Cán bộ tuyên giáo phải "Thạo - Nhạy - Sáng"

06:07, 31/07/2020

Trong toàn bộ hoạt động của Đảng, công tác tuyên giáo là bộ phận cấu thành đặc biệt...

Trong toàn bộ hoạt động của Đảng, công tác tuyên giáo là bộ phận cấu thành đặc biệt. Đây là lĩnh vực trọng yếu của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân, biến chủ trương, đường lối, chính sách ấy thành hành động cách mạng một cách tự giác của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng. 
 
Tuyên giáo Lâm Đồng tham mưu tổ chức hội thi sân khấu hóa về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Tòa
Tuyên giáo Lâm Đồng tham mưu tổ chức hội thi sân khấu hóa về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Tòa
 
Trong giai đoạn hiện nay, cách mạng nước ta nói chung và công tác tuyên giáo nói riêng đang chịu sự tác động, ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, kể cả những yếu tố quốc tế và những yếu tố trong nước. Tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; chúng ta vẫn đang tiếp tục gặt hái những thành quả tốt đẹp từ công cuộc đổi mới, nhưng cũng gặp không ít khó khăn và thử thách. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; có biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” như trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và XII của Đảng đã chỉ rõ; các thế lực thù địch thường xuyên đẩy mạnh thực hiện “âm mưu diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước ta, cản trở con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước và dân tộc.
 
Trước bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra cho công tác tuyên giáo rất nặng nề, phức tạp và mới mẻ, đòi hỏi phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác tuyên giáo là một lĩnh vực khó, chứa đựng nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đa chiều, liên quan đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng và sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Do vậy, để làm tốt công tác này, thì mỗi cán bộ tuyên giáo cần trang bị, tích lũy cho mình các phẩm chất về đạo đức, trình độ, năng lực, phong cách công tác. Có thể khái quát thành các yếu tố “Thạo, Nhạy, Sáng”.
 
Yếu tố “Thạo” thể hiện trên các khía cạnh: Trước hết phải thạo về lý luận, tức là phải nắm chắc và hiểu biết được những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin và có khả năng vận dụng vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình trong thực tiễn công tác; xây dựng niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn; có lập trường, bản lĩnh vững vàng, không bị tác động, ảnh hưởng của những cám dỗ tầm thường; dù ở đâu, mỗi bài viết, bài nói đều phải theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng để tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
 
Thạo công việc: Công tác tuyên giáo là một khoa học tổng hợp, bao gồm nhiều phương diện, lĩnh vực khác nhau, như: Tư tưởng, lý luận, tuyên truyền, báo chí - xuất bản, lịch sử Đảng, khoa giáo, điều tra dư luận xã hội, thông tin đối ngoại...Vì vậy, cán bộ tuyên giáo phải có nền tảng tri thức rộng, tổng hợp về khoa học (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) và sâu về lĩnh vực chính trị - xã hội; hiểu rõ tính chất công việc mà mình đang làm và phải có  khả năng nắm bắt, phân tích, đề xuất giải pháp và tham mưu cho cấp ủy thực hiện việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, tổ chức thực hiện các mặt hoạt động của công tác tuyên giáo.  
 
Thạo viết, thạo nói, tức là phải nói tốt, viết tốt: Người làm tuyên giáo, trước hết phải có năng lực nói và viết. Nói tốt, để đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền miệng - một mảng lớn trong công tác tuyên truyền, dễ dàng vận dụng linh hoạt, thường xuyên trong mọi hoàn cảnh, phù hợp các nhóm đối tượng người nghe. Viết tốt để góp phần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện truyền thông, phục vụ công tác tuyên truyền một cách bài bản, mang tính học thuật, nghiên cứu sâu về công tác tuyên giáo. Đối với người làm công tác tuyên giáo, hai hoạt động nói và viết phải được vận dụng song hành, nhuần nhuyễn.  
 
