Báo chí - Lực lượng tiên phong gắn kết hệ thống chính trị và nhân dân

06:06, 21/06/2020

Báo chí trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng, là lực lượng tiên phong gắn kết cả hệ thống chính trị và nhân dân trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đầy cam go, khốc liệt.

Báo chí trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng, là lực lượng tiên phong gắn kết cả hệ thống chính trị và nhân dân trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đầy cam go, khốc liệt.
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình". Với tinh thần "cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén", "cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng", trong những năm qua, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trở thành nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm chính trị của lực lượng báo chí Việt Nam.
 
Báo chí trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng, là lực lượng tiên phong gắn kết cả hệ thống chính trị và nhân dân trong cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đầy cam go, khốc liệt. Cùng với đó, báo chí đã và đang tích cực tuyên truyền, biểu dương những tấm gương sáng trong cuộc chiến; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước trong quyết tâm đấu tranh với nạn tham nhũng, tiêu cực.
 
Các đơn vị thông tin của Thông tấn xã Việt Nam tham gia tích cực vào cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Các đơn vị thông tin của Thông tấn xã Việt Nam tham gia tích cực vào cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
 
Phát huy trách nhiệm người làm báo
 
Vận dụng di huấn chống "giặc nội xâm" của Người, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nêu rõ: "Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’". Bên cạnh đó, Điều 4, Luật Báo chí năm 2016 đã quy định một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng báo chí hiện nay, đó là "phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội".
 
Theo đó, nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng chuyên mục chuyên sâu về công tác phòng chống tham nhũng, được nhân dân quan tâm theo dõi như chuyên mục "Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị" của Thông tấn xã Việt Nam; chuyên mục "Xây dựng Đảng" của báo Nhân dân, chuyên mục "Bình luận-Phê phán", "Đảng và cuộc sống" báo Nhân dân điện tử. Bên cạnh đó, Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng chuyên mục "Đảng trong cuộc sống hôm nay"; Báo Đại đoàn kết có chuyên mục "Giám sát, phản biện", Truyền hình Công an nhân dân với chuyên mục "Những việc cần làm ngay"; Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Thanh Hóa, Gia Lai, Vĩnh Long, Cần Thơ… có chuyên mục "Phòng, chống tham nhũng, lãng phí"…
 
Đặc biệt, năm 2017, Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam chính thức được phát động, nhằm khẳng định vai trò quan trọng và tiên phong của các cơ quan báo chí. Giải thưởng còn khuyến khích, ghi nhận những nhà báo, cơ quan báo chí có các tác phẩm chất lượng tốt trong tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; góp phần nâng cao tính cách mạng, tính chiến đấu và đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của đội ngũ người làm báo Việt Nam. Với trung bình hơn 1.000 tác phẩm ở 4 loại hình báo chí của trên 100 cơ quan báo chí trung ương và địa phương, các tác phẩm dự thi trong những năm qua được đánh giá có tính chiến đấu cao, tính nhân văn sâu sắc, thể hiện công phu với nội dung đa dạng, chân thực, khách quan.
 
Thực tế cho thấy, báo chí có vai trò quan trọng, trở thành lực lượng xung kích, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân thực hiện quyết tâm chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các tác phẩm báo chí đã và đang tích cực tham gia giám sát, phát hiện, công khai và đấu tranh với các hành vi tiêu cực, mở rộng biên độ điều tra trên các lĩnh vực và đối tượng khác nhau. Các tin, bài đã cung cấp thông tin, bằng chứng, căn cứ cho các cơ quan chức năng để xác minh, điều tra, làm rõ mức độ hành vi phạm tội của từng đối tượng.
 
Điển hình, năm 2016, một số tờ báo phát hiện Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe ô tô cá nhân gắn biển số xanh trái quy định. Sau đó, báo chí cùng các cơ quan chức năng điều tra, đưa lên công luận hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến đối tượng Trịnh Xuân Thanh. Với vai trò chính trong vụ án, Trịnh Xuân Thanh bị tuyên phạt tù chung thân - bản án nghiêm minh dành cho đối tượng thực hiện việc làm sai trái nhằm tham ô, chiếm hưởng tiền của Nhà nước, của nhân dân.
 
