Thăng Long – Hà Nội biểu tượng rạng rỡ đất nước Việt Nam

08:10, 10/10/2020

(LĐ online) - Cách đây 1010 năm, vào mùa thu năm Canh Tuất 1010, Đức vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) ban Chiếu dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La đặt tên là Thăng Long...

(LĐ online) - Cách đây 1010 năm, vào mùa thu năm Canh Tuất 1010, Đức vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) ban Chiếu dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La đặt tên là Thăng Long. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa sông núi, khí phách của dân tộc và được hun đúc nên nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tốt đẹp; là niềm tự hào, niềm tin và hy vọng đối với người dân Việt Nam, được bạn bè quốc tế ghi nhận, ngợi ca.
 
Nguồn: nhandan.vn
Nguồn: nhandan.vn
 
Kể từ ngày Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn chọn “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước” làm nơi định đô, Thăng Long - Hà Nội đã trải bao phen binh lửa và làm nên những kỳ tích oai hùng. Thăng Long trong quá khứ đã tạc ghi vào lịch sử với những chiến công hiển hách như Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Ngọc Hồi, Đống Đa... 
 
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp tấn công Hà Nội. Kinh lược xứ Nguyễn Tri Phương và người kế nhiệm là Tổng đốc Hoàng Diệu đã cùng Nhân dân Hà Nội anh dũng chống trả các cuộc tấn công của quân Pháp, ghi nên chiến tích thà hy sinh tất cả, quyết không cho địch vào thành. 
 
Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hà Nội là một trong những nơi làm cuộc tổng khởi nghĩa long trời lở đất 19/8/1945 dành chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 02/9 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp. Ngày 09/11/1946, Quốc hội khóa I đã biểu quyết thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; trong đó, quy định Hà Nội là Thủ đô. 
 
Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Thủ đô Hà Nội đã chứng kiến cuộc chiến đấu 60 ngày đêm ở Liên khu I với lời thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" và cùng Nhân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Tháng 10/1954, Hà Nội rực rỡ cờ hoa đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. 
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuối tháng 12/1972, Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội, quân và dân Thủ đô đã bình tĩnh, tự tin, thông minh, sáng tạo đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, góp phần đánh sập uy thế không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari, rút quân đội viễn chinh về nước. 
 
Sau ngày đất nước thống nhất, Hà Nội cùng cả nước bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển. Hào khí Thăng Long đã trở thành động lực cho tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, không lùi bước trước khó khăn, thách thức. 
 
Những năm đầu thế kỷ XXI, Hà Nội đổi thay từng ngày. Để xây dựng Thủ đô thành một đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng với tầm vóc của một Quốc gia khoảng trên một trăm triệu dân, Quốc hội đã có Nghị quyết số 15-2008/QH12 về mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 260/CT-TTg, ngày 4/3/2008 về việc tổ chức thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội. Theo đó, Hà Nội mở rộng có diện tích 3.340 km2 với gần 6,5 triệu dân, 29 đơn vị huyện, quận; 577 xã, phường, thị trấn. 
 
Từ sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính đến nay, kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm; vai trò, vị trí kinh tế Thủ đô đóng góp ngày càng lớn so với cả nước; công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, nông thôn tiến bộ rõ rệt, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các công trình giao thông trọng điểm được đầu tư xây dựng; các lĩnh vực văn hoá - xã hội phát triển; các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của văn hoá Tràng An, xứ Đoài ngày càng được phát huy; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” đã có những chuyển biến tích cực; giáo dục và đào tạo được chú trọng đầu tư, chất lượng được giữ vững; lĩnh vực y tế không ngừng được củng cố, hoàn thiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ; chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm, mục tiêu giảm nghèo được triển khai tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác cải cách hành chính, phòng chống tham những, lãng phí được đẩy mạnh… 
 
Thành phố Hà Nội đã tích cực, chủ động mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác với Thủ đô các nước và các tổ chức quốc tế; vị thế và vai trò của Thủ đô với các địa phương cả nước, với các nước khu vực và trên thế giới được nâng lên… Qua hơn 35 năm đổi mới, Thủ đô cùng cả nước đã đạt những thành tựu to lớn làm tiền đề cho đất nước cất cánh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hà Nội hôm nay đang bừng sáng lên với một tư thế mới, diện mạo mới, sức sống mới.
 
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội tuy có thời kỳ không là kinh đô (triều đại Hồ Quý Ly và từ triều đại Tây Sơn đến trước Cách mạng tháng Tám) nhưng luôn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước, là nơi kết tinh tinh hoa của dân tộc, hội tụ nhân tài của đất nước. 
 
