3 mục tiêu tăng trưởng lớn cần thúc đẩy là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng

03:07, 02/07/2020

(LĐ online) - Sáng 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương...

(LĐ online) - Sáng 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, thành viên Chính phủ và các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan của Quốc hội… Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt; cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành và địa phương trong tỉnh.
 
Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương. Ảnh: Chinhphu.vn
Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương. Ảnh: Chinhphu.vn
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hội nghị là trách nhiệm và quyết tâm cao nhất không chỉ đánh giá tình hình 6 tháng qua; mà còn định hướng chủ đạo những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội, phục hồi phát triển kinh tế, hoàn thành nhiệm vụ với xã hội là khống chế và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 được thế giới đánh giá cao, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Tuy nhiên, dịch bệnh tác động rất mạnh đến nền kinh tế nước ta trong quý II, nên nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế cấp bách hơn bao giờ hết và kiên quyết không để Covid-19 quay lại nước ta.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc. Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc. Ảnh: Chinhphu.vn
 
Thế giới có nhiều biến động lớn, trì trệ do dịch bệnh gây ra. Kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng của nước ta. Trong khi theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu giảm 5,2% trong năm nay là mức giảm mạnh nhất từ suy thoái 1929-1933; châu Á tăng trưởng âm 1,5%; các nước ASEAN giảm bình quân 2%, Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức hơn 2%…
 
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, cho biết: tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020 do quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, khiến tiêu dùng giảm, xuất khẩu giảm, du khách giảm... Kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, thấp nhất 10 năm qua nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
 
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến và Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt tại Hội nghị trực tuyến.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến và Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt tại Hội nghị trực tuyến.
 
Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép để bảo đảm đời sống của Nhân dân, đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài… và đạt được một số mục tiêu quan trọng, là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, xuất siêu 4 tỷ USD, vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá, tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, kích cầu du lịch và hàng không nội địa hiệu quả; đặc biệt là đời sống Nhân dân và an sinh xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức thành công Hội nghị ASEAN trong tháng 6, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, nêu rõ chủ quyền và công ước quốc tế về Luật Biển, khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, được quốc tế đánh giá cao… củng cố niềm tin của doanh nghiệp, của Nhân dân cả nước…
 
Tham gia họp trực tuyến tại điểm cầu Lâm Đồng
Tham gia họp trực tuyến tại điểm cầu Lâm Đồng
 
Thủ tướng đưa ra các nội dung cần tập trung thảo luận, trong đó, 3 mục tiêu tăng trưởng lớn như "cỗ xe tam mã" phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng để lấy đà cho tăng trưởng. Thủ tướng cũng nhắc lại 2 mục tiêu kép trong thời điểm này, là không để dịch Covid quay trở lại xóa mất mục tiêu chúng ta đã phấn đấu và không vì kinh tế mà dễ dãi để dịch bệnh tổn hại đến sức khỏe của Nhân dân; đồng thời, phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo đời sống của Nhân dân. Vì vậy, cần đoàn kết, hợp tác, vượt qua khó khăn; sáng tạo, sát sao trong chỉ đạo điều hành.
 
Các nội dung Thủ tướng yêu cầu là: Mặc dù kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần nhận diện, xác định rõ các rủi ro bên ngoài và bên trong để có biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả, kịp thời… Về điều hành công cụ chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa và tiền tệ, kích cầu thúc đẩy tăng trưởng cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt… Giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; nếu giải ngân tốt thì đây sẽ là biện pháp kích cầu ngắn hạn hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021. 
 
Trong điều kiện thị trường quốc tế bị thu hẹp, cầu nội địa giảm, chúng ta phải có những biện pháp cụ thể gì để mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa; Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật và cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; Chỉ đạo phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị; Thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, nguồn vốn FDI và phát huy hơn nữa vai trò của các địa phương… Thủ tướng cũng hoan nghênh cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân năng động đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, liên kết chặt chẽ, nỗ lực vượt khó…
 
Hội nghị cũng nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt các nội dung về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 84/NQ-CP, Chỉ thị 11/CT-TTg; tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tóm tắt các nội dung: Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2020; Công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và tình hình thực hiện nhiệm vụ; Một số vướng mắc trong thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo tình hình triển khai gói an sinh xã hội và việc triển khai chính sách xã hội 6 tháng cuối năm. Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo cập nhật tình hình và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, các địa phương, các Bộ trưởng của nhiều bộ cũng có phát biểu tham luận.
 
LÊ HOA