Thành thạo khoa học công nghệ: Trong thế giới phẳng và khoa học công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay, các luồng thông tin được truyền đi trên nhiều kênh, đa chiều với tốc độ nhanh chóng thì cán bộ tuyên giáo phải biết khai thác, vận dụng thành tựu của khoa học công nghệ phục vụ cho công tác tuyên giáo; phải bình tĩnh, tỉnh táo, chắt lọc thông tin, cung cấp thông tin chính thống để định hướng dư luận và tuyên truyền đúng quan điểm, chủ trương của Đảng đến mọi tầng lớp nhân dân; ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu, báo cáo, tổng hợp, điều tra dư luận xã hội, trong phản bác, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Fanpage, Blog cá nhân…).
 
Yếu tố thứ hai, cán bộ tuyên giáo phải “Nhạy”, nghĩa là phải nhạy bén với thời cuộc, nhạy bén trước những vấn đề mới, nhạy bén trong phát hiện, xử lý vấn đề, giải quyết tình huống, chủ động tham mưu “trúng” và “đúng” cho lãnh đạo cấp ủy các cấp, nhằm chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung. Để đạt được sự “nhạy” thì phải bám sát thực tiễn và gắn bó mật thiết với Nhân dân. Cán bộ làm công tác tuyên giáo chịu khó đi sâu, đi sát thực tế để kịp thời giải đáp những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Đắm mình vào thực tiễn, gần gũi với Nhân dân, cán bộ tuyên giáo mới có thể phát hiện được những diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội nảy sinh, những “điểm nóng”, những tình huống tư tưởng, trên cơ sở đó kịp thời tham mưu, đề xuất những dự báo, giải pháp công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo. Hướng mạnh về cơ sở, cán bộ tuyên giáo mới có thể nhìn thấy rõ hơn những nhân tố mới, những kinh nghiệm hay để tổng kết và phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội. Gắn với thực tiễn cũng chính là để mỗi cán bộ tuyên giáo phát hiện, đánh giá hiệu quả đi vào cuộc sống của các nghị quyết của Đảng ra sao, có gì cần khắc phục, cần sửa chữa, bổ sung. Có như vậy, hoạt động của đội ngũ cán bộ tuyên giáo mới sinh động, giàu sức sống và có tính thuyết phục. 
 
Yếu tố quan trọng không thể thiếu của cán bộ tuyên giáo là “Sáng”: Người làm tuyên giáo mà không có đạo đức trong sáng, không gương mẫu thì nói không ai tin, tuyên truyền đến mấy cũng chẳng ai nghe. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Hiện thực cuộc sống cũng đã chứng minh “Một tấm gương sống có giá trị hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền” đúng như lời dạy của Bác dành cho mọi cán bộ, đảng viên. Những tấm gương sáng của người lãnh đạo, của cán bộ, đảng viên sẽ có sức lay động, lan tỏa, tạo niềm tin, sự cảm mến, lôi cuốn và thuyết phục quần chúng Nhân dân đồng thuận thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng. Ngược lại, khi cán bộ, đảng viên có hình ảnh xấu, tiêu cực sẽ làm xói mòn niềm tin của Nhân dân vào đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, nhất là cán bộ tuyên giáo phải luôn tự rèn luyện về đạo đức, gương mẫu trong công việc, trách nhiệm được giao; gương mẫu về phẩm chất, nhân cách, lối sống; gương mẫu trong phong cách làm việc dân chủ, khoa học, gần dân, sát thực tế, thống nhất giữa lời nói và việc làm. Như vậy mới làm tốt được công tác tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay.
 
Mục tiêu quan trọng mà Đảng ta xác định trong mọi thời kỳ cách mạng là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ “vừa Hồng, vừa Chuyên” trong đó có cán bộ ngành tuyên giáo. Tự hào với truyền thống vẻ vang 90 năm, mỗi cán bộ, đảng viên công tác trong ngành Tuyên giáo tiếp tục nỗ lực, cố gắng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là những chiến sỹ xung kích, tiên phong của Đảng, là người gieo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, xây dựng quê hương Lâm Đồng phồn thịnh, văn minh.
 
TRẦN TRUNG HIẾU