Đoàn ĐBQH làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA)

12:03, 13/03/2020

(LĐ online) - Sáng 13/3, thực hiện chương trình giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh...

(LĐ online) - Sáng 13/3, thực hiện chương trình giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan về việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA). Chương trình giám sát dưới sự chủ trì của Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo. Tham dự cùng đoàn giám sát còn có ĐBQH K’Nhiễu - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cùng các thành viên đoàn giám sát. 
 
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn ĐBQH với UBND tỉnh, các sở ngành liên quan
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn ĐBQH với UBND tỉnh, các sở ngành liên quan
 
Thay mặt UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp đã báo cáo tóm tắt với Đoàn giám sát về kết quả việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
 
Giai đoạn 2016 - 2019, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã kịp thời ban hành và triển khai 5 chương trình về hội nhập quốc tế nhằm cụ thể hóa các chiến lược, chương trình hành động, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế của Trung ương. Các chương trình, kế hoạch được thực hiện trên quy mô toàn tỉnh, bao gồm tất cả ngành và lĩnh vực. Nội dung các chương trình hành động chi tiết và đa dạng như: Xây dựng và hoàn thiện thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường; hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn; bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển bền vững; đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng; đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực; tăng cường công tác dự báo, đánh giá; tăng cường cơ chế phối hợp, giám sát triển khai công tác hội nhập quốc tế... Các văn bản ban hành kịp thời, nội dung phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các cam kết của Việt Nam trong FTA. Việc ban hành các văn bản đã mang lại hiệu quả, có tác động tích cực trong thực tiễn, giúp các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh nắm bắt được tình hình hội nhập quốc tế nói chung và triển khai thực hiện Hiệp định FTA nói riêng, đáp ứng yêu cầu hội nhập hiện nay.
 
Theo báo cáo, toàn tỉnh hiện có 145 chuỗi liên kết sản xuất, sắp tới dự kiến sẽ phát triển lên 250 chuỗi liên kết, hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Đến tháng 10/2019, trên địa bàn tỉnh có 39 tổ chức phi chính phủ đang hoạt động với 41 dự án, chủ yếu các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội. Công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh đã có những cải tiến mạnh mẽ, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đơn giản hoá các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.
 
Thị trường hàng hóa cơ bản ổn định, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng và sản xuất. Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ có bước phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2019 đạt 68.660 tỷ đồng, bình quân tăng 14%/năm, gấp 2 lần so với năm 2015. 
 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Hiệp định FTA vẫn bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc đó là: Kinh tế chưa thật sự bền vững, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của địa phương. Ngành công nghiệp quy mô nhỏ, công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển chậm. Doanh nghiệp Lâm Đồng năng lực cạnh tranh yếu nên việc tham gia xúc tiến thương mại nước ngoài còn hạn chế. Thị trường xuất khẩu nhỏ lẻ, chưa có khách hàng chiến lược. Công tác tuyên truyền còn hạn chế…
 
Các sở, ngành cũng kiến nghị với Đoàn ĐBQH kiến nghị thêm với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh ngay tại sân nhà, danh mục xuất khẩu trái cây giữa Việt Nam – Trung Quốc, không có sầu riêng và bơ, đề nghị Đoàn ĐBQH kiến nghị bổ sung; đề nghị cấp mã số vùng trồng cho địa phương và sớm hướng dẫn để địa phương triển khai; quan tâm đến vấn đề trứng giống tằm hiện nay của Lâm Đồng còn gặp khó khăn do nhập toàn bộ từ Trung Quốc, vừa qua do dịch Covid – 19 diễn ra đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế.
 
Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp thu, ghi nhận các ý kiến góp ý, phản biện của Đoàn giám sát
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp thu, ghi nhận các ý kiến góp ý, phản biện của Đoàn giám sát
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã tiếp thu, ghi nhận các ý kiến góp ý, phản biện của Đoàn giám sát về những tồn tại, bất cập, vướng mắc bên cạnh những kết quả đạt được. Những hạn chế chủ yếu do sự vào cuộc của tất cả các ngành chưa mạnh, chưa quyết liệt để tạo sự đồng bộ. Sắp tới, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lĩnh vực lao động, nâng cao chất lượng lao động, về bình đẳng giới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, cán bộ quản lý hiểu rõ về nội dung này. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng đồng bộ hơn, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực FDI, thu hút các nhà đầu tư lớn để tiếp cận thị trường các nước, thúc đẩy xúc tiến thương mại đưa các hàng hóa, sản phẩm của địa phương sang các nước theo cam kết của các hiệp định FTA. 
 
Kết luận buổi giám sát, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Tạo đã nêu rõ những mặt làm được và hạn chế trong quá trình thực hiện Hiệp định FTA tại Lâm Đồng. Đoàn ghi nhận những vướng mắc, khó khăn của địa phương, sẽ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai, thuế quan, hoàn chỉnh các dự án Luật Bảo hiểm, Luật Công đoàn, Luật Biểu tình, đình công, tranh chấp thương mại, lao động… để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật phù hợp thực tế. Đồng thời, sẽ đề nghị Chính phủ ban hành kịp thời các văn bản dưới luật như xuất nhập cảnh, bảo đảm hệ thống thông tin tuyên truyền về hàng rào thuế quan, danh mục xuất nhập khẩu theo lộ trình thực hiện các Hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn vốn tín dụng trong hoạt động xuất nhập khẩu, đào tạo nguồn nhân lực, trợ giúp pháp lý trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đoàn cũng đề nghị phía UBND tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đặc biệt là các cơ chế chính sách cụ thể của tỉnh mà doanh nghiệp là đối tượng thụ hưởng. Xây dựng mạng lưới trợ giúp pháp lý giúp doanh nghiệp trong qua trình đầu tư, sản xuất, tranh chấp thương mại… nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân, mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước, địa phương.
 
NGUYỆT THU