đình, văn hóa xã hội.
 
Thủ tướng cho rằng, cần phải dành nguồn lực cần thiết cho phát triển văn hoá chứ không thể tập trung hết cho phát triển kinh tế. Về vấn đề này, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm để triển khai thực hiện từ năm 2021.
 
(Theo nhandan.com.vn)