Một vài ghi nhận qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII

06:03, 17/03/2020

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ",...

* Ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên được thể hiện rõ
* Việc kiểm điểm ở một số tổ chức đảng chưa sâu sát với tinh thần “tự soi”, “tự sửa”
 
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương; tổ chức thực hiện có kế hoạch, lộ trình phù hợp. Trong kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết, hầu hết các cấp ủy, cơ quan, đơn vị xác định hai nhóm nhiệm vụ thực hiện ngay, thường xuyên và nhóm nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình. Công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện được triển khai đồng bộ. Do đó, trong 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII bước đầu đạt kết quả khả quan. 
 
Chuyển biến sau khi học tập, quán triệt nghị quyết
 
Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng có 764 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), trong đó 280 đảng bộ cơ sở, 484 chi bộ cơ sở; 3.275 chi bộ trực thuộc và 46.265 đảng viên. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 17-KH/TU, ngày 20/12/2016 để tổ chức học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết; chỉ đạo các cấp ủy, các TCCSĐ tiến hành học tập, quán triệt nghiêm túc ở các cấp trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Số lượng cán bộ được triệu tập ở cấp tỉnh, cấp huyện tại hội nghị trực tuyến và hội nghị triển khai quán triệt Nghị quyết được 4.153 lượt cán bộ, đảng viên. Toàn tỉnh mở 603 lớp với 71.962 lượt đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, các chức sắc tôn giáo, người lao động... tham gia học tập. Qua học tập, quán triệt Nghị quyết, các cấp ủy, các TCCSĐ có chương trình, kế hoạch với những tiêu chí, nhiệm vụ cụ thể, phù hợp để thực hiện Nghị quyết gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong sinh hoạt chi bộ định kỳ, chào cờ đầu tuần, thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực đã giúp cán bộ, đảng viên phấn đấu khắc phục những mặt hạn chế, khuyết điểm. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung và thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm tình hình và đúc kết thành những chuẩn mực dễ nhớ, dễ thực hiện. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về nền nếp làm việc, thái độ, phong cách, lời nói trong phục vụ Nhân dân; kỷ luật, kỷ cương được chấn chỉnh... Ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, tinh thần tự phê bình và phê bình được nâng lên, trách nhiệm người đứng đầu thể hiện rõ. Công tác chỉ đạo, điều hành sâu sát, hiệu quả hơn. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; công tác đối thoại giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân được quan tâm. Những trường hợp sai phạm được phát hiện và xử lý nghiêm minh; dân chủ trong Đảng được phát huy, nội bộ đoàn kết thống nhất, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra đều hoàn thành tốt. Những chuyển biến nêu trên là những tín hiệu tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ tỉnh trong thời gian tới. 
 
Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp
 
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII trong 3 năm qua cho thấy: Các cấp ủy thường xuyên soi rọi, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở cấp ủy, cơ quan, đơn vị để phát hiện, chấn chỉnh, uốn nắn và xử lý kịp thời; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Lựa chọn các gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình để nêu gương, tạo sự lan tỏa. Đưa các nội dung thực hiện Nghị quyết, chương trình vào kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm từng năm để chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Thường xuyên chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, thực hiện nghiêm túc cam kết học tập và làm theo Bác. Hầu hết các cấp ủy xây dựng kế hoạch cụ thể, đề ra các giải pháp khắc phục, kiên quyết đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, phản động. Kịp thời phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm để giáo dục, xử lý theo quy định. 
 
Việc chỉ đạo và tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình hàng năm thực hiện nghiêm túc. Trong kiểm điểm ngoài nội dung theo yêu cầu, trước khi tiến hành, cấp tỉnh, cấp huyện có nội dung gợi ý kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân về trách nhiệm để xảy ra sai sót, chưa hoàn thành nhiệm vụ hoặc có dư luận không tốt theo tinh thần Nghị quyết. Năm 2017, Ban Thường vụ gợi ý kiểm điểm đối với 10 tập thể, 2 cá nhân, trong đó nội dung tập trung gợi ý vào công tác quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản, tài nguyên khoáng sản, quản lý nguồn vốn đầu tư, xem xét các vụ án... Năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy gợi ý kiểm điểm 8 tập thể và cá nhân liên quan; UBND tỉnh gợi ý kiểm điểm 15 tập thể trực thuộc (5 huyện, thành phố và 10 sở, ban, ngành). Năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy gợi ý kiểm điểm 2 tập thể, 1 cá nhân; UBND tỉnh gợi ý kiểm điểm 4 tập thể (2 huyện và 2 sở). Nội dung gợi ý kiểm điểm tập trung vào trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao và những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm thuộc các lĩnh vực: Quản lý, bảo vệ rừng; khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép; tình trạng đơn thư, khiếu nại, tố cáo phát sinh trên địa bàn; công tác cán bộ; công tác quản lý nguồn vốn và chất lượng công trình dự án đầu tư; công tác cải cách hành chính, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII... Ngoài ra, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã gợi ý làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong tham mưu, quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực. 
 
Từ việc kiểm điểm hàng năm, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân nâng lên, mạnh dạn nhận khuyết điểm, tự phê bình và phê bình có chuyển biến tương đối tốt. 
 
Qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, công tác cán bộ ngày càng được quan tâm, nhất là trong xây dựng đội ngũ cán bộ trong sáng, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; từng bước phát huy tính tiền phong, gương mẫu, làm việc có trách nhiệm và hiệu quả. Hầu như không còn cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở vi phạm uống rượu, bia trong giờ làm việc, buổi trưa các ngày làm việc; tình trạng liên hoan, ăn uống lãng phí khi hội họp, tổng kết, được đề bạt, thuyên chuyển... giảm đáng kể. Kỷ luật, kỷ cương được chấn chỉnh, cơ bản khắc phục tình trạng sử dụng sai chế độ, tài sản, tài chính, xe công... Công tác cải cách thủ tục hành chính của các ngành, địa phương được quan tâm; công tác quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, văn học, nghệ thuật được tăng cường. Chất lượng sinh hoạt chi bộ và vai trò của TCCSĐ được nâng lên. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết được chỉ đạo và thực hiện tốt, nhiều trường hợp vi phạm đã được xử lý một cách nghiêm túc.
 
Một số hạn chế, khuyết điểm và nhiệm vụ, giải pháp
 
Tuy đạt nhiều kết quả quan trọng song việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm cần sớm khắc phục. Đó là: Việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết ở một số cấp ủy, tổ chức đảng triển khai chưa sâu kỹ; vẫn còn số ít cán bộ, đảng viên chưa nhận thức thật đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng và quyết tâm trong thực hiện Nghị quyết. 
Việc kiểm điểm theo Nghị quyết ở một số tổ chức đảng chưa sâu sát với tinh thần “tự soi”, “tự sửa”, có nơi còn nể nang, ngại va chạm; các giải pháp sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm còn chung chung, tính khả thi chưa cao. Một số cấp ủy lãnh đạo công tác quản lý, giáo dục, xử lý cán bộ, đảng viên chưa tốt; triển khai thực hiện các nội dung theo lộ trình còn chậm. 
 
Bên cạnh đó, vai trò nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên có lúc, có việc chưa cao; chưa nhận thức đúng trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công. Việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái theo Nghị quyết chưa triệt để; tinh thần, thái độ của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong học tập nghị quyết của Đảng chưa nghiêm; trách nhiệm, tác phong, lề lối làm việc trong thực thi công vụ còn hạn chế, chất lượng và hiệu quả làm việc chưa cao; số cán bộ, đảng viên bị thi hành kỷ luật tăng. Biểu hiện: Năm 2017 có 139 đảng viên bị thi hành kỷ luật, tăng 11 đảng viên so với năm 2016; năm 2018 có 188 đảng viên bị thi hành kỷ luật và năm 2019 Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 1 đảng viên bằng hình thức khai trừ; giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng và giữ nguyên hình thức cảnh cáo đối với 1 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét, thi hành kỷ luật 3 đảng viên với hình thức khiển trách... Một số cán bộ, đảng viên không gương mẫu thực hiện Nghị quyết, kỷ luật không nghiêm, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nói không đi đôi với làm. Còn số ít cán bộ, đảng viên có biểu hiện nghi ngờ, giảm sút niềm tin vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng, không dám đấu tranh với các tư tưởng lệch lạc, sai trái. Vai trò nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên có lúc, có nơi hạn chế. Việc khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm của một số cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên sau kiểm điểm còn chậm. Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình một số tập thể và cá nhân còn biểu hiện né tránh khuyết điểm, chưa nhận thức đúng trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ, thậm chí che giấu khuyết điểm... 
 
Cũng cần nói thêm là công tác kiểm tra, giám sát có lúc chưa thường xuyên; một số tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) chưa nghiêm túc trong kiểm điểm, nhận diện các biểu hiện suy thoái; chưa kịp thời nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới; kỷ luật, kỷ cương ở một số cơ quan, đơn vị chuyển biến chậm. Mức độ chuyển biến về nội dung, hình thức, chất lượng sinh hoạt chi bộ nhìn chung còn chậm, chưa đồng đều giữa các địa phương, giữa các đảng bộ và giữa các loại hình TCCSĐ. Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa thực sự vững chắc.
 
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm trên là do: Một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu, tầm quan trọng của việc học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Tinh thần trách nhiệm, năng lực và tính chủ động của một số cán bộ lãnh đạo địa phương, đơn vị chưa cao. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở nhiều địa phương, đơn vị còn hình thức, nội dung chưa cụ thể, phương pháp thiếu phong phú; chưa nghiêm túc “tự soi”, “tự sửa”, đối chiếu với những biểu hiện cụ thể. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của một số ít cấp ủy đảng chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đồng bộ, trách nhiệm chưa cao. Một bộ phận nhỏ người đứng đầu cấp ủy chưa thật sự quan tâm đúng mức công tác phối hợp. 
 
Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra, cần tập trung thực thi tốt những nội dung sau: Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng để xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ. Duy trì, tổ chức tốt Giải thưởng Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đẩy mạnh nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình mới. Xây dựng kế hoạch khắc phục những khuyết điểm, hạn chế qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình các năm, nhất là năm 2019, nhằm khắc phục trong năm 2020 tiến tới đại hội các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025. Thường xuyên nắm tình hình dư luận xã hội, diễn biến tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân để chỉ đạo kịp thời; chú trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng để chủ động phòng chống, ngăn ngừa. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nghiêm túc Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; rà soát, kiên quyết xử lý, miễn nhiệm, thay thế, cho thôi chức những trường hợp có biểu hiện suy thoái. Thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đại hội Đảng bộ các cấp trong tỉnh; thực hiện nghiêm các nghị quyết, quy định về công tác cán bộ gắn công tác quy hoạch chuẩn bị nhân sự cho cấp ủy, nhiệm kỳ 2020-2025. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05-CT/TW và các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên... 
 
Cùng với những nhiệm vụ và giải pháp trên, phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội, Quy định về việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; Quy định 99-QĐ/TW về ban hành hướng dẫn khung để cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục phát huy vai trò Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Quy định 124-QĐ/TW về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
 
LAN HỒ