Quốc hội thảo luận về công tác tư pháp, phòng chống tội phạm, tham nhũng

01:10, 26/10/2020

(LĐ online) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 26/10, các ĐBQH nghe các báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020; báo cáo công tác năm 2020 của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; báo cáo công tác năm 2020 của Tòa án Nhân dân tối cao; báo cáo về công tác thi hành án năm 2020.

(LĐ online) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 26/10, các ĐBQH nghe các báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020; báo cáo công tác năm 2020 của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; báo cáo công tác năm 2020 của Tòa án Nhân dân tối cao; báo cáo về công tác thi hành án năm 2020.
 
Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
 
Tham dự tại điểm cầu trực tuyến Lâm Đồng có Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Đoàn Văn Việt; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Nguyễn Tạo, ĐBQH K’Nhiễu - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các ban HĐND tỉnh, đại diện Công an tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, các sở, ngành, đơn vị liên quan.
 
Năm 2020, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới mọi mặt của đời sống xã hội. Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, ô nhiễm môi trường, an ninh mạng tiếp tục là thách thức đối với an ninh toàn cầu. Trong nước, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Các thế lực thù địch, phản động gia tăng các hoạt động chống phá đại hội Đảng các cấp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm hơn. Hoạt động của các loại tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông, cháy nổ còn gây thiệt hại nghiêm trọng.
 
Bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, các nghị quyết của Quốc hội có liên quan công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các chủ trương của Trung ương Đảng, giải pháp của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tích cực phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm an ninh, trật tự, an sinh xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước.
 
Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” với 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành; trong đó, Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh nội dung “Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế”. Tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến toàn diện về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, chủ động, liên tục đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, tập trung vào tội phạm về ma túy, tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm hình sự liên quan đến “tín dụng đen”, mua bán người, di cư bất hợp pháp ra nước ngoài, từ nước ngoài vào Việt Nam, cho vay lãi nặng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường; tập trung thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông nghiêm trọng và ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn. Nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy; bảo đảm an toàn cuộc sống của người dân.
 
Sau các báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2020.
 
Tiếp đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 và báo cáo thẩm tra nội dung này.
 
Sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội thảo luận trực tuyến về nội dung trong các báo cáo nêu trên.
 
Tham gia phát biểu trong phiên buổi sáng, ĐBQH Nguyễn Tạo Đoàn Lâm Đồng bày tỏ sự thống nhất với những đánh giá về kết quả đạt được trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong năm 2020 đã được các báo cáo của Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao trình Quốc hội, cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. 
 
ĐBQH Nguyễn Tạo – Đoàn Lâm Đồng góp ý về công tác tư pháp, phòng chống tội phạm năm 2020
ĐBQH Nguyễn Tạo – Đoàn Lâm Đồng góp ý về công tác tư pháp, phòng chống tội phạm năm 2020
 
ĐBQH Nguyễn Tạo nhấn mạnh: Trong điều kiện triển khai chống đại dịch Covid-19 như chống giặc, nhiều hoạt động phải giãn, hoãn hoặc tạm dừng, nhưng Chính phủ và các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực triển khai các mặt công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm, ấn tượng nhất và được cử tri đánh giá cao là những chuyển biến tích cực trong kiềm chế giảm tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương; nạn tín dụng đen được ngành Công an vào cuộc để xử lý tích cực và hết sức trách nhiệm... 
 
Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri cho thấy người dân đang hết sức lo lắng trước tình trạng gia tăng của một số loại tội phạm nghiêm trọng, hành vi manh động, dã man của đối tượng gây án trong một số vụ án giết người, cướp tài sản gây hoang mang trong dư luận; các đối tượng hoạt động có tính xã hội đen ở một số địa phương trong thời gian tương đối dài và có dấu hiệu tiếp tay, bao che của một số cán bộ có thẩm quyền; cử tri cũng đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng cần xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật khi mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, các hành vi nâng khống giá các thiết bị y tế trục lợi từ chính sách xã hội hóa dịch vụ khám chữa bệnh, hưởng lợi trên sự đau khổ của người bệnh, mà đa số trong số họ là những người đang trong hoàn cảnh rất khó khăn. 
 
Bên cạnh đó, chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử vẫn còn những hạn chế, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng, niềm tin của Nhân dân vào công tác của các ngành chức năng. Đáng lưu ý là những đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội với nhiều số liệu cho thấy chất lượng hoạt động điều tra còn những hạn chế trong thu thập, đánh giá chứng cứ; số trường hợp Viện Kiểm sát Nhân dân yêu cầu điều tra, yêu cầu thay đổi, bổ sung các quyết định tố tụng và được Cơ quan điều tra chấp nhận đều tăng nhiều so với năm 2019; số vụ án được phục hồi điều tra chỉ chiếm khoảng 1/5 số vụ tạm đình chỉ điều tra. Trong công tác kiểm sát, tuy tỷ lệ chỉ chiếm 0,33% nhưng số thực vẫn còn 471 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố quá hạn giải quyết, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm, để xảy ra 60 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát. 
 
Ngoài ra, có hạn chế mà theo tôi đề nghị cần được quan tâm nhiều hơn trong tình hình hiện nay đó là tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về án dân sự (nói chung) và án hành chính ở Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác này. Theo báo cáo thì ngành kiểm sát chỉ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ đạt 40,4%, (giảm 8,9% so với năm 2019); tỷ lệ này ở ngành tòa án chỉ đạt 56,7% (yêu cầu của Quốc hội là 60%). 
 
Hơn nữa, trong vấn đề này còn có những câu chuyện thực tế được ghi nhận trong quá trình tiếp dân, tiếp xúc cử tri, xin không nêu vụ việc cụ thể vì Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần chuyển kiến nghị đến các cơ quan chức năng, đương sự rất bức xúc về việc tòa án 2 cấp sơ, phúc thẩm phân chia tài sản là nhà đất trong vụ án ly hôn nhưng không có lối đi nào cả, người dân, hệ thống chính trị ở cơ sở rất bức xúc với phán quyết của tòa, các tòa án ở địa phương cũng đã nhận thấy cái sai của mình có văn bản kháng nghị nhưng Tòa ánh Nhân dân cấp cao và Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao đều không kháng nghị. Vẫn biết rằng xem xét lại bản án, quyết định của tòa án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là một cấp xét xử, nhưng đây lại là khâu rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đối với niềm tin vào công lý, vào pháp chế xã hội chủ nghĩa của người dân. 
 
“Vì vậy, từ đánh giá về công tác giám đốc thẩm và tái thẩm đối với án dân sự và hành chính của 2 ngành và từ thực tiễn của địa phương, kính đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao quan tâm chỉ đạo, có giải pháp hiệu quả tăng cường công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Trước những chuyển hết sức tích cực và rất khả quan của công tác xét xử của Tòa án trong năm 2020, tôi hy vọng 2 ngành sẽ làm tốt công tác này trong thời gian tới” – ĐBQH Nguyễn Tạo kiến nghị.
 
NGUYỆT THU