Nhờ có sự tham gia tích cực của các phóng viên, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã bị phanh phui, thu lại cho Nhà nước và nhân dân hàng nghìn tỷ đồng như vụ án Đinh La Thăng phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản"; vụ án Phạm Công Danh phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; vụ án Hà Văn Thắm phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và "Tham ô tài sản"; vụ án Phan Anh Vũ phạm tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản"… cùng nhiều vụ án khác. 
 
Khơi nguồn và phát huy sức mạnh từ báo chí, trong những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước coi báo chí là nguồn tin đáng tin cậy trong cuộc chiến chính nghĩa; thường xuyên chỉ đạo xác minh, điều tra, làm rõ những thông tin về tham nhũng, tiêu cực do báo chí nêu ra để có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm túc. Trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", báo chí tiếp tục khẳng định vai trò sát cánh, tiên phong cùng Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống "giặc nội xâm".
 
Đồng hành cùng nhân dân "chống giặc"
 
Trước những vụ việc, các tuyến bài đã thông tin kịp thời, công khai diễn biến vụ việc trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua đó thể hiện thái độ đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt, không khoan nhượng. Bên cạnh việc cung cấp thông tin thời sự chính xác, các bài viết tập trung phân tích vụ việc để công chúng nắm bắt bản chất sự việc, hiểu rõ vấn đề, đồng thời phản biện những thông tin chủ quan, trái chiều của các thế lực thù địch. Không chỉ nhận được đánh giá cao của dư luận xã hội, báo chí góp phần tạo niềm tin cho người dân vào công lý, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước trong việc quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
 
Ngoài các bài viết đấu tranh, lên án các vụ án lớn, báo chí cũng phản ánh về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, cửa quyền, "tham nhũng vặt", gây không ít phiền hà, bức xúc trong đời sống của nhân dân. Loạt bài "Truyền bá chuyện Vong báo oán tại Ba Vàng" thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm được báo chí nêu lên đã gây rúng động dư luận. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc và xử lý nghiêm những người liên quan; đồng thời chấn chỉnh hoạt động truyền bá "vong báo oán" tại chùa Ba Vàng.
 
Không chỉ là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, báo chí chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, các tuyến tin bài đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền; cổ vũ sáng kiến phòng chống tham nhũng, biểu dương những điển hình tiên tiến mạnh dạn tố cáo các hành vi tiêu cực. Các bài viết không chỉ truyền cảm hứng, tạo động lực để người dân mạnh dạn, tích cực chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
 
Thông tin về tấm gương hai ông lão gần 80 tuổi chống tham nhũng, các bài viết của báo điện tử VietnamPlus đã nêu rõ tinh thần vượt qua khó khăn, sợ hãi, trong suốt 7 năm, ông Nguyễn Công Uẩn và ông Nguyễn Tiến Lãng (tỉnh Bắc Ninh) kiên trì, mạnh dạn thu thập bằng chứng về hàng trăm bộ hồ sơ, giấy chứng nhận sai quy định trong việc hưởng chế độ người có công với cách mạng tại tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 1. Việc làm của các ông góp phần thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 150 tỷ đồng đồng thời giảm chi ngân sách Nhà nước 20 tỷ đồng mỗi năm do chi sai đối tượng người có công. 
 
Đặc biệt, ngay trong những ngày đầu chống lại đại dịch COVID-19, báo chí đã thông tin kịp thời, công khai, minh bạch toàn bộ các ca nhiễm, nghi nhiễm… trong nước để người dân nhận thức rõ tình trạng, từ đó có các giải pháp cùng Đảng, Nhà nước tham gia phòng, chống dịch hiệu quả. Đặc biệt, báo chí đã phản ánh kịp thời, đầy đủ vụ việc vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội trong việc nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
 
Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; năm tiến hành tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Cả hệ thống chính trị đã và đang tích cực vào cuộc thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn và báo chí không đứng ngoài cuộc chiến. Đội ngũ những người làm báo tiếp tục rèn luyện "bút sắc, lòng trong" để vững bước trong cuộc chiến chống "giặc nội xâm", phản ánh đa chiều, khách quan của đời sống xã hội, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
 
(Theo TTXVN)