Có các biện pháp dứt khoát, mạnh, để ngắt dịch sớm, giảm lây nhiễm

03:02, 25/02/2020

(LĐ online) - Sáng 25/2, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác y tế năm 2020 và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19...

(LĐ online) - Sáng 25/2, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác y tế năm 2020 và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị. Cùng với 700 điểm cầu trong cả nước, tại điểm cầu Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa cùng lãnh đạo các đơn vị trong ngành Y tế Lâm Đồng đã tham dự hội nghị. 
 
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị. Ảnh: Zing.vn
 
Không có ca nhiễm Covid-19 mới trong 11 ngày qua
 
Theo kế hoạch năm 2020, Bộ Y tế đưa ra mục tiêu: Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ người dân, cải thiện các chỉ số sức khỏe cơ bản; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của các tầng lớp Nhân dân. 
 
Chỉ tiêu cụ thể: Phấn đấu đạt 2 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 được Quốc hội và Chính phủ giao là: Số giường bệnh trên một vạn dân (không kể giường bệnh tại trạm y tế xã) là 28 giường bệnh; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 90,7%. Phấn đấu đạt vượt 7 chỉ tiêu cụ thể cho ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao.
 
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, báo cáo công tác y tế dự phòng; trong đó, có công tác phòng chống dịch Covid-19, thống nhất triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, trên cả nước 11 ngày qua không ghi nhận ca nhiễm mới. Tuy nhiên, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương không chủ quan, coi phòng chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo dõi chặt chẽ tình hình, giám sát ngay tại cửa khẩu và người về từ vùng dịch, cách ly điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn. Truyền thông cung cấp chính xác thông tin, xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật. Chuẩn bị phương án đáp ứng các tình huống dịch theo từng cấp độ. Rà soát đảm bảo về hoạt động xét nghiệm, an toàn sinh học, kết quả xét nghiệm chính xác. Giám sát chặt chẽ đối tượng cách ly, thực hiện nghiêm cách ly 14 ngày đối tượng về từ vùng dịch. Hạn chế tổ chức hội họp đông người.
 
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố không chủ quan. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, phòng dịch chủ động, điều trị kịp thời.
 
Về công tác điều trị bệnh Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định đến nay, Việt Nam ghi nhận 16 ca nhiễm Covid-19, đã điều trị khỏi 15/16 ca (1 ca cuối cùng đã có xét nghiệm âm tính lần 2). Đặc biệt, có 2 bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh nền và một trẻ ba tháng tuổi. Đây là điều đáng mừng. Để phòng chống dịch, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ. Chủ động rà soát trang thiết bị, vật tư, bảo hộ, khu cách ly không để lây nhiễm chéo. Hoàn thiện bổ sung các quy trình hướng dẫn điều trị và chẩn đoán, tổ chức tập huấn kịp thời để đáp ứng phương châm bốn tại chỗ, chấn chỉnh hoạt động khám chữa bệnh của các phòng khám y tế tư nhân (chẩn đoán đúng theo hướng dẫn Bộ Y tế); kiện toàn các đội cơ động; chuẩn bị dự trù trang thiết bị, vật tư y tế, bảo hộ, khẩu trang cho các bệnh viện, phòng lây nhiễm chéo, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế; triển khai mạng lưới phòng xét nghiệm đạt chuẩn, tăng cường năng lực hệ thống y tế để đáp ứng phòng chống dịch Covid-19; tăng cường hợp tác quốc tế, cập nhật các tiến bộ khóa học công nghệ phục vụ công tác chống dịch.
 
Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các đơn vị ngành y tế tham dự hội nghị trực tuyến về công tác y tế và phòng chống dịch Covid-19
Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các đơn vị ngành y tế tham dự hội nghị trực tuyến về công tác y tế và phòng chống dịch Covid-19
 
