Quốc dân Đại hội Tân Trào đánh dấu bước ngoặt lịch sử

08:08, 17/08/2020

(LĐ online) - Ngày 16 và 17-8-1945, Đại hội Đại biểu Quốc dân (Quốc dân Đại hội Tân Trào) đã họp tại đình Tân Trào (thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) với hơn 60 đại biểu...

(LĐ online) - Ngày 16 và 17-8-1945, Đại hội Đại biểu Quốc dân (Quốc dân Đại hội Tân Trào) đã họp tại đình Tân Trào (thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) với hơn 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái, đoàn thể, dân tộc, tôn giáo từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và Việt kiều ở Thái Lan, Lào tham dự. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam, phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. 
 
Đình Tân Trào. Ảnh: baodulich.net.vn
Đình Tân Trào. Ảnh: baodulich.net.vn
Từ tháng 10-1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho quốc dân đồng bào, thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta, tạo nên sức mạnh dân tộc bên trong và tranh thủ ngoại viện của quốc tế nhằm chớp thời cơ thuận lợi thực hiện cho được mục tiêu độc lập, tự do.
 
Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương, tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị mở rộng và ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", vạch ra những nhiệm vụ và chủ trương, biện pháp cách mạng mới để chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước phù hợp với tình hình lúc bấy giờ. 
 
Tháng 5-1945, Hồ Chí Minh từ Pắc Bó, Cao Bằng về Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang. Ngày 4-6-1945, Hội nghị Cán bộ Việt Minh đã quyết nghị thành lập Khu giải phóng gồm hầu hết các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang và một số vùng lân cận thuộc Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên và thành lập Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng gồm 5 người. Uỷ ban có nhiệm vụ lãnh đạo toàn Khu về các phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội. Tân Trào được chọn là Thủ đô lâm thời của Khu giải phóng, là căn cứ địa chính của cách mạng cả nước. Tại Tân Trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải gấp rút họp Đại hội đại biểu Quốc dân.
 
Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương; khẳng định quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Ngay đêm hôm đó, Uỷ ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đã hạ lệnh khởi nghĩa và ra Quân lệnh số 1, kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
 
Sáng 15-8-1945, được tin Nhật Hoàng ra lệnh đầu hàng quân Đồng Minh, Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh thấy không thể chờ đợi cho thật đông đủ tất cả các đại biểu nên đã quyết định khai mạc Đại hội đại biểu Quốc dân vào chiều 16-8-1945 và tiến hành rất nhanh chóng để các đại biểu có thể mang lệnh khởi nghĩa về các địa phương. Đại hội họp tại đình Tân Trào. Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù vừa bị cơn sốt rất nặng, sức còn yếu nhưng Người đã đến dự Đại hội. Đây là lần đầu tiên sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh ra mắt các đại biểu khắp ba kỳ, đại biểu Việt kiều ở Thái Lan và Lào. Được gặp vị lãnh tụ tối cao của dân tộc và nghe Người phát biểu, các đại biểu đều rất cảm động, phấn khởi và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
 
Tại Đại hội, Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng đã đọc bản báo cáo nêu ra hai vấn đề lớn: Tổng khởi nghĩa và bầu Uỷ ban Dân tộc giải phóng. Đồng chí Hoàng Quốc Việt báo cáo về phong trào công nhân; đồng chí Trần Đức Thịnh báo cáo về nông dân, đồng chí Nguyễn Đình Thi báo cáo về văn hoá, đồng chí Hoàng Đạo Thuý báo cáo về hướng đạo... Trên cơ sở đó, Đại hội đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh; quyết định phát động Tổng khởi nghĩa, lãnh đạo quần chúng nổi dậy, giành chính quyền từ tay quân Nhật; thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam; thông qua 10 chính sách của Việt Minh; quy định về Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng 5 cánh, Quốc ca là bài “Tiến quân ca” và nhiều chiến lược quan trọng khác của cách mạng Việt Nam; đồng thời, hiệu triệu Nhân dân toàn quốc, các đoàn thể cách mạng phải kịp thời đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân.
 
Ngày 17-8-1945, Đại hội bế mạc trong không khí tổng khởi nghĩa sôi sục. Thay mặt Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của Nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo Nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước". Trước giờ phút đấu tranh quyết liệt và khẩn trương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong đó có đoạn viết: “Hỡi đồng bào yêu quí! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
 
Từ những quyết sách của Đại hội, hưởng ứng Thư kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể Nhân dân Việt Nam đã nhất tề khởi nghĩa giành chính quyền, nhanh chóng đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945 đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
Quốc dân Đại hội Tân Trào chiếm một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa như Hội nghị Diên hồng thời đại mới, vừa chuẩn bị thế và lực cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, vừa phát đi một thông điệp, hiệu lệnh dẫn dắt toàn bộ cuộc Tổng khởi nghĩa. Đồng thời, Quốc dân Đại hội còn mang ý nghĩa của “một tiền Quốc hội” với cơ cấu các thành phần đại diện cho các giai cấp, chính giới, thành phần xã hội và bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ cách mạng lâm thời), quy định về Quốc kỳ, quốc ca…, tạo nền tảng cho định hình thể chế dân chủ cộng hòa: Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Vì vậy, khi nói về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khóa I không thể không nhắc đến “Quốc dân Đại hội Tân Trào”.
 
Quốc dân Đại hội Tân Trào. Tranh minh họa từ Cổng TTĐT Tuyên Quang
Quốc dân Đại hội Tân Trào. Tranh minh họa từ Cổng TTĐT Tuyên Quang
 
Thắng lợi của Quốc dân Đại hội Tân Trào là thắng lợi lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta và Tổng bộ Việt Minh trong việc đánh giá đúng tình hình cách mạng trong nước và thế giới, chớp đúng thời cơ giành chính quyền; là thắng lợi của sự sáng tạo độc đáo trong việc phát huy ý chí, sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và trong việc vận dụng, thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành quyền độc lập dân tộc, đặt cơ sở mang tính pháp lý cách mạng đầu tiên cho một chế độ mới ở Việt Nam. Đúng như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quốc dân Đại hội Tân Trào “là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay”.   
 
Tinh thần Quốc dân Đại hội đã để lại nhiều bài học quý báu đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được gìn giữ và tiếp tục phát huy một cách sáng tạo. Đó là các bài học về: Nghệ thuật chớp đúng thời cơ; phát huy ý chí, sức mạnh toàn dân tộc; đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân; phát huy dân chủ trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; … 
 
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, nhất là trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế hiện nay, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần phát huy cao độ tinh thần Quốc dân Đại hội; nỗ lực phấn đấu hơn nữa, đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa đất nước ngày càng phát phát triển nhanh và bền vững, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Tinh thần và những giá trị to lớn của Quốc dân Đại hội mãi mãi là bài học lịch sử quý báu cần được vận dụng sáng tạo trong công cuộc đổi mới đất nước.
 
VĂN NHÂN