Tiếp tục kiên định giải pháp, quyết tâm hành động, chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành và địa phương

07:01, 01/01/2020

Ngày 30/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020...

Ngày 30/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị còn có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
 
Thủ tướng Chính phủ đọc diễn văn khai mạc phiên họp trực tuyến.Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ đọc diễn văn khai mạc phiên họp trực tuyến.Ảnh: Chinhphu.vn
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Những thành quả quan trọng của năm 2019 là ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị… Hội nghị đánh giá tình hình KT-XH năm 2019, để xác định cơ hội, khó khăn, thách thức cho năm 2020 cũng như những năm tiếp theo; đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành tốt các dự án, các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2020, cũng như kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025).
 
Với mục tiêu trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng nêu 9 vấn đề quan trọng trong chỉ đạo điều hành năm 2020: Các Bộ, các ngành, các địa phương tiếp nối và phát huy cao hơn nữa những thành quả KT-XH. Tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là ở những chỉ số thấp và những chỉ tiêu tụt hạng trong năm 2019. Có các đột phá chiến lược về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp, các ngành và phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm; đồng thời, chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, tham nhũng vặt. 
 
Chỉ ra những động lực mới trong tăng trưởng của cả nước, ở từng địa phương, từng ngành; tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tạo nền tảng cho nền kinh tế số phát triển. Đột phá về cơ chế phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho địa phương. Thực hiện tốt chủ trương của Đảng, của Quốc hội về phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo sự hài hòa trong phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn cho người dân tốt hơn. Tăng cường đầu tư tương xứng cho tiềm lực an ninh quốc phòng của đất nước trong thời kỳ mới; hạn chế thiệt hại từ thiên tai. Đề xuất các biện pháp chăm lo đời sống, nâng cao hơn nữa động lực làm việc cho cán bộ, công chức các ngành, các cấp và địa phương; cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu, bổ sung nguồn lực để cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức,… chọn người có đức, có tài chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp.
 
Báo cáo tình hình KT-XH của Chính phủ, cho thấy: Năm 2019, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,02%. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam hoàn thành tất cả 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Điều đáng ghi nhận là, dù tăng trưởng GDP ở mức cao, song nền kinh tế vẫn bảo đảm ổn định vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng ở mức 2,79%, đảm bảo mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%, tỉ lệ nợ công trên GDP tiếp tục giảm… Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát dưới 4%. Thu ngân sách ước đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, là giai đoạn thu ngân sách tốt nhất kể từ năm 2013. Trên 99% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện kê khai thuế, nộp thuế điện tử. Du lịch thu hút khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16%); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng 6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16% so với năm 2018); Việt Nam còn nhận được nhiều giải thưởng du lịch toàn cầu như: “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019”, “Điểm đến hàng đầu châu Á” (2 năm liên tiếp), “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”.
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự phiên khai mạc cùng các thành viên Chính phủ. Ảnh: Chinhphu.vn
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự phiên khai mạc cùng các thành viên Chính phủ. Ảnh: Chinhphu.vn
 
Công tác, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng có bước đột phá mới, với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” cùng nhiều văn bản quan trọng được ban hành nhằm đẩy mạnh cải cách, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững, như NQ01, NQ02, NQ về Chính phủ điện tử; đồng thời, đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng, như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống E-Cabinet, Cổng dịch vụ công Quốc gia… ; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
 
Năm 2019 có hơn 138 ngàn doanh nghiệp được thành lập mới và 39,4 ngàn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đặc biệt, có tới hơn 40 ngàn doanh nghiệp tăng vốn với số vốn khoảng 2,23 triệu tỷ đồng, nhiều hơn cả số vốn đăng ký mới. Trong năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt kỷ lục ở mức 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm ngoái; trong đó, vốn đăng ký mới là 16,75 tỷ USD, vốn tăng thêm là 5,8 tỷ USD, còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là 15,47 tỷ USD.
 
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên đạt 500 tỷ USD, xuất siêu khoảng 10 tỷ USD, là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp, giúp Việt Nam lọt Top 30 quốc gia có tăng trưởng XNK tốt trên thế giới. Kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2019 ước đạt 16,7 tỷ USD (chiếm 6,4% GDP), nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới, giúp nền kinh tế tiếp tục được củng cố, thị trường ngoại tệ trong nước duy trì ổn định, thanh khoản đảm bảo, giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
 
Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước hạn gần 2 năm, với 52-53% số xã đạt chuẩn. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 8 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...
 
Các Phó Thủ tướng Chính phủ cũng trình bày các báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; các Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch KT-XH và dự toán NSNN năm 2020 và các báo cáo khác có liên quan; đồng thời, ghi nhận ý kiến của các Bộ, các ngành và các địa phương…
 
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, năm 2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng; có thể nói là toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, tốt hơn năm 2018. Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch (6,6 - 6,8%), thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; nâng quy mô GDP lên khoảng 266 tỷ USD, bình quân đạt gần 2.800 USD/người… Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, rõ nét. Tiềm lực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước.
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường, kế thừa, phát huy tốt những kết quả, thành tích đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kết hợp bài bản, nhuần nhuyễn hơn giữa “xây” và “chống”.
 
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được, vì đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
 
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: năm cuối của nhiệm kỳ, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; năm tiến hành tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng và là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn; năm Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2020 - 2021, và nhiều sự kiện chính trị trọng đại khác. Tinh thần là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019.
 
LÊ HOA