Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với tỉnh Lâm Đồng

07:09, 11/09/2020

(LĐ online) - Chiều 10/9, tại TP Đà Lạt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về công tác thực hiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh.

(LĐ online) - Chiều 10/9, tại TP Đà Lạt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về công tác thực hiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh.
 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc
 
Làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành liên quan.
 
Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong 5 năm qua, kinh tế của tỉnh Lâm Đồng có nhiều phát triển; quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8%; GRDP tăng 1,6 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 46 triệu đồng năm 2015 lên 71 triệu đồng vào năm 2020, đạt mục tiêu đề ra và cao hơn bình quân chung cả nước.
 
Toàn tỉnh thực hiện đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra. Riêng 8 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh chung của nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch dịch Covid-19, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung khắc phục khó khăn, tổ chức thực hiện mục tiêu kép, dần ổn định tình hình và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. 
 
Đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020, ngành tài nguyên và môi trường Lâm Đồng đã đổi mới, nâng cao hoạt động bộ máy; công tác cải cách hành chính, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đạt hơn 98% hàng năm. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường được thực hiện đảm bảo.
 
Từ năm 2016 đến nay, đã tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt theo quy định cho 497 hồ sơ của các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Số lượng cơ sở bị xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường 21 cơ sở, với tổng số tiền vi phạm gần 2 tỷ đồng. Hiện nay, để quản lý chặt 94 giấy phép hoạt động khai thác trong lĩnh vực khoáng sản, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm để hoạt động đúng pháp luật… 
 
Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ Tài nguyên và Môi trường với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng
Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ Tài nguyên và Môi trường với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng
 
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị đến Bộ Tài nguyên và Môi trường một số vấn đề liên quan đến thủ tục thuê đất, triển khai dự án, cần có quy định cụ thể để tháo gỡ khó khăn, xử lý những tồn tại đất nông lâm trường quốc doanh, giải quyết đất tạm giao và thuê đất và xử lý tài sản trên đất; quy định về thủ tục san gạt, cải tạo mặt bằng đối với địa phương. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn thực hiện dự án bãi xử lý rác thải Cam Ly (TP Đà Lạt) và bãi rác P’ré (huyện Đức Trọng), bởi hai dự án này đã có chủ trương trong danh mục đầu tư; có giải pháp tháo gỡ việc thuê đất, sử dụng đất để thực hiện đầu tư các dự án kinh doanh du lịch canh nông. 
 
Theo đồng chí Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cùng với đó thì các lĩnh vực về quản lý đất đai, môi trường, xử lý ô nhiễm, bảo vệ cảnh quan, nguồn nước cũng vấp phải nhiều vướng mắc, gây trở ngại trong công tác quản lý nhà nước và thực thi các chính sách pháp luật tại địa phương. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Đối với một địa phương phát triển về du lịch, nông nghiệp thì các vấn đề về quản lý đất đai, môi trường, cảnh quan, tài nguyên nước... là những vấn đề bức xúc. Trong quá trình triển khai thực tế thì có nhiều cái vướng và địa phương cũng đã chủ động giải quyết nhưng trên thực tế vẫn gặp một số khó khăn, trở ngại”.
 
Sau khi nghe các thành viên trong Đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin một số kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng, như các chính sách đầu tư; các dự án về môi trường, luật đất đai, cấp quyền sử dụng đất, quản lý khoáng sản. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, kết luận và khẳng định sự tăng trưởng về mặt kinh tế của tỉnh Lâm Đồng, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh trong bối cảnh dịch Covid-19. Đặc biệt là công tác thực hiện chính sách pháp luật về tài nguyên khoáng sản đã chấp hành, thực hiện đúng quy định. 
 
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng, công tác quản lý nhà nước về môi trường trong tình hình hiện nay đang đặt ra những giải pháp căn cơ, song song với đầu tư, cấp phép, hướng dẫn, chính quyền và ngành chuyên môn phải thực hiện công tác lãnh đạo, điều hành trong quản lý, tăng cường giám sát, trên cơ sở đó để nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc; đồng thời, kịp phát hiện những sai phạm để có hướng xử lý. 
 
Với những kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận, tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan để có phương án tháo gỡ những vấn đề thuộc thẩm quyền, góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước và ổn định hoạt động trong lĩnh vực do ngành quản lý.
 
Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn đầu kiểm tra thực tế bãi rác Cam Ly
Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn đầu kiểm tra thực tế bãi rác Cam Ly
 
Trước đó vào sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng Đoàn công tác của bộ đã kiểm tra thực tế tình hình ô nhiễm môi trường tại bãi rác Cam Ly (TP Đà Lạt), để tìm kiếm giải pháp xử lý khẩn cấp. Bãi rác Cam Ly hoạt động từ năm 1976 đến nay theo hình thức chôn lấp. Những năm qua, nơi đây luôn rơi vào tình trạng quá tải và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Năm 2015, bãi rác Cam Ly đã phải đóng cửa và chất thải rắn của thành phố được chuyển tới Nhà máy xử lý chất thải ở xã Xuân Trường, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 20 km. Tuy nhiên, đến năm 2017, do nhà máy xử lý chất thải ở Xuân Trường không đáp ứng yêu cầu xử lý nên Công ty Dịch vụ đô thị Đà Lạt lại tiếp tục đưa bãi rác Cam Ly vào hoạt động. 
 
Mặc dù thuộc danh mục có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần được cải tạo xử lý, nhưng hiện mỗi ngày bãi rác Cam Ly vẫn tiếp nhận khoảng 200 tấn chất thải rắn của TP Đà Lạt, khiến ô nhiễm môi trường càng thêm nghiêm trọng và khó kiểm soát. 
 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, trước mắt cần phải cô lập toàn bộ bãi rác này; đồng thời, thực hiện các giải pháp quản lý, xử lý chặt chẽ để đảm bảo môi trường sống cho người dân trong khu vực và toàn thành phố. Về phương án lâu dài phải thực hiện quy trình xử lý theo hướng bền vững, đảm bảo các tiêu chí về quy mô, công suất cũng như quy trình xử lý khoa học.
 
THỤY TRANG