Dấu ấn từ nghị quyết sát thực tiễn

05:07, 01/07/2020

Tại Đạ Tẻh, qua triển khai Nghị quyết 04 - NQ/HU của Huyện ủy về "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020" và Nghị quyết số 03 - NQ/HU ngày 3/2/2016 của Huyện ủy về "Phát triển kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu...

Tại Đạ Tẻh, qua triển khai Nghị quyết 04 - NQ/HU của Huyện ủy về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020” và Nghị quyết số 03 - NQ/HU ngày 3/2/2016 của Huyện ủy về “Phát triển kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu: năng suất, chất lượng, hiệu quả giai đoạn 2016 - 2020”; mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của huyện Đạ Tẻh và các tầng lớp nhân dân, nhất là đời sống của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trong huyện đã được cải thiện và nâng lên rõ rệt. 
 
Nhờ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ sang 2 lúa - 1 bắp, thu nhập trên đơn vị diện tích của huyện Đạ Tẻh tăng đáng kể trong thời gian qua. Ảnh: Hữu Sang
Nhờ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ sang 2 lúa - 1 bắp, thu nhập trên đơn vị diện tích của huyện Đạ Tẻh tăng đáng kể trong thời gian qua. Ảnh: Hữu Sang
 
Từ khi Nghị quyết số 04 của Huyện ủy được ban hành đã tạo sự thay đổi rõ nét về tư duy, nhận thức trong phát triển kinh tế. Dưới sự hỗ trợ kịp thời của các cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể địa phương, bà con các DTTS đã tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Một số mô hình đòi hỏi vốn, khoa học kỹ thuật và tay nghề chuyên môn cao đã cho hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS đến nay giảm còn dưới 6% (giảm 23,39% so với năm 2015). Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng cao, hướng đến xây dựng chất lượng sống ngày càng tốt hơn, bền vững và an toàn hơn. Đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân được nâng lên rõ rệt, bà con có ý thức giữ gìn nét văn hóa bản sắc dân tộc, nhất là văn hóa bản địa. Ý thức chấp hành pháp luật trong quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng được nâng lên, tỷ lệ vi phạm pháp luật giảm mạnh, nhất là vi phạm pháp luật về rừng, không để xảy ra vụ việc phức tạp. 
 
Từ Nghị quyết 04 - NQ/HU của Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 66/KH - UBND ngày 5/7/2016 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời triển khai kế hoạch phát triển sản xuất cụ thể cho từng thôn, buôn vùng đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Cụ thể như Đề án trồng cây cao su tập trung tại thôn Đạ Nhar (xã Quốc Oai), Con Ó (xã Mỹ Đức), Đề án trồng cây tầm vông ở thôn Tố Lan - xã An Nhơn và chỉ đạo nhiều chương trình, dự án như chuyển đổi diện tích cây điều già cỗi sang trồng một số loại cây ăn trái có chất lượng và giá trị kinh tế cao. 
 
Bên cạnh đó, Đảng ủy - UBND 5 xã, thị trấn là Đạ Tẻh, Quốc Oai, Mỹ Đức, Đạ Pal và An Nhơn đã ban hành nhiều nghị quyết sát thực tiễn cơ sở, ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 04 của Huyện ủy.
 
Từ đó, kinh tế - xã hội của huyện nói chung, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nói riêng đã có chuyển biến rõ nét. Về chương trình trồng cây cao su tập trung tại khu vực đồi Đất đỏ xã Mỹ Đức đã hình thành được vùng sản xuất cây cao su tập trung với diện tích 65 ha, đang triển khai năm thứ 7. Khu vực Trảng cỏ - xã Quốc Oai, cây cao su tập trung với diện tích 120 ha, đang triển khai năm thứ 6. Việc đầu tư, chăm sóc cây cao su với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước từ 2016 - 2019 là trên 3 tỷ đồng/480 hộ, đã mở 2 lớp dạy nghề khai thác mủ cao su cho 120 hộ là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên.
 
Về tình hình khai thác cây cao su đến nay đã tiến hành khai thác mủ cho số cây đạt tiêu chuẩn khai thác là 65,29%, sản lượng mủ cao su đạt 0,13 kg/cây, thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/tháng/hộ. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác cao su là 49,5 triệu đồng/ha/năm, từ năm thứ hai trở đi thu hoạch đạt 72 triệu đồng/ha/năm.
 
Đối với Nghị quyết số 03 của Huyện ủy Đạ Tẻh, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định đây chính là khâu đột phá, nhiệm vụ tập trung “Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu: năng suất, chất lượng, hiệu quả” được coi là then chốt để phát triển kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. 
 
Sau 5 năm triển khai nghị quyết sát thực tiễn, địa phương đã đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Tổng diện tích gieo trồng đạt 24.256 ha, tăng 10% so với năm 2016. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch nhanh theo hướng tăng diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, thị trường ổn định, giảm dần diện tích cây trồng cho hiệu quả thấp. Cụ thể, về diện tích cây hàng năm giảm 18%, diện tích cây lâu năm tăng 23,7%. Huyện đã cơ bản hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn như lúa chất lượng cao là 1.600 ha, bắp chuyển đổi mùa vụ 1.200 ha, dâu tằm 1.527 ha, cao su 3.775 ha, cây ăn trái 1.656 ha, tre tầm vông 150 ha. Năng suất các loại cây trồng tăng bình quân từ 7 - 10% so với năm 2016. Tỷ trọng ngành chăn nuôi năm 2019 chiếm 28,7%, ước năm 2020 đạt 32% trong cơ cấu nông nghiệp. Địa phương phát triển sản xuất lúa cánh đồng lớn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng chuyên canh lúa Nếp Quýt gắn với xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gạo Nếp Quýt Đạ Tẻh.
 
Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm chất lượng cao theo mô hình liên kết dưới dạng tổ hợp tác, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 1.527 ha, tăng 874 ha so với năm 2016, ước đến hết năm 2020 đạt 1.700 ha, đạt 242,8% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. 
 
Đánh giá về quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 03 và 04 của Huyện ủy Đạ Tẻh, đồng chí Nguyễn Mạnh Việt - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy nhận định: Từ khi nghị quyết được ban hành và triển khai đi vào cuộc sống, đã nhận được sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị với tinh thần trách nhiệm và sự tích cực, chủ động. Qua đó, về cơ bản nền nông nghiệp của huyện đã định hình rõ nét các vùng sản xuất tập trung với các loại cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thi đua lao động sản xuất theo định hướng của Huyện ủy thì nhận thức của Nhân dân về phát triển kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu được lan tỏa. Năng suất bình quân các loại cây trồng tăng từ 7 - 10% so với năm 2016. Giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích tăng bình quân hàng năm từ 7,36%, tăng 29 triệu đồng so với năm 2016. Qua đó, nền nông nghiệp của huyện đã được định hình ngày càng rõ nét các vùng sản xuất tập trung với các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, mang lại giá trị kinh tế. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo tiếng vang và được người tiêu dùng đón nhận, thị trường đánh giá cao như gạo chất lượng cao, Nếp Quýt, tơ tằm, trái cây… qua đó, tạo khí thế và động lực phát triển sản xuất trong Nhân dân.
 
NGUYỆT THU