Hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân

05:07, 03/07/2020

Kết quả kỳ họp thứ 9 vừa qua tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị, tiến hành kỳ họp...

Kết quả kỳ họp thứ 9 vừa qua tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị, tiến hành kỳ họp. Đặc biệt, kết quả kỳ họp này cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân, được cử tri cả nước quan tâm, theo dõi sát sao, kịp thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào các nội dung Quốc hội xem xét, thảo luận.
 
Đoàn ĐBQH họp trực tuyến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tại đầu cầu Lâm Đồng
Đoàn ĐBQH họp trực tuyến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tại đầu cầu Lâm Đồng
 
Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng báo cáo trước cử tri: Để bảo đảm công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 và có những quyết sách kịp thời giúp Chính phủ khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan, tổ chức liên quan, đợt họp trực tuyến đã được tổ chức rất thành công, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trong cách thức tiến hành kỳ họp, được các vị ĐBQH và cử tri đánh giá cao.
 
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác; giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác. Đặc biệt, Quốc hội biểu quyết thông qua 10 luật, cụ thể là: Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng... Đồng thời, Quốc hội thông qua 9 nghị quyết, bao gồm 4 nghị quyết liên quan đến hội nhập quốc tế và 5 nghị quyết khác: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (ILO); Nghị quyết về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội”; Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác… 
 
Việc thông qua các nghị quyết này đã đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam; chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU. Qua đó, khẳng định quyết tâm thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong các hiệp định thương mại cũng như thực hiện nghĩa vụ là quốc gia thành viên ILO của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 
 
Cũng tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước. Đồng thời, thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với hơn 100 chính sách tập trung vào các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số… Đây là những quyết sách quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, thể hiện sâu sắc quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tạo cơ hội mới để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển toàn diện, bền vững.
 
Đóng góp vào thành công chung của kỳ họp Quốc hội thứ 9 vừa qua, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã tổ chức các hội nghị, hội thảo góp ý đối với 16 dự án luật được trình ra kỳ họp. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động giám sát, khảo sát khác nhau; trong đó, có các giám sát chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em; về việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên; về giải quyết khiếu nại, tố cáo; về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phối hợp với Đoàn ĐBQH các tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận khảo sát các tuyến Quốc lộ 28 và 28B...
 
Về hoạt động tiếp xúc cử tri, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của cử tri bằng nhiều kênh khác nhau; qua đó, tổng hợp, phận loại và chuyển gần 40 ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Đoàn đã gửi chất vấn bằng văn bản đối với Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng về nhiều nội dung được xã hội, cử tri Lâm Đồng quan tâm kiến nghị. 
 
Đặc biệt, với gần 40 lượt phát biểu, thảo luận tại tổ và tại hội trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực về công tác xây dựng luật, kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, giám sát chuyên đề, chất vấn… Nhiều nội dung thảo luận, ý kiến góp ý có chất lượng, mang tính thực tiễn của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, góp phần vào thành công của kỳ họp.
 
NGUYỆT THU