90 năm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

06:11, 17/11/2020

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020)...

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020), phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn ông Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về những kết quả đạt được đã góp phần củng cố, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển bền vững.
 
Ủy viên BTV Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Ngọc Hiệp
Ủy viên BTV Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Ngọc Hiệp
PV: Thưa Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc được coi là dấu mốc lịch sử quan trọng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã dày công vun đắp, xây dựng nên khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc. Vậy ông có thể khái quát đôi nét về ý nghĩa lịch sử vẻ vang này?
 
Ông VÕ NGỌC HIỆP: Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang 90 năm qua của MTTQ Việt Nam, MTTQ các cấp tỉnh Lâm Đồng đã phát huy tốt vai trò, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
 
Trong những năm qua, MTTQ Việt Nam tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Luật MTTQ Việt Nam, thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, gắn với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết tỉnh nhà ngày càng vững chắc. 
 
- Giai đoạn 1930-1945: Cùng với phong trào cách mạng cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức tiền thân của Mặt trận ở tỉnh Lâm Đồng từng bước được thành lập, nhanh chóng đứng ra tổ chức vận động, tập hợp lực lượng, đoàn kết Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tham gia đấu tranh giành chính quyền về tay Nhân dân năm 1945.
 
- Giai đoạn 1945-1954 và 1954-1975: Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình ở Lâm Đồng… tiếp tục củng cố, thành lập, tổ chức nhiều hoạt động kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hăng hái tham gia các nhiệm vụ của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra, bền bỉ, anh dũng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tiêu biểu như: Vận động Nhân dân tham gia “Diệt giặc đói, giặc dốt”, ủng hộ “Tuần lễ vàng”, tham gia Vệ quốc đoàn, tham gia Tổng tuyển cử, xây dựng các vùng căn cứ địa cách mạng, nuôi giấu, tiếp tế lương thực cho cán bộ, bộ đội… cùng với phong trào chung của cách mạng Việt Nam làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. 
 
- Giai đoạn 1975-2020: MTTQ Việt Nam tỉnh từng bước được củng cố, thành lập và phát triển hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức tập hợp, đoàn kết các giai cấp, thành phần, lực lượng trong xã hội; tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết thi đua phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động Fulro, “Tin lành Đề Ga”, “Nhà nước Đề Ga tự trị”… Từ Đại hội I diễn ra vào tháng 2/1984, đến nay đã trải qua 8 kỳ Đại hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức và hoạt động, thực hiện tốt vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền tỉnh xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng quê hương Lâm Đồng ngày càng phát triển. 
 
Hiện nay, MTTQ Việt Nam tỉnh có 39 tổ chức thành viên, 6.085 Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 1.376 Ban công tác Mặt trận với 12.529 thành viên và hàng chục ngàn người tiêu biểu có uy tín, cộng tác viên tham gia công tác Mặt trận…; luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tập trung đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó. Kết quả nổi bật đó là: Tổ chức vận động, tập hợp đoàn kết các giai cấp, tầng lớp, thành phần trong xã hội, đoàn kết trong ngôi nhà chung MTTQ Việt Nam. Vận động, thu hút đông đảo các nhân sỹ, chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu trí thức và các cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng tham gia công tác Mặt trận. Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Hội nghị, gặp mặt, tiếp xúc thăm hỏi, phát động ký kết thi đua, kêu gọi, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng… phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo đồng hành chung tay, góp sức xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc của tỉnh, cùng với Đảng, chính quyền xây dựng tỉnh nhà ổn định và phát triển nhanh, bền vững.
 
Chủ trì hiệp thương, phối hợp tổ chức sâu rộng, thiết thực và hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (1995 - 2015), Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (2015 - 2020); Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”; Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào Đền ơn, đáp nghĩa, đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, hoạn nạn… 
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Ngọc Hiệp tặng bức ảnh “Bác Hồ - Bác Tôn” cho cán bộ và Nhân dân thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Ngọc Hiệp tặng bức ảnh “Bác Hồ - Bác Tôn” cho cán bộ và Nhân dân thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương
 
Qua đó đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đoàn kết, tích cực tham gia hiến kế, góp công, góp sức, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân. Hàng năm, kịp thời ghi nhận, tôn vinh, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng hàng ngàn mô mình, điển hình tiên tiến trong Nhân dân, tạo sự lan tỏa và phát triển bền vững hơn các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc phát động. 
 
Tiêu biểu như từ năm 2000-2020, vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp hơn 170 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 16 ngàn căn nhà cho các hộ nghèo và trợ giúp hộ nghèo phát triển sản xuất nâng cao đời sống. Quyên góp hơn 22 tỷ đồng Quỹ cứu trợ, giúp đồng bào trong và ngoài tỉnh khắc phục hậu quả thiên tai.
 
