Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đổi mới hoạt động giám sát, đáp ứng yêu cầu của cử tri và Nhân dân

04:01, 03/01/2021

Thực tế cho thấy, hoạt động giám sát của Quốc hội luôn đổi mới, thúc đẩy chuyển động mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Đóng góp vào kết quả chung đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức triển khai thực hiện hoạt động giám sát, khảo sát trên địa bàn tỉnh với nhiều đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của cử tri và Nhân dân.

Thực tế cho thấy, hoạt động giám sát của Quốc hội luôn đổi mới, thúc đẩy chuyển động mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Đóng góp vào kết quả chung đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức triển khai thực hiện hoạt động giám sát, khảo sát trên địa bàn tỉnh với nhiều đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của cử tri và Nhân dân.
 
Tính riêng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH đã trực tiếp tiến hành 13 cuộc giám sát chuyên đề, phối hợp tham gia hơn 20 cuộc giám sát, khảo sát khác. Có thể kể đến một số cuộc giám sát chuyên đề quan trọng như việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018; việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên; tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015 - 2020; các chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực: an toàn thực phẩm; đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống xâm hại trẻ em; xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt, y tế và sản xuất nông nghiệp...
 
Xuất phát từ tình hình thực tiễn, Đoàn ĐBQH đã tổ chức các đoàn khảo sát để giải quyết những vấn đề mà cử tri yêu cầu như tình hình thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa đối với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó có Di tích cấp Quốc gia Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và Ga Đà Lạt; công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà; khảo sát về việc xử lý chất thải công nghiệp của Tổ hợp bauxit-nhôm Lâm Đồng; đề nghị đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; sửa chữa, nâng cấp các đoạn tuyến Quốc lộ 27, 27C, 28, 28B, 55... trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã có những đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giám sát, khảo sát như phối hợp với Đoàn ĐBQH các tỉnh Đắk Nông và Bình Thuận tổ chức khảo sát tuyến Quốc lộ 28 và 28B (kiến nghị của 3 Đoàn ĐBQH đã được Bộ GTVT xem xét, trả lời kịp thời và Chính phủ dự kiến trình Quốc hội đưa vào các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025); phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh khảo sát xử lý chất thải rắn trong sản xuất nông nghiệp, y tế và sinh hoạt; khảo sát thực tế mô hình, cơ chế xử lý chất thải rắn tại đô thị góp phần vào việc bảo vệ môi trường bền vững…
 
Qua giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã có các cuộc làm việc chuyên đề với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết kiến nghị của cử tri Lâm Đồng về phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ và đầu tư hệ thống thủy lợi, các hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu và ứng phó với biến đổi khí hậu (các hồ chứa nước Đông Thanh, Ta Hoét, Ka Zam). Các kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong sản xuất dâu tằm tơ của bà con nông dân, doanh nghiệp trồng dâu nuôi tằm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ thông qua việc tổ chức Hội nghị phát triển chăn nuôi tằm bền vững (tháng 3/2020 tại Đà Lạt). Về các hồ chứa nước, Bộ đã xử lý, giải quyết kịp thời báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xử lý nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho 2 hồ chứa nước Đông Thanh và Ta Hoét; bên cạnh đó, Bộ cũng đã xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam về nhập khẩu giống tằm. Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tích cực và nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng xem xét kiến nghị của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do tại Tiểu khu 179, huyện Đam Rông. Đến nay, các kiến nghị này đã được địa phương cùng các bộ, ngành liên quan xem xét, lập dự án ổn định dân di cư tự do; đối với những vướng mắc trong việc đăng ký cư trú của các hộ dân di cư tự do cũng đã từng bước được tháo gỡ khi Quốc hội xem xét, thông qua Luật Cư trú (sửa đổi).
 
Trong các phiên chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội, một trong những hoạt động luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của các tầng lớp nhân dân, ĐBQH của Đoàn tích cực tham gia, có những câu hỏi chất vấn đi vào chiều sâu, phân tích, đánh giá, làm rõ nhiều vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội, những vấn đề cử tri quan tâm, góp phần cùng Quốc hội đưa hoạt động chất vấn trở nên sinh động, phong phú và đạt hiệu quả thiết thực, tạo nên sự đồng thuận, tin tưởng của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành trong bộ máy Nhà nước, và hoạt động của Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân.
 
Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và yêu cầu của cử tri, lựa chọn vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, khảo sát có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức triển khai đúng quy định của pháp luật nên chất lượng, hiệu quả các hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH ngày càng được nâng lên.
 
NGÔ KIỂM 
PHÓ CHÁNH VP ĐOÀN ĐBQH, HĐND VÀ UBND TỈNH LÂM ĐỒNG