Toàn thắng về ta

06:04, 30/04/2020

Cách đây 45 năm, trưa ngày 30/4/1975 khi chiếc xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng sắt của Dinh Độc Lập mở ra đại lộ chiến thắng, chấm dứt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta trải qua 21 năm là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thử thách cam go ác liệt nhất. Chiến thắng 30/4 là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc. 

Cách đây 45 năm, trưa ngày 30/4/1975 khi chiếc xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng sắt của Dinh Độc Lập mở ra đại lộ chiến thắng, chấm dứt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta trải qua 21 năm là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thử thách cam go ác liệt nhất. Chiến thắng 30/4 là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc. 
 
Nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng tiến vào giải phóng thành phố, ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu
Nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng tiến vào giải phóng thành phố, ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu
 
Chưa bao giờ trong những phút giây tràn đầy xúc động vô biên đó hai chữ thống nhất được gọi lên, được dâng trào với bao tình cảm thiêng liêng, bao khát vọng lớn lao của dân tộc. Từ nay non sông ta liền một dải, từ nay Bắc, Trung, Nam liền một miền. Từ nay từ địa đầu Móng Cái đến đất mũi Cà Mau dải đất chữ S thân thương đã liền mạch. Chúng ta sống lại không khí ngàn năm có một, tay trong tay niềm vui trào nước mắt. Chúng ta gặp những người lính còn mang trên mình nước da tái xanh sốt rét. Họ, vẫn đôi dép cao su đã từng vượt núi băng rừng, vẫn vành mũ tai bèo lá sen mềm mại, vẫn nụ cười trẻ trung và ánh mắt tươi vui, vẫn giọng nói ba miền Bắc, Trung, Nam quen thuộc - Họ đã về đây cùng trong một đội ngũ của những người chiến thắng. Và nắng, nắng mật ong Sài Gòn trưa 30/4 thật ngọt, thật trong suốt mịn màng và còn thảng thốt chút gì đó mơ màng nữa. Màu nắng và màu hoa, màu cờ dào dạt trong điệp khúc: Toàn thắng về ta.
 
Vâng, có thể nói khó có hai chữ nào nói thay và hào hùng bằng: Toàn thắng! Đây là một chiến thắng trọn vẹn, hoàn hảo - Chiến thắng của toàn dân tộc, của toàn đất nước. Một chiến thắng mà chúng ta đã mong đợi từ lâu. Từ ý chí: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, từ khát vọng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” mà Bác Hồ kính yêu đã từng tiên đoán, đã từng khẳng định. Thưa Bác, chiến dịch đại thắng mùa xuân này được mang tên Bác: Chiến dịch Hồ Chí Minh; thành phố Sài Gòn từ nay được mang tên Người: Thành phố Hồ Chí Minh. Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân vào trận cuối cùng. Những người lính được vinh dự mang tên “Bộ đội Cụ Hồ”. “Bộ đội Cụ Hồ” từ 34 chiến sĩ của Đội Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo với vũ khí thô sơ đến nay đã như Tháng Gióng “vươn vai” trở thành những binh đoàn hùng mạnh, những quả đấm thép. “Bộ đội Cụ Hồ” đã từng xẻ chiến hào đánh lấn để toàn thắng Điện Biên Phủ đến nay vào giải phóng Sài Gòn bằng những cỗ xe tăng hiện đại xanh ngời ánh thép. “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn là người lính thuần Việt lớn lên trong vòng tay của mẹ Việt Nam, từ những cánh võng đay, võng tre, đến cánh võng bạt chung chiêng hai mái núi Trường Sơn; từ những bài học vỡ lòng đầu tiên dưới những mái hầm lớp học đắp lũy đất hình chữ A, chữ O vụt đứng lên thành những chàng Phù Đổng. Họ mang trong mình dòng máu Lạc Hồng của tổ tiên gắn với sức mạnh trí tuệ của thời đại - Thời đại Hồ Chí Minh. Có một tấm ảnh tư liệu làm ta xúc động và tự hào biết bao đó là nụ cười của cô Nhíp - cô biệt động Sài Gòn đứng trên xe tăng chỉ đường cho quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. Ta lại bồi hồi nhớ đến nụ cười của chị Võ Thị Thắng trước tòa án đại hình của ngụy quyền Sài Gòn. Nụ cười Việt Nam, vẻ đẹp duyên dáng Việt Nam - Đó cũng chính là sức mạnh tiềm ẩn Việt Nam: Sức mạnh của toàn thắng. Toàn thắng không chỉ trong hành động mà cả trong ứng xử nhân văn hài hòa và thân thiện. Chúng ta toàn thắng không chỉ bằng sức mạnh tiến công quân sự mà bằng cả lòng bao dung nhân nghĩa vẹn tình. 
 
