Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành giao thông

04:01, 02/01/2020

(LĐ online) - Sáng 2/1/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành giao thông năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và chỉ đạo hội nghị...

• Tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí
 
(LĐ online) - Sáng 2/1/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành giao thông năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và chỉ đạo hội nghị.
 
Đầu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng tham dự hội nghị
Đầu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng tham dự hội nghị
 
Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng với sự tham dự của lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải và các ban, ngành trong tỉnh. 
 
Báo cáo tại hội nghị của ngành giao thông vận tải cho thấy, năm 2019, với sự chỉ đạo toàn diện, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ và tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành giao thông vận tải  tiếp tục nỗ lực phát huy truyền thống đi trước mở đường, tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thực hiện tốt phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể ngành giao thông vận tải, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên tất cả các mặt công tác, các lĩnh vực trong toàn ngành, góp phần cùng cả nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. 
 
Một số kết quả nổi bật mà ngành giao thông vận tải đã đạt được, cụ thể như: Sản lượng vận tải tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh, tai nạn giao thông được kéo giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, hoàn thành, đưa vào khai thác 16 dự án, khởi công mới 15 dự án… Công tác quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải tiếp tục được tăng cường; việc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong công tác quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải được phát huy ngày càng chặt chẽ và hiệu quả; đặc biệt là phối hợp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý hoạt động vận tải, giảm thời gian, chi phí vận tải trong logistics, bảo đảm trật tự an toàn giao thông… Bên cạnh đó, công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ được tăng cường, chỉ đạo xuyên suốt, nhất là các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ giao, đã góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính và hiệu quả, hiệu lực thực thi nhiệm vụ được giao.
 
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được quan tâm, chú trọng; bên cạnh việc tích cực triển khai xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật và đề án theo chương trình công tác đã đăng ký, Bộ đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản qui phạm pháp luật thuộc thẩm quyền; đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu, triển khai xây dựng nhiều đề án nhằm tăng cường kết nối, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn cả nước, tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông các lĩnh vực…
 
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã biểu dương những kết quả mà ngành giao thông vận tải đã đạt được. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Mặc dù năm 2019, ngành đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả tốt, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, vấn đề giao thông trên cả nước vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định cần khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Chất lượng qui hoạch một số dự án của ngành giao thông còn thấp. Một số sân say vừa đầu tư xong đã thấy lạc hậu. Một số dự án trọng điểm còn lúng túng trong lựa chọn nhà đầu tư… 
 
Đặt ra nhiệm vụ cho ngành giao thông trong năm 2020, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Ngành cần tiếp tục thực hiện các đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông; cần thực hiện NQ 01 và NQ 02, phải cụ thể hoá nghị quyết này và triển khai tốt trong toàn ngành; làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện pháp luật ngành giao thông; tiếp tục thực hiện tái cấu trúc ngành; quan tâm và đẩy mạnh phát triển vận tải đa phương thức để nâng cao năng lực của ngành giao thông vận tải. Chính phủ đã có qui hoạch khoảng hơn 6 ngàn km đường cao tốc. Vì vậy, ngành cần tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển thêm hệ thống đường cao tốc; giải quyết các nút thắt về đường sắt trên toàn quốc; qui hoạch lại cảng hàng không; qui hoạch đường thuỷ nội địa, tháo gỡ các nút thắt về giao thông đường thuỷ nội địa…
 
NGUYỄN NGHĨA