Cội nguồn sức mạnh của Đảng

05:02, 03/02/2020

Mùa xuân này, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 90 tuổi. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trong bối cảnh lịch sử đặc biệt khi đường lối của các phong trào yêu nước Việt Nam đi vào ngõ cụt...

Mùa xuân này, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 90 tuổi. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trong bối cảnh lịch sử đặc biệt khi đường lối của các phong trào yêu nước Việt Nam đi vào ngõ cụt. Ngay khi ra đời, Đảng đã hòa mình vào tầng lớp nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân. 90 năm qua, lịch sử của dân tộc, của Đảng có lúc thăng, lúc trầm, song mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Dân vẫn là mối quan hệ bền chặt và không thể tách rời. 
 
 
1. Ngay từ khi ra đời và trong suốt lịch sử của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thực hiện nhất quán tư tưởng lấy dân làm gốc. Sau những vấp váp trong hòa bình, Đại hội VI của Đảng đã tổng kết và rút ra bài học lớn: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”,… Quan liêu, mệnh lệnh xa rời quần chúng, đi ngược lại lợi ích của Nhân dân là làm suy yếu sức mạnh của Đảng”. Tổng kết kinh nghiệm sau 20 năm đổi mới đất nước, một trong bốn bài học lớn mà Đảng ta rút ra, đó là: “Đảng phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng… Cán bộ, đảng viên và công chức phải thật sự là công bộc của Nhân dân”. Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 90 năm gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Đất nước không phải không còn đó những khó khăn, thách thức cần đối mặt, song nhìn lại tổng thể mọi mặt của đất nước, những thành tựu là không thể phủ nhận. Nhà cách mạng lão thành Nguyễn Văn Nguyễn trong tác phẩm nổi tiếng Tháng Tám trời mạnh thu đã viết: “Cách mạng là công việc thực tế của hằng triệu, hằng triệu người. Một đội tiền phong dầu giỏi đến đâu cũng chỉ tưởng tượng trong phạm vi công việc của năm ba vạn người”, còn sức mạnh vĩ đại là ở Nhân dân. Nhìn lại lịch sử, nếu như không có Nhân dân, cho dù Đảng có tài tình đến bao nhiêu cũng không thể tự mình tạo ra những thành quả lớn lao ấy. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Nhân dân ta luôn một lòng trung thành với Đảng, đi theo con đường của Đảng, ủng hộ, chở che, bao bọc để Đảng hoàn thành sứ mệnh của mình trước Nhân dân.
 
2. Sinh thời, Lênin đã từng cảnh báo 2 nguy cơ của Đảng Cộng sản cầm quyền, đó là sai lầm về đường lối và quan liêu, xa rời Nhân dân. Trong rất nhiều văn kiện của Đảng, Đảng ta luôn luôn cảnh báo, nhắc nhở hiện tượng này và đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm tăng cường gắn mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Cương lĩnh xây dựng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam năm 1991, một trong 5 bài học lớn rút ra, có bài học thứ hai, đó là “Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với Nhân dân, quan liêu, mệnh lệnh, xa rời Nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất không lường được đối với vận mệnh của đất nước”. Đến cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011, Đảng ta đã một lần nữa cảnh báo nghiêm khắc hơn, đó là quan liêu, tham nhũng, xa rời Nhân dân không chỉ đem đến tổn thất khôn lường đối với đất nước mà còn có nguy cơ tồn vong đối với Đảng và chế độ “quan liêu, tham nhũng, xa rời Nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất không lường được đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”. Nhiều cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiện băn khoăn lo lắng về những hiện tượng tiêu cực và tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, sách nhiễu dân diễn ra ngày càng phổ biến với nhiều vụ việc nghiêm trọng. Ngay từ năm 1998, ông Trần Bạch Đằng đã phải thảng thốt kêu lên về hiện tượng xa dân, mà ông gọi là Nỗi thèm khát nóng bỏng để rồi kêu gọi đảng viên của Đảng hãy trở về với cái nôi mà mình đã sinh ra, trở về trong “vòng tay êm ấm của người dân đã cưu mang tất cả - cưu mang cách mạng, cưu mang sinh mạng của chính cá nhân người đảng viên”.
 