Chuẩn bị đủ cơ số thuốc phòng chống dịch
 
Về công tác dược, trang thiết bị y tế, đảm bảo hậu cần phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nêu tình hình khẩu trang y tế khan hiếm, hiện nay Bộ Y tế đang mua sắm khẩu trang cũng như trang thiết bị y tế, chuẩn bị đủ cơ số thuốc cho cấp độ 3 và cấp độ 4 phòng chống dịch. Tiếp tục thanh tra tình hình kinh doanh thuốc, vật tư phòng chống dịch, theo thông tin của Bộ Y tế đã có hiện tượng thu gom kháng sinh.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang gia tăng tại Hàn Quốc. Trong khi đó, hiện nay, nguồn thuốc Việt Nam nhập từ Hàn Quốc trị giá 15.000 tỷ đồng (750 triệu USD), vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở cung ứng thuốc chủ động tìm nguồn khác đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch. Về hóa chất khử khuẩn hiện đã xuất nguồn dự trữ quốc gia cấp cho một số địa phương. Bộ Y tế lưu ý các địa phương, đơn vị đảm bảo kinh phí dự phòng, đảm bảo đầy đủ phòng hộ cá nhân, chuẩn bị thuốc vật tư hóa chất phòng chống dịch theo từng cấp độ. Bộ cũng đề xuất chế độ cho cán bộ phòng chống dịch, đưa trang thiết bị, vật tư y tế vào danh mục dự trữ quốc gia (hiện mới chỉ có hóa chất phòng chống dịch được đưa vào danh mục dự trữ quốc gia) .
 
Việc cách ly cực kỳ quan trọng 
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo về truyền thông phòng chống dịch Covid-19, nhấn mạnh: Trong phòng chống bệnh truyền nhiễm việc cách ly cực kỳ quan trọng, đồng thời với việc thực hiện tích cực các giải pháp, vì vậy, cần sự hỗ trợ của ngành truyền thông, báo chí trong việc tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chấp hành việc cách ly phòng dịch.
 
Tại hội nghị, có tham luận của tỉnh Cao Bằng về công tác chuyển người cách ly dịch bệnh Covid-19 xuống tuyến dưới. Tỉnh Cao Bằng đã thiết lập 2 khu cách ly tập trung với phương châm bốn tại chỗ, ban đầu dự kiến có khả năng tiếp nhận khoảng 700 người (trong đó khu cách ly của tỉnh là 500 người và các huyện vùng biên giới khoảng từ 200 - 300 người), lực lượng biên phòng lập 7 chốt quản lý việc qua lại khu vực biên giới, chỉ đạo các huyện thống kê ngay lực lượng lao động tại Cao Bằng đã về và đang ở Trung Quốc chưa về để có biện pháp quản lý.
 
Từ ngày 4/2 đến 24/2, tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận theo dõi sức khỏe và cách ly y tế 1.489 người. Có trên 1.600 người qua các đường mòn lối mở vùng biên giới. Trong số 1.489 người cách ly theo dõi y tế có 104 người là công dân Cao Bằng; còn 1.385 người của 60 tỉnh, thành cả nước (chiếm 93%). Đến nay, đã có 330 người đã hoàn thành cách ly y tế tại địa phương. Tỉnh Cao Bằng đã chuyển 502 công dân về tuyến sau của tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên tiếp tục cách ly. Hiện còn 700 người được theo dõi cách ly tập trung tại tỉnh cũng như tại y tế địa phương, tại nhà. Ngành y tế Cao Bằng đã lấy 6 mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính, như vậy, đến thời điểm này, tỉnh Cao Bằng chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm và nghi ngờ mắc bệnh Covid-19.
 
Kinh nghiệm công tác chuyển người cách ly về tuyến sau của tỉnh Cao Bằng là việc phối hợp lực lượng biên phòng, hải quan, y tế, công an, quân sự. Căn cứ tình hình thực tế, nếu số người cách ly các huyện vượt quá khả năng đưa về tuyến tỉnh và tuyến sau (sang hai tỉnh nêu trên). Cao điểm, ngày 13/2 có trên 600 công dân từ Trung Quốc về, tình hình quá tải nên đưa về tuyến sau (Bắc Cạn, Thái Nguyên), trong quá trình chuyển công dân đến nơi cách ly tuyến sau có khám sức khỏe công dân, quan tâm hạn chế dừng dọc đường, chuẩn bị nước uống để đảm bảo an toàn đề phòng lây lan dịch bệnh. 
 
Đến nay, Cao Bằng đã giảm tải, hiện tình hình công nhân lao động từ Trung Quốc về có giảm xuống, Cao Bằng có khả năng đáp ứng tiếp nhận khoảng 100 người. Tình hình khó khăn là số công dân lao động từ Trung Quốc về khai báo thông tin ban đầu không chính xác, phụ nữ có thai, có trường hợp chỉ có bộ quần áo... 
 
