Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài

06:11, 12/11/2019

Ngày 10/5/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 49 về "Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT)"...

Ngày 10/5/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 49 về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT)”. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch 89 để thực hiện kết luận trên của Ban Bí thư.
 
Làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng xã hội học tập. Ảnh: V.Hùng
Làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng xã hội học tập. Ảnh: V.Hùng
 
Mục đích, yêu cầu của Kế hoạch 89 nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp tích cực, đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể và tinh thần tự giác tham gia thực hiện của Nhân dân. Đồng thời, làm cho cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức rõ về sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo (GDĐT) trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa gắn với Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; góp phần cụ thể hóa triển khai thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương, đơn vị. Qua đó, tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt Kết luận 49 tới cán bộ, đảng viên, các tổ chức cơ sở đảng và Nhân dân; nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức xã hội và cơ quan tham mưu các cấp đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT.
 
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 11, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến mạnh mẽ. Tổ chức hội khuyến học được củng cố và phát triển, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Tuy nhiên, công tác khuyến học, khuyến tài, xậy dựng XHHT vẫn chưa phát triển theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả còn hạn chế, nhất là việc giáo dục cho người lớn. 
 
Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục quán triệt sâu rộng, thực hiện nghiêm Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị khóa X. Đồng thời, quán triệt và thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.
 
Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tổ chức quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; từ đó tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức của toàn xã hội trong việc chăm lo cho sự nghiệp GDĐT. Xác định việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, gia đình, dòng họ trở thành một đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình, dòng họ học tập.
 
Đồng thời, đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng XHHT. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến học, khuyến tài. 
 
Bên cạnh đó, phát triển tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng các mô hình học tập, chú trọng đào tạo từ xa, tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Phát huy và sử dụng có hiệu quả các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường, các thiết chế văn hóa ở cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Chú trọng phát triển các loại hình đào tạo, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ mọi người dân có thể học tập từ xa, tự học, học tập suốt đời. Tiếp tục xóa mù chữ cho người lớn; thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đổi mới cơ chế tài chính, đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng công dân học tập, đơn vị học tập, địa phương học tập. Tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng và tăng cường liên kết đào tạo với các trường, cơ sở đào tạo của nước ngoài có uy tín; khuyến khích việc học tập và nghiên cứu ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước.
 
VIỆT HÙNG