Về tổ chức hệ thống của Đảng

05:12, 10/12/2019

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định hệ thống tổ chức của Ðảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước...

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định hệ thống tổ chức của Ðảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước. Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay được tổ chức 4 cấp, đó là: cấp trung ương, cấp tỉnh và tương đương, cấp huyện và tương đương và tổ chức cơ sở đảng (tức cấp xã và tương đương).
 
Cấp trung ương
 
Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo cao nhất là Ban Chấp hành Trung ương. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu (đối với các tổ chức đảng có từ 200 đảng viên) và đại hội đảng viên (đối với các tổ chức đảng có dưới 200 đảng viên). 
 
Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, là cơ quan duy nhất có quyền ban hành hoặc sửa đổi Điều lệ Đảng và cương lĩnh chính trị, thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ đã qua và thông qua nghị quyết về phương hướng hành động nhiệm kỳ tới, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương. Đây là cơ quan lãnh đạo cao nhất việc chấp hành nghị quyết của đại hội. Đại hội Đảng toàn quốc được tổ chức thường kỳ 5 năm một lần để xác định đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đại biểu dự đại hội gồm các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương triệu tập đại hội và đại biểu do đại hội cấp dưới bầu.
 
Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa 2 kỳ đại hội. Thông thường, các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương do Đại hội đại biểu toàn quốc bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên, cũng có trường hợp được bầu trong các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương. Tại phiên họp lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương sẽ bầu Bộ Chính trị, bầu Tổng Bí thư trong số các Ủy viên Bộ Chính trị, bầu một số thành viên Ban Bí thư, bầu các Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương và bầu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương không phải do Ban Chấp hành Trung ương bầu mà do Ủy ban Kiểm tra Trung ương bầu trong số các Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
 
Bộ Chính trị do Ban Chấp hành Trung ương bầu ra trong số các thành viên Ban Chấp hành Trung ương. Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Tuy nhiên, thành viên Ban Bí thư không chỉ do Ban Chấp hành Trung ương bầu mà một số do Bộ Chính trị phân công. Điều kiện để được phân công vào Ban Bí thư là thành viên ấy phải là người đã được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Vì vậy, các thành viên Bộ Chính trị đều được bầu, nhưng các thành viên Ban Bí thư không chỉ bầu mà còn được phân công. Vì vậy, Điều lệ Đảng gọi là “thành lập Ban Bí thư” bao gồm một số đồng chí do Ban Chấp hành Trung ương bầu và một số đồng chí do Bộ Chính trị phân công. Để biết một thành viên Ban Bí thư do bầu hay phân công chỉ cần nhìn vào giới thiệu. Chẳng hạn, “đồng chí Nguyễn Văn B., Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng” thì chắc chắn đồng chí này được phân công. Nếu một đồng chí ghi là “đồng chí Nguyễn Văn C., Bí thư Trung ương Đảng”, chắc chắn đồng chí này được bầu. 
 
Tổng Bí thư là người đứng đầu Đảng, tức đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu Bộ Chính trị và cũng là người đứng đầu Ban Bí thư. Ban Bí thư có một đồng chí được phân công làm Thường trực Ban Bí thư. Tất nhiên, tiêu chuẩn để được phân công làm thường trực Ban Bí thư là đồng chí này phải được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị phân công sang Ban Bí thư.
 
Cấp tỉnh, huyện
 
Cấp tỉnh và tương đương bao gồm đảng bộ của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; các đảng bộ trực thuộc Trung ương bao gồm: Đảng bộ Quân đội Trung ương, Đảng bộ Công an Trung ương, Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và Đảng bộ Ngoài nước (Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, tới đây Trung ương sẽ tổ chức sắp xếp lại Đảng bộ Ngoài nước).
 
Theo cơ cấu tổ chức của Đảng hiện nay, các đảng bộ ở cấp huyện và tương đương, chẳng hạn đảng bộ công an tỉnh, đảng bộ quân sự tỉnh… chính là các đảng bộ cấp huyện và tương đương. Các đảng bộ này được gọi là đảng bộ trên cơ sở.
 
