Bác Hồ - Người là tình yêu thiết tha

05:05, 14/05/2021

Cứ mỗi độ tháng năm về, chúng ta lại bồi hồi nhớ đến công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất với lòng khâm phục và kính yêu vô hạn. 

Cứ mỗi độ tháng năm về, chúng ta lại bồi hồi nhớ đến công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất với lòng khâm phục và kính yêu vô hạn. 
 
Bác Hồ thăm hỏi các cụ già khi về thăm Pác Bó (Xuân Tân Sửu 1961). Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ thăm hỏi các cụ già khi về thăm Pác Bó (Xuân Tân Sửu 1961). Ảnh: Tư liệu
 
Cả cuộc đời vì dân, vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản vô cùng quý báu là tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người. Đó chính là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại, là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo, ở Bác luôn toán lên một trí tuệ uyên bác, một tâm hồn thanh cao, một phong cách giản dị, đặc biệt là một tình yêu thương vô bờ với con người.
 
Tình yêu có nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng ở Bác, tình yêu thương con người là sự cộng hưởng, thăng hoa của cả trái tim và khối óc, cả trí tuệ và tâm hồn của một vĩ nhân, đạt đến sự tinh tế, hoàn hảo khó có gì so sánh được. Để mỗi khi nghĩ về Bác, đọc về Bác, nghe về Bác, chúng ta không chỉ thấy mình nhỏ bé trước một nhân cách vĩ đại mà còn thấy Bác gần gũi, hiền hòa và cảm nhận được sự ấm áp của tình thương yêu Bác dành cho mỗi chúng ta, như nhà thơ Tố Hữu thể hiện bằng những câu thơ đầy cảm xúc:
 
“Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người”.
 
Tình cảm cao thượng đó của Người tỏa ra một cách tự nhiên, với mọi đối tượng, nhất là đối với nhân dân lao động, nên mọi người có thể cảm nhận được và dễ dàng tin theo; cũng như sự gần gũi, giản dị, thấu hiểu nhân tình, thế thái của Bác đã làm cho mỗi người thấy Bác như mình, thân thiết với mình và có thể tự tìm thấy phần nào hình ảnh bản thân trong con người Bác, đúng như Chế Lan Viên đã viết: 
 
“Ôi giữa lòng ta, Bác đến tự hồi nào
Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc”.
 
Đó gọi là “sức hút” kỳ lạ, khiến “ta bên người, người tỏa sáng trong ta”…
 
Năm 1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
 
Hành trang của Người, chỉ là đôi bàn tay sẵn sàng làm đủ nghề “miễn là lương thiện” để sống và hoạt động cùng lòng yêu nước và thương yêu con người sâu sắc. Sau bao năm bôn ba năm châu, bốn biển, tình yêu của Bác không còn dừng lại trong phạm vi đất nước mà đã trải rộng ra các dân tộc và nhân dân lao động trên khắp thế giới, vì rằng ở đâu?, màu da nào? thì người lao động vẫn là người bị áp bức, bóc lột. Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và đặc biệt là nhận thức từ thực tiễn đấu tranh của dân tộc, có dịp so sánh những người Pháp ở Pháp với những tên thực dân Pháp ở Đông Dương, hòa mình vào cuộc sống của những người lao khổ ở khu Hắc Lem, thành phố New York... Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận quan trọng: trên đời này có hai hạng người: người thiện và người ác, hai thứ việc: việc chính và việc tà. 
 
Trải qua mười năm tìm tòi, khảo nghiệm, năm 1920 khi tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc là đây. Đó là độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Bởi theo Người, tình yêu thương con người không thể chung chung, trìu tượng, mà thiết thực, cụ thể trước hết dành cho người mất nước, người cùng khổ. Vì vậy, Người dành cả cuộc đời để lo giải phóng cho dân tộc, đấu tranh cho con người thoát khỏi áp bức, bất công. Người tâm sự: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng đoàn kết nhân dân, trong xã hội không có gì vẻ vang tốt đẹp bằng phục vụ nhân dân”.
 
Bác không chỉ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, mà còn bổ sung, phát triển học thuyết Mác - Lê nin trong điều kiện cụ thể ở khía cạnh đạo đức xã hội, khiến cho học thuyết đó đi vào lòng người, đi vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, để từ đó hình thành nên các tổ chức cộng sản và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Bác, đạo đức là nhân tố tạo nên sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội chưa phải là ở lý tưởng cao xa, ở mức sống vật chất dồi dào, ở tư tưởng được tự do giải phóng, mà trước hết là ở những giá trị đạo đức cao đẹp, ở phẩm chất của những người cộng sản ưu tú, bằng tấm gương sống và hành động của mình. 
 