Bên cạnh đó, UBMTTQ tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Tổ chức 934 cuộc giám sát; phản biện, góp ý 632 dự thảo văn bản của các cơ quan Đảng, chính quyền. Hàng năm, thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan chính quyền, tổ chức tiếp xúc cử tri, nắm tình hình dư luận xã hội, tư tưởng, nguyện vọng của Nhân dân, kịp thời tổng hợp phản ánh, đề xuất cấp ủy, chính quyền giải quyết những nguyện vọng, nhu cầu hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. 
 
Phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên, các tổ chức hữu nghị tổ chức tuyên truyền, vận động kiều bào và thân nhân kiều bào Lâm Đồng ở nước ngoài phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, hướng về quê hương, tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hợp tác nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.
 
Với những kết quả đạt được, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất; Thủ tướng Chính phủ tặng 3 cờ thi đua và nhiều bằng khen, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng 16 cờ thi đua; Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng tặng 7 cờ thi đua và nhiều bằng khen của các bộ, ngành Trung ương và Ủy ban Nhân dân tỉnh… 
 
PV: Kế thừa và phát huy truyền thống 90 năm qua, MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã đạt nhiều kết quả nổi bật được Đảng bộ, chính quyền và đông đảo các tầng lớp nhân dân ghi nhận. Trong thời gian tới với nhiều nhiệm vụ và yêu cầu mới được đặt ra đòi hỏi có sự lãnh đạo toàn diện, sâu sắc, vậy ông có thể cho biết UBMTTQ các cấp cần tập trung vào những nhiệm vụ nào?
 
Ông VÕ NGỌC HIỆP: Kế thừa và phát huy những thành quả đó, thời gian tới, trước yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao, đòi hỏi MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phải tiếp tục nỗ lực, đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xác định tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
1. Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội: Tiếp tục đa dạng các hình thức vận động, tập hợp các giai cấp, tầng lớp, thành phần trong xã hội, đoàn kết trong ngôi nhà chung MTTQ Việt Nam, vững tin vào công cuộc đổi mới của đất nước và địa phương Lâm Đồng, không ngừng vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách để xây dựng quê hương Lâm Đồng ngày càng phát triển.
 
2. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước: Trọng tâm là đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của Nhân dân; tạo môi trường để người dân trực tiếp tham gia bàn bạc, quyết định thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động; đồng thời bày tỏ ý kiến, hiến kế, góp ý đề xuất với cấp ủy, chính quyền định hướng, giải quyết và tham gia giám sát việc thực hiện, giám sát cán bộ, đảng viên. Vận động Nhân dân tích cực thi đua lao động, sản xuất, góp công, góp sức xây dựng các mô hình, công trình, phần việc ở từng địa phương, cơ sở, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt an sinh xã hội ở địa phương… 
 
3. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân: MTTQ phối hợp với các tổ chức thành viên chủ động gần dân, lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, để kịp thời phản ánh, kiến nghị với các cơ quan Đảng, chính quyền giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. 
 
4. Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước: Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức thành viên, người tiêu biểu trong các tôn giáo, dân tộc, chuyên gia trên các lĩnh vực và các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý vào các dự thảo nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vận động cử tri, Nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền, trách nhiệm trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc thực thi công vụ và đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên… kịp thời phản ánh ý kiến, sáng kiến của Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh. 
 
5. Thực hiện giám sát và phản biện xã hội: Hàng năm lựa chọn nội dung giám sát phù hợp, những vấn đề mà dư luận và Nhân dân quan tâm để xây dựng kế hoạch, tổ chức giám sát theo quy định, kết hợp giám sát liên thông và giám sát gắn với phát động phong trào trong quần chúng nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, nâng cao tính xã hội và chất lượng, hiệu quả giám sát. Chú trọng hướng dẫn nâng cao năng lực giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Sau giám sát, kịp thời kiến nghị và theo dõi kết quả thực hiện. 
 
6. Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước: Chủ động phối hợp nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri với đại biểu dân cử, thường xuyên tiếp xúc, gặp mặt, nắm tình hình dư luận xã hội, tư tưởng, nguyện vọng của Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, kịp thời tổng hợp phản ánh, đề xuất cấp ủy, chính quyền giải quyết những nguyện vọng, nhu cầu hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. 
 
7. Thực hiện hoạt động đối ngoại Nhân dân: Phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền, vận động kiều bào và thân nhân kiều bào phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, kêu gọi kiều bào Lâm Đồng ở nước ngoài hướng về quê hương, tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hợp tác nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.
 
PV: Xin cảm ơn Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Lâm Đồng.
 
NGUYỆT THU (thực hiện)