Đối với cấp tỉnh: Cơ quan lãnh đạo cao nhất là đại hội đại biểu được tổ chức 5 năm một lần. Đại hội sẽ bầu ban chấp hành đảng bộ. Đối với các tỉnh, ban chấp hành được gọi tắt là tỉnh ủy, các thành phố gọi tắt là thành ủy, các đảng bộ trực thuộc Trung ương nêu trên gọi tắt là đảng ủy, riêng Ban Chấp hành Đảng bộ Quân đội Trung ương gọi tắt là Quân ủy Trung ương. Theo quy định của Điều lệ Đảng hiện hành, Tổng Bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương. Như vậy, tỉnh ủy, thành ủy hay đảng ủy là để chỉ một tập thể người chứ không phải chỉ địa danh. Trong thực tế hiện nay, giả sử ai đó hỏi chúng ta Thành ủy TP Hồ Chí Minh ở đâu thì có nghĩa người hỏi đang muốn hỏi về địa chỉ; đó là nghĩa phái sinh trong tiếng Việt.
 
Phiên họp lần thứ nhất của ban chấp hành đảng bộ các tỉnh, thành ủy và đảng ủy nêu trên sẽ bầu ban thường vụ. Sau đó, ban chấp hành đảng bộ sẽ bầu bí thư và bầu các phó bí thư. Các nhân sự đưa ra để bầu bí thư, các phó Bí thư là các đồng chí đã được bầu vào ban thường vụ. Tiếp theo, ban chấp hành sẽ bầu ủy viên ủy ban kiểm tra và bầu chủ nhiệm ủy ban kiểm tra. Ban chấp hành không bầu phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra mà chức danh này do ủy ban kiểm tra cấp đó bầu.
 
Ở cấp này, có một tập thể được gọi là thường trực, gồm bí thư và các phó bí thư.
Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng ở cấp này là đại hội đại biểu được tổ chức 5 năm một lần. Đại hội sẽ bầu ra ban chấp hành đảng bộ. Nếu là huyện, ban chấp hành này được gọi là huyện ủy, là thành phố trực thuộc tỉnh thì gọi là thành ủy, ở quận gọi là quận ủy, ở thị xã gọi là thị ủy và ở các đảng bộ như công an tỉnh, quân sự tỉnh, đảng bộ khối các cơ quan của tỉnh… được gọi là đảng ủy. 
 
Đối với cấp huyện: Đa phần các tỉnh hiện nay chỉ có các đảng bộ huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh; các đảng bộ quân sự, công an, đảng bộ khối các cơ quan, đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, do đặc thù mà có một số tỉnh, thành có các đảng bộ khác nhau. Chẳng hạn, Đồng Nai có Đảng bộ Công ty Cao su Đồng Nai là đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Đồng Nai; TP Hồ Chí Minh có rất nhiều các đảng bộ cấp này. Ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, các đảng bộ ở các sở khối nhà nước là đảng bộ cơ sở. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù, ở TP Hồ Chí Minh có 4 đảng bộ sở là đảng bộ cấp trên cơ sở, đó là các Đảng bộ các Sở: Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Y tế và Lao động - Thương binh và Xã hội. Như vậy, 4 đảng bộ này ở TP Hồ Chí Minh không phải là đảng bộ cơ sở mà là đảng bộ trên cơ sở, tức đảng bộ tương đương với đảng bộ quận, huyện.
 
Phiên họp lần thứ nhất của ban chấp hành các đảng bộ này cũng lần lượt bầu ban thường vụ, bầu bí thư và bầu các phó bí thư. Các nhân sự đưa ra để bầu bí thư, các phó bí thư là các đồng chí đã được bầu vào ban thường vụ. Tiếp theo, ban chấp hành sẽ bầu ủy viên ủy ban kiểm tra và bầu chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trong số các ủy viên ủy ban kiểm tra. Ban chấp hành không bầu phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra mà do ủy ban kiểm tra bầu trong số các ủy viên ủy ban kiểm tra.
 
Thường trực cấp ủy cấp này cũng bao gồm bí thư và các phó bí thư.
 
VŨ TRUNG KIÊN