Toàn thắng về ta - Ta lại nhớ đến hình ảnh hai người lính, hai người anh hùng bình dị: Tiểu đội trưởng Hoàng Đăng Vinh bắt sống tướng Đờ Cát ở trận chiến Điện Biên Phủ và Đại đội trưởng Bùi Quang Thận, người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Họ đều sinh ra ở miền quê lúa Thái Bình. Ôi, hai chữ Thái Bình là mong ước, là khát khao, là nguyện vọng sâu thẳm nhất bao đời, bao thế hệ của dân tộc Việt Nam ta. Như mỗi tên núi, tên sông, mỗi tên làng, tên xóm, mỗi tên tỉnh, tên huyện đều mang một ý niệm, một mong ước của sự bình an, của sự đẹp đẽ hướng thiện bao dung. Có một con sông Hồng, sông Hương, sông Thương, sông Hiếu... thì cũng có một núi Bài Thơ, núi Ngự, núi Ngũ Hành Sơn, núi Bà Đen cao vọng. Rồi các miền quê dạt dào sông nước: Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang đến xứ Thanh, xứ Huế, xứ Nghệ... ở đâu ta cũng gặp cộng đồng thân thiết, đi đâu ta cũng gặp ý chí thống nhất non sông. Nam Bộ mênh mang quặn mình “đẻ” đất, “đẻ” nước với bao kênh rạch mà sao câu vọng cổ lại luyến láy không sao dứt nổi của người tiên phong đi mở cõi. Miền Trung sông ngắn mà câu hát lại ngân dài. Dòng sông như chiếc lạt mềm buộc lại đất nghèo, cứ thế mà xanh, cứ thế mà đa tình mà rong ruổi. Và Bắc Bộ đến câu quan họ chào mời cũng thật nền nã và lớp lang. Sông Cầu lơ thơ chảy cạnh sông Hồng đỏ nặng phù sa ăm ắp. Tất cả cũng từ một cội nguồn: Thống nhất. Thống nhất từ bọc trứng đồng bào Âu Cơ, thống nhất trong vẹn toàn tiếng Việt...
 
Toàn thắng về ta không chỉ chiến công của Đại thắng mùa Xuân 30/4 mà là chiến thắng của trầm tích lịch sử. Khi những cỗ xe tăng hiện đại xuất hiện cùng với những binh đoàn hùng mạnh, ta lại nhớ đến những bành voi chiến của hai Bà Trưng, Bà Triệu hay cuộc hành quân thần tốc của đại quân vua Quang Trung cùng chung một khí thế: Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa - Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Voi trận xưa và voi thép nay vẫn vẹn nguyên hình hài tâm hồn, ý chí, trí tuệ cùng một người lính Việt Nam. Người lính ấy ăn hạt gạo năm nắng mười sương của đồng ruộng thôn quê màu mỡ phù sa Việt Nam, nơi sinh ra truyền thuyết bánh chưng, bánh giầy bất tử. Người lính ấy có chung ngày giỗ Tổ (10/3 Âm lịch) hướng vọng về Đền Hùng nguồn cội. Hai chữ Nhân dân trong âm vang ngày đại thắng gọi lên thật thiết tha, thật trìu mến thân thương biết bao. 
Trong những phút giây thiêng liêng của ngày toàn thắng chúng ta lại xúc động nhớ về hình ảnh kính yêu của Bác. Người đã ra đi trên bến Nhà Rồng cũng tại thành phố này cách ngày toàn thắng 64 năm. Người thanh niên mảnh mai mang tên anh Ba giản dị với hai bàn tay trắng, với trái tim nóng bầu nhiệt huyết đã lên chiếc tàu thủy rẽ sóng đại dương tìm đường cứu nước. Và tên người: Nguyễn Ái Quốc như là một khát vọng nung nấu trong mình. Và hôm nay Bác đã trở về cùng với đoàn quân chiến thắng. Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ, đó là hình ảnh đẹp nhất của tấm hình chân dung Bác trong dòng người reo vui mừng chiến thắng. Toàn thắng về ta - Ta lại nhớ bao đồng đội nằm lại trên những dải đất chiến trường. Người ở trong nghĩa trang, trên tấm bia mộ chí vẫn ngời ngời ngôi sao đỏ, vẫn nằm theo đội hình hành quân đánh giặc. Và còn bao người nữa chưa tìm được mộ nhưng hãy xin đừng gọi các anh là vô danh trong cỏ cây đất nước. Có người lính đã ngã xuống ở đầu cầu Sài Gòn trước giờ chiến thắng chỉ còn cách hòa bình trong một tầm tay. Anh khép lại đôi mắt nguyên vẹn một màu trời xanh da diết mà chỉ lát nữa thôi màu trời ấy với màu xanh ấy vĩnh viễn là màu xanh hòa bình không còn khói bom thuốc súng.
 