Hơn một ngàn năm lịch sử, đất và người Thăng Long – Hà Nội đã toát lên hào khí rạng rỡ ngất trời; truyền thống nhân nghĩa, khát vọng hòa bình; truyền thống tài hoa - trí tuệ, đã và đang được các thế hệ con cháu thời đại Hồ Chí Minh tiếp nối và phát huy. Hào khí Thăng Long – Hà Nội là hồn khí Việt Nam được kết tinh từ lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên cường, mưu trí, sáng tạo và khát vọng hòa bình cháy bỏng trong cả nghìn năm qua. 
 
Nguồn: baotintuc.vn
Nguồn: baotintuc.vn
 
Lịch sử đã ghi nhận lòng khoan dung, nhân ái của Nhân dân Thăng Long – Hà Nội ngay cả khi kẻ thù buộc chúng ta phải cầm gươm, cầm súng tự vệ, Nhân dân ta vẫn tìm cách “vừa đánh, vừa đàm” cho kẻ thù con đường thoát khỏi cuộc chiến tranh hao người tốn của và rút lui trong danh dự. 
 
Thăng Long - Hà Nội còn là đất nghìn năm văn hiến, là trung tâm tiêu biểu cho nhiều kỷ nguyên văn minh của dân tộc ta: Kỷ nguyên văn minh sông Hồng, kỷ nguyên văn minh Đại Việt, kỷ nguyên văn minh Việt Nam và là thành phố của di sản. 
 
Thăng Long – Hà Nội là nơi hội tụ hiền tài, hội tụ tinh hoa văn hóa – nghệ thuật, hội tụ tri thức. Trí tuệ của cả dân tộc hun đúc cho Thăng Long – Hà Nội và cũng từ đây trí tuệ Thăng Long – Hà Nội tỏa chiếu ra mọi miền của đất nước nâng cao tầm trí tuệ Việt Nam. Khí phách, trí tuệ, tâm hồn và đặc biệt là một nền văn hiến được định danh Thăng Long - Hà Nội được hun đúc hơn một nghìn năm đã trở thành nguồn lực, động lực cho Hà Nội vững bước trong thời đại tri thức và sáng tạo, để Kinh đô Thăng Long - Thủ đô Hà Nội mãi mãi là biểu tượng rạng rỡ của đất nước Việt Nam.
 
Với tấm lòng yêu nước sắt son, bất khuất, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, hơn một nghìn năm qua, người Thăng Long - Hà Nội đã thể hiện sinh động hào khí Thăng Long trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và tạo nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại mới. Hà Nội là “Thủ đô anh hùng” của dân tộc Việt Nam anh hùng, “Thủ đô của phẩm giá con người”, “Thủ đô vì hòa bình”; Hà Nội nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, tỏa chiếu văn hiến Thăng Long đi khắp mọi miền của Tổ quốc, trở thành niềm tự hào chung của đất nước Việt Nam, tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người dân Thủ đô nói riêng và người dân Việt Nam nói chung sống, chiến đấu, lao động và học tập vì hạnh phúc, tương lai to lớn của dân tộc. 
 
Riêng đối với Lâm Đồng, Hà Nội có mối quan hệ hết sức đặc biệt, trong các năm 1977-1984, Hà Nội đã đưa 12.861 hộ với 21.587 nhân khẩu vào khai hoang 4.611 ha đất để xây dựng vùng kinh tế mới tại Lâm Đồng, biến vùng đất hoang vu trở thành một vùng chuyên canh cà phê, chè, dâu tằm trù phú. Sau 10 năm xây dựng, đến tháng 10/1987, vùng kinh tế mới Hà Nội được sáp nhập với 5 xã thuộc huyện Đức Trọng để thành lập huyện Lâm Hà, biểu tượng của sự gắn bó giữa Thủ đô Hà Nội với tỉnh Lâm Đồng. Qua hơn 35 năm xây dựng, phát triển, huyện Lâm Hà luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của Thủ đô Hà Nội để xây dựng nên một vùng đất trù phú, giàu tình người.
 
Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp: Văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị của Thủ đô Hà Nội, của đất nước Việt Nam. Đó là di sản vô giá của tổ tiên cùng các thế hệ cha ông ta để lại, mà thế hệ hôm nay phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy và truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau. 
 
Để xứng đáng với tổ tiên, với lịch sử hào hùng của dân tộc, mỗi chúng ta bằng cả trí tuệ, tình yêu, niềm tự hào hãy cùng thắp lên hào khí Thăng Long – Hà Nội, quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng là trái tim của cả nước, Thủ đô văn hiến, anh hùng, vì hoà bình.
 
VĂN NHÂN