Nguyễn Ái Quốc và hành trình đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản

04:12, 23/12/2020

Từ ngày 25 đến 30 tháng 12 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tua (Tours) với tư cách là đại biểu Đông Dương...

Từ ngày 25 đến 30 tháng 12 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tua (Tours) với tư cách là đại biểu Đông Dương. 22 giờ ngày 29 tháng 12 năm 1920, Đại hội Tua tiến hành bỏ phiếu quyết định việc Đảng ở lại Quốc tế II hay gia nhập Quốc tế III. Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản). Trả lời nữ đồng chí Rôdơ (Rose), người ghi biên bản tốc ký đại hội, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Tôi hiểu rõ một điều, Quốc tế III rất chú ý đến giải quyết vấn đề giải phóng thuộc địa… Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, là tất cả những điều tôi hiểu”. 
 
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua, tháng 12/1920
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua, tháng 12/1920
 
1. Trước nguy cơ mất nước và chịu cảnh đô hộ, triều đình nhà Nguyễn đã thực hiện chính sách cắt đất cầu hòa và dâng nước ta cho thực dân Pháp. Chế độ phong kiến mà đại diện là triều đình nhà Nguyễn đã lộ rõ bản chất phản động. Một số vua quan của triều đình nhà Nguyễn mà tiêu biểu là Đồng Khánh (vua), Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải… (quan) đã đầu hàng, cấu kết với thực dân xâm lược để cai trị, bóc lột Nhân dân ta. Tiền đồ dân tộc đen tối như không có đường ra. Trên khắp đất nước, các phong trào yêu nước nổ ra và cuối cùng đều bị dìm trong biển máu. Các sĩ phu đương thời - dù giàu lòng yêu nước và sẵn sàng hi sinh - nhưng lại không thể nắm bắt được xu thế, dòng chảy của lịch sử nên hầu hết con đường vạch ra đều đi vào ngõ cụt. Cho đến cuối thế kỉ XIX, gần như các phong trào yêu nước Việt Nam đều thất bại. Một số lãnh tụ của các phong trào chuyển hướng theo các con đường yêu nước mới cho phù hợp hơn như Đông Du, Duy Tân v.v… Thế nhưng, tất cả các phong trào dù theo đường lối bạo lực hay ôn hòa thì cuối cùng vẫn bị thực dân Pháp đàn áp. Lòng yêu nước, sĩ khí của các bậc sĩ phu và Nhân dân Việt Nam đã bị đại bác, tàu đồng của giặc đè bẹp. Đánh giá về giai đoạn lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đại bác của bọn đế quốc không thể át tiếng nói yêu nước của Nhân dân Việt Nam… Phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không ngừng phát triển, kẻ trước ngã, người sau đứng dậy. Nhưng tất cả những cuộc khởi nghĩa yêu nước ấy đã bị dìm trong máu. Những đám mây đen lại bao phủ đất nước Việt Nam (1)”.
 
2. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, có một người thanh niên Việt Nam yêu nước đã lên tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville với mong muốn học hỏi những tinh hoa và tiến bộ từ các nước để về giúp đỡ đồng bào mình. Người từng nói: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta (2)”. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu hành trình trên con đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Trước khi Nguyễn Tất Thành ra đi, đã có rất nhiều người Việt Nam trăn trở ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc. Tiêu biểu trong số ấy có 2 trí thức nổi tiếng là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Cả hai cụ Phan đều là những nhà yêu nước nhiệt thành nhưng hai cụ đã đi hai con đường khác nhau. Một điều đặc biệt, cả cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đều mong muốn Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường của các cụ. Thế nhưng Nguyễn Ái Quốc đã chọn cho mình một con đường đi riêng, mặc dù vẫn rất kính trọng hai cụ. Vào năm 1923, khi gặp nhà thơ Nga nổi tiếng O. Mandenstan; Hồ Chí Minh cho biết: “Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Tự do-Bình đẳng-Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy (3)”. Có lần, khi trả lời một nhà văn người Mỹ, Người cho biết: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi (4)”. Một lí do khác có thể thấy là tất cả các phong trào của các bậc cha, anh đi sang Trung Quốc, Nhật Bản đều bị thất bại. Việc Hồ Chí Minh chọn đúng hướng đi trong hành trình tìm đường cứu nước của mình như là định mệnh, là hồng phúc của dân tộc Việt Nam. Từ con đường này, mang trong mình dòng máu yêu nước của dân tộc, của cha ông, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở đây con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Giải thích về sự lựa chọn của mình, Người cho rằng cụ Phan Chu Trinh yêu cầu thực dân Pháp thực hiện cải lương, việc này “chẳng khác nào xin giặc rủ lòng thương”. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp ta đuổi Pháp cũng chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa Thám thực tế hơn, đã trực tiếp đấu tranh chống Pháp, nhưng còn nặng cốt cách phong kiến (5)…”.
 
3. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) đã thức tỉnh các dân tộc thuộc địa trên thế giới, thức tỉnh những người nô lệ trên khắp năm châu. Từ cổ vũ và thôi thúc của Cách mạng Tháng Mười Nga, Quốc tế Cộng sản - Quốc tế III do Lênin sáng lập ra đời. Một trong những sự kiện quyết định đến sự lựa chọn dứt khoát con đường của cách mạng Việt Nam đó là khi Nguyễn Ái Quốc được tiếp xúc với “Luận cương về các vấn đề thuộc địa và dân tộc” của Lênin. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã dứt khoát tán thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lênin. Luận cương của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba (6)”. Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Hồ Chí Minh cho biết thêm rằng: Trước khi đến với chủ nghĩa Lê-nin, “tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên”, tham gia Đảng Xã hội Pháp vì họ ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, còn “Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì thì tôi không hiểu”. Nhưng “từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lí luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ (7)”. 
 
Tin theo Lênin, đi theo con đường của Lênin vĩ đại, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp diễn ra cuối năm 1920 ở thành phố Tua (Pháp), Nguyễn Ái Quốc khi ấy tham dự với tư cách là đại biểu chính thức và được mời phát biểu. Tại diễn đàn quan trọng này, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo những sự thật tàn bạo mà thực dân Pháp đã thi hành ở Đông Dương. Người kêu gọi Đảng Xã hội Pháp hãy hành động để ủng hộ các dân tộc bị áp bức, trong đó có nhân dân Đông Dương: “Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức”, rằng “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa… đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa…(…) Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi! (8)”. 
 
Ngày 30 tháng 12 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc cùng những người chủ trương gia nhập Quốc tế III tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản. Kể từ phút ấy, Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản. Là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp đồng thời Nguyễn Ái Quốc cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Đây là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử Việt Nam.
 
HỒNG PHÚC
 
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.9, tr.313 - 314.
(2) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr.11.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, HN.2000, tập 1, tr.477.
(4) Báo Nhân dân, số 4062, ra ngày 18/5/1965.
(5) Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Trẻ, 2004, tr.10 - 11.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.10, tr.127.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.10, tr.128.
(8) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN.2000, tập 1, tr.23 - 24.