''Chìa khóa'' để Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững

06:12, 31/12/2020

"Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI"...

“Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI”, là chủ đề năm 2021 về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh được xác định tại Nghị quyết số 02, ngày 7/12/2020 của Tỉnh ủy Lâm Đồng. Đây được xem là nghị quyết quan trọng trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, góp phần thúc đẩy Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trong năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025.
 
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu
 
Thực hiện tốt “mục tiêu kép”
 
Năm 2020 tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu; nhất là đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Song, với phương châm “Chỉ đạo quyết liệt, hành động mạnh mẽ hoàn thành toàn diện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X”; Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm cao, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2020.
 
Để thực hiện tốt “mục tiêu kép”, Lâm Đồng đã triển khai một cách kịp thời, nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và cơ bản đạt “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc chỉ đạo chống dịch hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp, đặc biệt là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Nhờ vậy đã tạo ra luồng sinh khí mới, tăng cường đoàn kết trong Đảng, đồng thuận xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
 
Theo đó, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng dương, đạt 3,15%; nông nghiệp khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng đạt 4,24%; công nghiệp - xây dựng tăng 1,7% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; GRDP đầu người năm 2020 đạt 71,2 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước ước đạt 94,8% dự toán địa phương; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 13,63% so với cùng kỳ, lũy kế đạt 10.182 doanh nghiệp. Lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục tiếp tục duy trì, phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân; an sinh xã hội đảm bảo; đồng thời, tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đạt kết quả ấn tượng…
 
Bên cạnh đó, quốc phòng, an ninh - trật tự, an toàn xã hội đảm bảo. Việc đấu tranh, ngăn chặn âm mưu chống phá của các thế lực thù địch luôn được các cấp, các ngành, địa phương tăng cường thực hiệu có hiệu quả; đồng thời, thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn đại hội Đảng các cấp và các sự kiện chính trị diễn ra trong năm 2020. Công tác xây dựng hệ thống chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến tích cực; cải cách hành chính có nhiều tiến bộ, từng bước đi vào nền nếp; công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo kịp thời, quyết liệt và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước…
 
“Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm 2020, công tác lãnh đạo, thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu còn bộc lộ một số hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là: Tốc độ tăng trưởng GRDP không đạt kế hoạch đề ra. Lĩnh vực dịch vụ, du lịch, công nghiệp đạt thấp. Cơ cấu một số ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển biến chậm, hiệu quả chưa cao. Việc thu hút đầu tư thiếu tính đột phá. Một số công trình trọng điểm còn chậm so với tiến độ đề ra. Tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp tuy giảm nhưng còn diễn biến phức tạp. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và trật tự đô thị còn bất cập, việc xử lý rác thải còn nhiều hạn chế. Đời sống của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…”, Tỉnh ủy Lâm Đồng nhận định.
 
Cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp
 
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, Tỉnh ủy đã xác định cần “Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI”. Và, theo mục tiêu tổng quát của năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Lâm Đồng sẽ tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo tiền đề phát triển bền vững cho các năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh thực hiện các dự án, công trình trọng điểm. Đồng thời, đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị - nông thôn. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tinh giản biên chế; đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội...
 
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu tổng quát trên, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã đề ra một số giải pháp, nhóm giải pháp cụ thể. Trước hết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2026). 
 
Tiếp đến, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và hạn chế ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Chủ động tăng cường phối hợp trong phòng, chống ngăn chặn dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân.
 
Kiên trì mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nền kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững. Cụ thể hóa, triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt và điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận. Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa ngành, bền vững, hiện đại; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thông minh. Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, sớm đạt mục tiêu “về đích” nông thôn mới. Thí điểm xây dựng mô hình “Làng đô thị xanh” tại các khu dân cư có điều kiện thuận lợi…
 
Tiếp tục tái cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo từ các nguyên liệu, sản phẩm có lợi thế địa phương, công nghiệp hỗ trợ, dược phẩm theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Chú trọng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, trợ giúp phát triển mạnh doanh nghiệp vừa và nhỏ; phấn đấu tăng thêm 1.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021.
 
Một trong những giải pháp quan trọng trong lĩnh vực kinh tế nữa, đó là đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên đầu tư các dự án, công trình cấp bách, bức xúc. Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế động lực trên cơ sở mở rộng không gian du lịch, phát triển theo hướng chuyên nghiệp và bền vững... 
 
Cùng đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh chú trọng phát triển văn hóa, xã hội; tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh và hoạt động đối ngoại; xây dựng chính quyền, cải cách hành chính.
 
Có thể nói, Nghị quyết 02 về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2021 được xem là “chìa khóa” cho các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp, địa phương trong tỉnh căn cứ để tổ chức thực hiện có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
 
MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2021
 
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - theo giá so sánh 2010) tăng từ 7-8% so với năm 2020. GRDP đầu người khoảng 77,1-77,8 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội từ 7-8%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9.300 tỷ đồng, tăng 5,56%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 815 triệu USD, tăng 15,03%. Tổng lượng khách du lịch qua đăng ký lưu trú 4.015 ngàn lượt người, tăng 10% so với năm 2020. Tỷ lệ BHYT toàn dân 91%. Tỷ lệ độ che phủ của rừng đạt 55%.
 
Phấn đấu có thêm 3 xã đạt 19/19 tiêu chí về nông thôn mới; 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đặc biệt, có thêm 2 huyện, gồm: Đạ Huoai và Bảo Lâm đạt chuẩn nông thôn mới…
 
HỒNG HẢI