Trong rất nhiều văn kiện của Đảng, Đảng ta đã nói nhiều đến lòng tin của Nhân dân đối với Đảng bị giảm sút. Điều ấy, có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng, dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa, thì đây cũng là cảnh báo rất khẩn thiết hiện nay. 
 
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) năm 1954. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) năm 1954. Ảnh: Tư liệu
 
3. Một đảng được Hiến pháp hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội như Đảng Cộng sản Việt Nam, mọi chuyện hay dở, tốt xấu trong xã hội đều gắn với trọng trách của Đảng. Trong tất cả các cơ quan công quyền, chắc chắn những người giữ vị trí trọng trách đều là đảng viên của Đảng. Khi đã là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, Đảng phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân về toàn bộ mọi mặt đời sống xã hội, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về các quyết định của mình. Đảng được Hiến pháp hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng Đảng không phải là Nhà nước, vì vậy, quyền lực của Đảng chủ yếu dựa trên uy tín mang lại. Uy tín ấy chính là ở việc Đảng phải đề ra các quyết sách lãnh đạo phù hợp với lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải thật sự gương mẫu, thật sự vì dân. Nói dân tin Đảng, nhưng Đảng là một phạm trù rộng lớn, người dân nhìn Đảng qua lăng kính của mình, đó chính là từ những cán bộ, đảng viên của Đảng. Để Đảng làm tốt chức năng lãnh đạo của mình, cần phải có sự giám sát chặt chẽ của Nhân dân, bởi quyền lực của tất cả các tổ chức, đặc biệt là Đảng và Nhà nước là rất lớn, do đó cần phải được kiểm tra, giám sát. Nếu không làm tốt nhiệm vụ này, rất dễ sinh ra suy thoái, biến chất. Quyền lực càng to thì trách nhiệm càng nặng nề. Do đó, chỉ khi Đảng quyền lực ấy vì lợi ích của Nhân dân, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân mới là mục đích cao đẹp. Nhìn lại lịch sử các triều đại xưa, dù vua được mặc nhiên là “thiên tử” nhưng không phải vì vậy mà nhà vua đứng ngoài pháp luật. Hầu như các triều đại đều có các bộ phận giám sát, tư vấn cho nhà vua. Thời Lý có Tam thái: Thái sư, Thái phó, Thái bảo có trách nhiệm tư vấn cho nhà vua về việc trị nước. Năm 1250, Nhà Trần chính thức thành lập Ngự sử đài (sang thời Nguyễn đổi thành Đô sát viện) để làm nhiệm vụ giám sát, đàn hặc nhà vua và các quan. Đặc biệt, dưới triều Lê Thánh Tông (1460-1497); để hạn chế quyền lực quá lớn của các bộ - cơ quan Nhà nước, cứ mỗi bộ, nhà vua đặt một khoa tương ứng để giám sát. Khi là đảng duy nhất cầm quyền, quyền lực của Đảng là rất lớn, nếu quyền lực ấy không được kiểm soát rất dễ dẫn tới xa dân, lạm quyền. Hiến pháp 2013 không chỉ hiến định Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân mà còn quy định rất cụ thể về việc Đảng phải chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Việc quy định Đảng chịu sự giám sát của Nhân dân trong Hiến pháp cũng là quy định nhằm khẳng định các tổ chức đảng và đảng viên của Đảng phải nâng cao trách nhiệm trước Nhân dân chứ không chỉ là trách nhiệm trước Đảng - tổ chức giao quyền lực cho mình. Quy định Đảng chịu sự giám sát của Nhân dân còn để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để Nhân dân tham gia đầy đủ vào các sinh hoạt chính trị của đất nước, góp ý xây dựng các chủ trương, đường lối về phát triển và bảo vệ đất nước để dân gần với Đảng, gắn bó với Đảng chặt chẽ hơn.
 
“Dân là gốc” là chân lý vĩnh hằng. Đảng phải gắn bó mật thiết với Nhân dân thì Đảng mới có sức mạnh, mới giữ vững và làm tròn vai trò lãnh đạo. Có phải vì vậy mà trong muôn vàn nỗi lo “muôn mối như lòng mẹ” trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không quên căn dặn: “Trước hết nói về Đảng” và nhấn mạnh “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. 
 
VŨ TRUNG KIÊN