Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám

05:08, 18/08/2020

Năm 1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Cuộc cách mạng vĩ đại này đã kết thúc hơn 80 năm cả dân tộc sống trong tủi nhục, hờn căm...

Năm 1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Cuộc cách mạng vĩ đại này đã kết thúc hơn 80 năm cả dân tộc sống trong tủi nhục, hờn căm. Thành công nhanh chóng và triệt để của cuộc cách mạng vĩ đại này chỉ có thể là lòng yêu nước thiết tha cháy bỏng của người dân Việt Nam khi ấy và sức mạnh vĩ đại của dân tộc đã được Đảng Cộng sản Đông Dương khơi dậy và phát huy mạnh mẽ.
 
Mít tinh mừng độc lập ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Tư liệu
Mít tinh mừng độc lập ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Tư liệu
 
Mốc son chói lọi
 
Tháng 8 năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ có vỏn vẹn 5.000 đảng viên, rất nhiều trong số những đồng chí này còn bị giam cầm trong nhà tù của đế quốc, thực dân. Năm nghìn đảng viên đã lãnh đạo Nhân dân làm nên một cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, kết thúc hơn 80 năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam. 
 
Viết về sự kiện này, nhà cách mạng lão thành Nguyễn Văn Nguyễn đã xúc cảm: “Giữa cảnh trời lộng mây, làn sóng người cuồn cuộn chảy vào đô thị, chiến tranh vừa kết thúc, nhơn loại thở một hơi dài, người nô lệ đi ra đường, cỏ cây, đất nước cùng được giải phóng. Một tác phẩm xuất hiện. Không phải công trình của anh hùng vô vi cô độc. Tác phẩm của Nhân dân, được làm bằng máu thịt của Nhân dân, anh hùng là Nhân dân: ấy là Cách mạng tháng Tám”. 
 
Ngay từ Chính cương vắt tắt, Sách lược vắn tắt của Hội nghị thành lập Đảng năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định lực lượng chính của các cuộc cách mạng là toàn thể Nhân dân Việt Nam. Đây là chủ trương xuyên suốt của lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng, nhất là chủ trương này đã phát huy mạnh mẽ và cao độ trong Cách mạng Tháng Tám. Trước khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, đã diễn ra nhiều cuộc tập dượt sức mạnh vĩ đại của dân tộc từ Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, Phong trào Dân chủ 1936-1939, cao trào cách mạng 1939-1945. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tháng 5 năm 1941 đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh để quy tụ tất cả các giới đồng bào có chung mục đích cao nhất là đánh đuổi thực dân và đế quốc giành độc lập cho dân tộc.
 
Ngay khi lệnh tổng khởi nghĩa được ban ra từ căn cứ Việt Bắc đã trở thành lời hiệu triệu lôi cuốn tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng, tôn giáo… cùng nhau đứng lên đấu tranh bằng mọi cách thức, mọi vũ khí, nhằm giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chỉ chưa đầy một tuần sau thắng lợi của cách mạng ở Hà Nội thì ngày 25/8, Cách mạng Tháng Tám đã thành công ở Sài Gòn. Thành trì mấy chục năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và sau này của cả phát xít đã tiêu tan.
 
Thắng lợi nhanh chóng này chỉ có thể bằng sự lãnh đạo với đường lối đúng đắn của Đảng nên đã phát huy được sức mạnh vĩ đại của các tầng lớp nhân dân. Có một điều kỳ lạ diễn ra trong Cách mạng Tháng Tám là nhiều quan lại cao cấp của chính quyền phong kiến, thực dân, nhiều nhà tư sản nổi tiếng, nhiều trí thức tên tuổi đã đi theo tiếng gọi của Nhân dân, của đất nước để cùng hòa mình trong dòng thác vĩ đại sục sôi này của dân tộc. 
 
Những bài học còn nguyên giá trị 
 
Bài học đầu tiên, trước hết phải kể đến việc đánh giá đúng thời cơ, chớp thời cơ. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, cuộc cách mạng đã nổ ra và thành công nhanh chóng. Thành công nhanh chóng của cuộc Cách mạng Tháng Tám chính là ở việc Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã chớp thời cơ của tình hình trong nước và thế giới. Chớp thời cơ Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật và những thắng lợi của quân Đồng Minh ở châu Âu; Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp và quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước. Quân lệnh số 1 sau đó đã khẳng định: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam cùng giành lấy quyền độc lập của nước nhà… Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”. 
 
Tiếp đến bài học, phát huy sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng của toàn dân. Mặt trận Việt Minh ra đời và quy tụ trong đó tất cả những người yêu nước, không phân biệt thành phần giai cấp, tôn giáo… Tất cả những người Việt Nam chỉ cần tán thành đường lối “coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do độc lập”. Bởi tính chất đoàn kết rộng rãi ấy nên cuộc cách mạng này đã quy tụ được rất nhiều giới đồng bào tham gia, từ các bậc hoàng thân quốc thích đến các vị quan lại, trí thức nổi tiếng và tới tất cả mỗi người dân. Bài học này là gợi mở quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi Đảng Cộng sản Việt Nam với chủ trương tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc. 
 
Bài học thứ ba là, làm tốt công tác tập hợp lực lượng. Không một tổ chức Đảng nào dù tài năng tới đâu, đông đảo cỡ nào có thể làm hết mọi việc, Lênin đã nói đại ý như vậy. Điều quan trọng nhất là các tổ chức lãnh đạo phải có đường lối đúng đắn để quy tụ xung quanh mình lực lượng của cách mạng. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với Mặt trận Việt Minh, rất nhiều tổ chức khác đã được thành lập và có công lao rất lớn trong tập hợp lực lượng như: Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc... Đặc biệt, ở miền Nam, phong trào Thanh niên Tiền phong của Chính phủ Trần Trọng Kim rất đông đảo đã tự nguyện ngả về phía Việt Minh, góp phần làm cho lực lượng của cách mạng thêm mạnh mẽ.
 
Bài học cuối cùng chính là vai trò gương mẫu của những người lãnh đạo. Lãnh tụ và những nhà lãnh đạo trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đều là những tấm gương mà người dân nhìn vào đó để tin tưởng, phó thác và đi theo. Nhân dân đã tin, đã đi theo Mặt trận Việt Minh bởi tinh thần yêu nước và đường lối đúng đắn của họ. Khi biết Hồ Chí Minh là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, vua Bảo Đại đã nói với vị đại thần của mình rằng: Nếu Hồ Chí Minh đúng là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thì thật xứng đáng để thoái vị. Các gia đình tư sản, điền chủ giàu có khi ủng hộ cho Việt Minh đã đề nghị không cần giấy chứng nhận vì hoàn toàn tin tưởng đóng góp và ủng hộ của mình sẽ được hoàn toàn dùng đúng nơi, đúng chỗ…
 
75 năm sau cuộc cách mạng vĩ đại này, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Những thành tựu ấy là kết tinh của nhiều nguyên nhân, song chắc chắn có một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là đại đoàn kết dân tộc. Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mà Cách mạng Tháng Tám để lại vẫn luôn nóng hổi.
 
VŨ TRUNG KIÊN