Dự báo Cao Bằng còn khoảng 900 công dân đang lao động ở Trung Quốc chưa về; còn các tỉnh (60 tỉnh, thành) chưa có thống kê nên địa phương Cao Bằng rất bị động... UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, nhân lực về lâu dài, ưu tiên cho địa phương vì tiếp nhận lượng lớn công dân từ vùng biên giới. 
 
Đưa thông tin kịp thời, minh bạch
 
Tại hội nghị còn có các tham luận như: Kinh nghiệm tổ chức cách ly dịch bệnh Covid-19 tại xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc (UBND tỉnh Vĩnh Phúc); Kinh nghiệm triển khai các hoạt động y tế trong vùng cách ly dịch bệnh Covid-19 tại Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương); Tổ chức vệ sinh, khử khuẩn tại các cơ sở đào tạo, trường học chuẩn bị đủ điều kiện phục vụ giáo viên, học sinh (TP Hà Nội); Công tác cách ly dịch bệnh Covid-19 tại sân bay và khách du lịch (TP Đà Nẵng); Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (TP Hồ Chí Minh). 
 
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận: “Do điều kiện đặc thù phòng chống dịch sát ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúng ta nhớ ơn các thầy thuốc, tri ân các thế hệ thầy thuốc đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân, trong đó có các thầy thuốc hy sinh khi phòng chống dịch SARS. Biết ơn các thầy thuốc hy sinh và tri ân các bác sĩ thầy thuốc trên mọi miền đất nước”.
 
Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, chúng ta tiếp tục chống dịch, ghi nhận kết quả bước đầu, chúng ta đã xây dựng đầy đủ các kịch bản phòng chống dịch từ rất sớm. Xác định phương châm: “Ngăn chặn triệt để, phát hiện sớm nhất, cách ly ngay lập tức, khoanh vùng, dập tắt triệt để”. Dịch bệnh là vấn đề toàn cầu cho nên phải tìm sự đồng thuận quốc tế, như Trung Quốc và Hàn Quốc. Xác định chống dịch trong thời đại thông tin, minh bạch, phải đưa thông tin kịp thời, minh bạch không chỉ báo chí mà đặc biệt trên mạng xã hội. Chỉ khi minh bạch thông tin thì mới cảnh báo người dân nguy cơ và có ý thức tham gia chống dịch, phải từng người dân ý thức được và tham gia chống dịch.
 
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: “Đây là lần đầu tiên quân đội nhân dân toàn quốc tham gia chống dịch. Với tất cả sự khiêm tốn và cầu thị, tôi khẳng định Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Việt Nam có nguy cơ cao nhất, sát ổ dịch Trung Quốc, đến giờ có 16 ca và bệnh nhân cuối cùng cho kết quả xét nghiệm âm tính lần hai, từ giờ phút này toàn bộ 16 bệnh nhân đã khỏi bệnh hoàn toàn. Điều này càng khẳng định, cuộc chống dịch như một cuộc chiến, chúng ta đã thắng. Nhưng dịch bệnh khó lường, chúng ta không một phút nào lơi lỏng.Tôi rất mừng vì người dân hiểu biết đúng, tự phòng dịch cho mình, không lo sợ hoang mang quá mức”. 
 
Trước mắt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: Tập trung kiểm soát chặt chẽ những người đến từ vùng dịch, trước đây là Trung Quốc, giờ là hai địa phương có ổ dịch của Hàn Quốc. Thực hiện cách ly mềm dẻo nhưng cương quyết. Có các biện pháp dứt khoát, mạnh, để ngắt dịch sớm, giảm lây nhiễm.
 
Việc cách ly ở các tỉnh biên giới giao lực lượng quân y, quân đội thực hiện cách ly, giao Bộ Quốc phòng chủ động triển khai, các tỉnh phối hợp theo sự tham mưu của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và ý kiến chỉ đạo của quân khu nhằm đảm bảo việc cách ly thật tốt không được để lây nhiễm.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã xử lý nhanh việc cách ly đối với các chuyến bay từ ổ dịch Hàn Quốc về trong thời gian gấp. 
 
Về vai trò công tác truyền thông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, bởi đây là dịch bệnh mới, chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh nên truyền thông làm sao để người dân hiểu, phòng bệnh và không gây bất an cho xã hội. Không chỉ là báo chí, còn truyền thông trong hệ thống đoàn thể, mạng xã hội để khi người dân hiểu cơ chế lây nhiễm, cách phòng chống thì không lo sợ. Làm sao để người dân tham gia cùng chính quyền trong giám sát, cách ly, phòng chống dịch bệnh. 
 
AN NHIÊN