Hồ Chí Minh cho rằng, phong trào cộng sản của công nhân quốc tế trở thành lực lượng quyết định vận mệnh của loài người không chỉ do chiến lược và sách lược thiên tài của cách mạng vô sản, mà còn do những phẩm chất đạo đức cao đẹp làm cho chủ nghĩa cộng sản trở thành một sức mạnh vô địch. 
 
 
Từ đó Hồ Chí Minh đã khái quát thành những phẩm chất đạo đức chung, cơ bản nhất của con người Việt Nam trong thời đại mới là: Trung với nước - Hiếu với dân - Thương yêu con người - Tinh thần quốc tế trong sáng. Trong đó tư tưởng yêu thương con người chiếm giữ một vị trí rất quan trọng trong mối quan hệ với đạo đức. Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là lo cho dân, cho nước, đó là tư tưởng xuyên suốt, là đạo đức của Người. 
 
Tư tưởng yêu thương con người của Bác rất rộng lớn, chẳng những yêu thương nòi giống mà còn quan tâm đến giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới, Bác nói: “Quan san muôn dặm một nhà - Bốn phương vô sản đều là anh em”. Quan điểm của Hồ Chí Minh là phải tất cả vì con người. Chúng ta không có mục đích nào khác là chăm lo cho con người, giải phóng con người, nhằm tạo điều kiện phát triển toàn diện cá nhân (Đức + Trí + Thể + Mỹ), nghĩa là xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh coi đây là phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Do đó, Bác căn dặn: “Phải luôn luôn làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, từ đó nhân rộng gương tốt, việc tốt ra thành nhiều vườn hoa khác đẹp hơn, tốt hơn, toàn diện hơn”. 
 
Với Hồ Chí Minh tình yêu thương con người là không biên giới, Người lo cho tất cả những kiếp người trên hành tinh bị đầy đọa, bởi vì: “Họ là thân thích ruột già, công nông thế giới đều là anh em”. Tư tưởng yêu thương con người được Hồ Chí Minh nêu lên và vận động mọi người cùng thực hiện suốt cả cuộc đời. Cho tới lúc trước khi đi xa, trong lời Di chúc Người vẫn ân cần nhắc nhở toàn Đảng phải tiếp tục chăm lo cho con người. Trước hết là những người đã hy sinh một phần xương máu cho công cuộc kháng chiến, là cha mẹ vợ con thương binh, liệt sĩ, là bà con nông dân, là thanh niên, phụ nữ... lo cho hiện tại, lo đào tạo cho tương lai. Ngay cả với những nạn nhân của chế độ cũ như: trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... thì Nhà nước phải vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện. 
 
Yêu thương con người vận dụng vào trong Đảng, trong tổ chức là phải “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đây chính là điều nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn luôn chú ý đến phẩm chất yêu thương con người. Đó là sự thương yêu trên nguyên tắc tự phê bình và phê bình một cách chân thành, nghiêm túc giữa những người cùng lý tưởng, cùng phấn đấu cho sự nghiệp chung. Nó hoàn toàn xa lạ với thái độ “dĩ hòa vi quý”, bao che sai lầm khuyết điểm cho nhau, càng xa lạ với thái độ yêu nên tốt, ghét nên xấu, bè cánh có thể đưa đến những tổn thất lớn cho Đảng, cho cách mạng.
 
Bác của chúng ta là như vậy, Người không chỉ là một chiến sỹ cộng sản, một lãnh tụ kiệt xuất, tận trung với nước, tận hiếu với dân, tận hiến với dân tộc và nhân loại mà còn là tấm gương mẫu mực về đạo đức, phong cách, về tình yêu thương con người. Chúng ta học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, trước hết cần có lòng yêu thương con người, thì những phẩm chất tốt đẹp khác mới nẩy nở, phát triển được. Vì yêu thương con người là yêu thương chính đồng loại của mình và tình yêu xuất phát từ trái tim luôn là tình yêu đẹp và trong sáng, cần được tu dưỡng thường xuyên. 
 
Mặc dù Bác đã đi xa, nhưng chúng ta như thấy Người đang ở rất gần đâu đây, tình yêu thương của Người vẫn tỏa sáng, vẫn ấm áp trong mỗi trái tim chúng ta, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác mãi là ánh sáng dẫn đường chỉ lối cho Đảng và Nhân dân ta vững bước tiến tới tương lai, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc. 
 
LƯƠNG VĂN MỪNG