Toàn thắng về ta là hội tụ kết tinh của bao chiến công từ cuộc tổng tiến công mùa Xuân Mậu Thân năm 1968 mà Bác Hồ - vị tổng chỉ huy tối cao trong lời chúc tết đã ra mệnh lệnh: Tiến lên toàn thắng ắt về ta! Là chiến thắng đường 9 Nam Lào vang dội, là 81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị ác liệt. Mỗi chiến thắng mở ra những cơ hội mới, tạo đà tạo thế chiến lược ở cấp độ cao hơn, toàn diện hơn. Toàn thắng về ta là kết tinh sức mạnh của toàn dân tộc, của hậu phương lớn miền Bắc dành hết sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam thân yêu. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã viết thật xúc động: “Chiến dịch này ăn cơm không phải độn/ Mừng thì mừng mà thương mẹ biết bao”. Hậu phương còn chia lửa với chiến trường miền Nam bằng chiến thắng Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm rực lửa trên bầu trời Hà Nội. Một hậu phương giữ vững tuyến đường mạch máu giao thông cho xe ra tiền tuyến, dù phải dỡ nhà mình lát đường vẫn tình nguyện xông pha. Toàn thắng về ta bởi không chỉ có con đường xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà còn có cả con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển dựng nên bao tượng đài trắng với những nấm mồ trắng trong ngầu ngầu bọt sóng trắng. Ít có đất nước nào mà người mẹ được xưng danh, xưng tên thành danh hiệu cao quý: “Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Ít có đất nước nào mà “ra ngõ gặp anh hùng” và “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Người anh hùng dân tộc đầu tiên trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của nước ta là người phụ nữ. Và vũ khí đầu tiên chống giặc ngoại xâm là bụi tre đằng ngà dẻo dai và quyết liệt...
 
Toàn thắng về ta bởi cuộc kháng chiến cứu nước của chúng ta là chính nghĩa, vì thế được sự giúp đỡ chí tình của bạn bè năm châu bốn biển. “Vì Việt nam, chúng tôi sẵn sàng hiến dâng cả máu” - Chủ tịch Cuba Phi-đen Ca-xtơ-rô đã từng nói thế. Việt Nam đã thức tỉnh lương tri nhân loại, đã kết hợp lòng yêu nước nồng nàn của truyền thống bốn ngàn năm dân tộc với sức mạnh của thời đại. Toàn thắng về ta đã mở ra một chặng đường mới với bao hứa hẹn tương lai nhưng cũng không ít với bao khó khăn, thử thách trên con đường xây dựng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Một đất nước vừa trải qua chiến tranh mang bao vết thương trên mình thì tiếng súng lại nổ trên bầu trời biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Và biển đảo xa khơi lại nổi sóng. Toàn thắng về ta - về ta cả biển trời, hải đảo. Những cột mốc, cột trụ bằng bê tông cốt thép mang quốc huy nước Việt Nam đã được dựng lên khẳng định quyền độc lập thống nhất Tổ quốc. Và những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” từ hải đảo trên biển khơi hay biên cương, biên giới là những - cột - mốc - sống hiên ngang trụ vững. Đó chính là thế hệ nối tiếp “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu) phát huy sức mạnh từ đại thắng mùa xuân 30/4. Toàn thắng về ta như một hiệu triệu của trái tim và còn là một khẳng định vô song, một bảo toàn vô giá bởi “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, bởi “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vẫn đang hiện diện, vẫn đang đồng hành với chúng ta hôm nay. Âm vang ngày toàn thắng không chỉ là khúc ca khải hoàn mà còn là khúc ca cộng hưởng bất diệt cho hôm nay và cho cả mai sau...
 
TÙY BÚT: NGUYỄN NGỌC PHÚ