Mô hình ''Dân vận khéo'' của phụ nữ Đạ Lây

05:09, 23/09/2020

Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa phù hợp đặc trưng của giới, vừa phù hợp với chức năng hoạt động của Hội...

Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa phù hợp đặc trưng của giới, vừa phù hợp với chức năng hoạt động của Hội; thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh đã phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình xây dựng và thực hiện hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo”. Thông qua các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, Hội LHPN xã Đạ Lây đã có nhiều hoạt động, việc làm ý nghĩa, thiết thực, phát huy được vai trò của phụ nữ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Chị em phụ nữ Đạ Lây thực hiện mô hình thu gom rác thải, bảo vệ môi trường trên địa bàn
Chị em phụ nữ Đạ Lây thực hiện mô hình thu gom rác thải, bảo vệ môi trường trên địa bàn
 
Hội LHPN xã Đạ Lây hiện có hơn 1.000 hội viên. Những năm qua, các cán bộ, hội viên phụ nữ nơi đây luôn nhiệt tình, năng nổ trong công tác dân vận. Họ đã tuyên truyền, vận động các gia đình hội viên phụ nữ cũng như Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn tại địa phương. Hội LHPN xã Đạ Lây cũng đã vận động chị em hội viên thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch” và nuôi dạy con tốt, tham gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các cán bộ Hội LHPN xã Đạ Lây thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của chị em hội viên để động viên, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. 
 
Dấu ấn sâu đậm nhất trong công tác dân vận của Hội LHPN xã Đạ Lây là tích cực tuyên truyền, vận động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Không chỉ tuyên truyền, vận động mà Hội LHPN Đạ Lây còn triển khai thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” thiết thực, hiệu quả trên địa bàn. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, Hội LHPN Đạ Lây đã xây dựng được 15 mô hình trên tất cả các lĩnh vực, thu hút 445 hội viên phụ nữ tham gia. Trong đó, có 6 mô hình về phát triển kinh tế; 6 mô hình về lĩnh vực văn hóa xã hội; 3 mô hình về đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. 
 
Chị Nguyễn Thị Lợi - Chủ tịch Hội LHPN xã Đạ Lây cho biết, để triển khai, xây dựng các mô hình, Hội LHPN xã Đạ Lây đã khảo sát thực tế, thảo luận lấy ý kiến trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội, sau đó xây dựng kế hoạch cho mỗi mô hình, chọn chi hội, cá nhân để thực hiện gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã Đạ Lây cũng đã phối hợp với chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể khác tại địa phương vận động, xây dựng thực hiện các mô hình dân vận khéo. Vì vậy, nhiều mô hình đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của chị em hội viên phụ nữ cũng như người dân và đã đi vào hoạt động hiệu quả. Tiêu biểu như, mô hình “Tổ hợp tác chăn nuôi gà sạch” của các gia đình hội viên phụ nữ ở Chi hội thôn Lộc Hòa và Phú Bình xã Đạ Lây. Qua khảo sát, Hội LHPN xã Đạ Lây nhận thấy đa số gia đình hội viên phụ nữ địa phương có chăn nuôi gà thả vườn. Tuy nhiên, việc chăn nuôi gà của chị em còn nhỏ lẻ, thả tự nhiên, chủ yếu tự cung tự cấp là chính, thường bị dịch bệnh, chậm lớn nên năng suất, hiệu quả không cao. Vì vậy, khi tham gia “Tổ hợp tác chăn nuôi gà sạch”, chị em phụ nữ đã cùng nhau chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi gà, hỗ trợ nhau về nguồn giống, hỗ trợ vốn xoay vòng cho các thành viên trong tổ, tìm đầu ra ổn định… Hiện nay, “Tổ hợp tác chăn nuôi gà sạch” của chị em phụ nữ nơi đây có 12 tổ viên tham gia và số tiền vốn huy động được là hơn 300 triệu đồng. Mỗi năm, trung bình “Tổ hợp tác chăn nuôi gà sạch” này bán ra thị trường gần 15 ngàn con gà. Sau khi trừ chi phí, mỗi gia đình tổ viên có thu nhập hơn 97 triệu đồng/năm. Thành lập, đi vào hoạt động hiệu quả, mô hình “Tổ hợp tác chăn nuôi gà sạch” của chị em xã Đạ Lây đã được UBND huyện Đạ Tẻh tặng giấy khen và công nhận là “Mô hình dân vận khéo” năm 2017.
 
Một mô hình tiêu biểu nữa của chị em hội viên phụ nữ Đạ Lây đó là “Tổ hợp tác làm bánh Huế”. Mô hình này hiện nay có hơn 10 hội viên ở thôn Hương Thuận và Phú Bình tham gia. Sau khi đến sinh sống, lập nghiệp trên quê hương mới Đạ Lây, nhiều hộ dân gốc Huế vẫn mang theo nghề truyền thống là sản xuất bánh quê hương để bán ra thị trường. Thế nhưng, do làm ăn manh mún nhỏ lẻ, không tạo được thương hiệu và ít người biết tới. Do đó, tham gia tổ hợp tác, chị em đã có tiếng nói chung và sản xuất với quy trình chặt chẽ, đảm bảo chất lượng sản phẩm và tạo thương hiệu trên thị trường. Từ đó, nghề làm bánh truyền thống của chị em được phát huy và mang lại hiệu quả. Hiện nay, mỗi năm một thành viên tổ hợp tác làm bánh Huế có thu nhập bình quân khoảng 120 triệu đồng. Mô hình này cũng đã được UBND huyện Đạ Tẻh tặng giấy khen và công nhận “Mô hình dân vận khéo” năm 2020.
 
Ngoài ra, còn có mô hình nổi bật khác trong phong trào vận động hỗ trợ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế của phụ nữ Đạ Lây như: Mô hình “Nhóm phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi”; “Vườn rau sạch trong hội viên tiểu thương”; “Xây dựng tổ tiết kiệm hùn vốn nuôi heo đất tiết kiệm giúp phụ nữ thoát nghèo”; “Tuyến đường hoa thôn Vĩnh Phước”; “Chi hội phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế vì sức khỏe phụ nữ”; “Phân loại và xử lý rác bằng chế phẩm sinh học”; “Biến rác thải nhựa thành học bổng Lê Thị Pha”; “Bếp sạch, bếp đẹp”…
 
Đồng chí Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đạ Tẻh cho biết, mô hình “Dân vận khéo” của chị em phụ nữ Đạ Lây là mô hình tiêu biểu tại địa phương cần được xem xét nhân rộng. Hiện nay, mô hình này cũng đã được lựa chọn để đề nghị tặng bằng khen và công nhận mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.
 
DUY DANH