Đề cao việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo Bác

09:07, 21/07/2021

Đề cao trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về "muốn người ta theo mình thì phải làm gương trước" và "một tấm gương sáng bằng hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền".

 

Đề cao trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về “muốn người ta theo mình thì phải làm gương trước” và “một tấm gương sáng bằng hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
 
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nêu gương vừa là trách nhiệm vừa là giải pháp quan trọng để vận động, hướng dẫn quần chúng nhân dân theo Đảng làm cách mạng. Nêu gương cũng là cách tạo nên mối quan hệ gần gũi, gắn bó mật thiết giữa cán bộ với nhân viên, đảng viên với quần chúng; góp phần xây dựng Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong sạch, vững mạnh. Với ý nghĩa to lớn như vậy, cho nên Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII đã đặc biệt quan tâm đến vai trò nêu gương, trong đó chỉ rõ “phải đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu”...
 
Để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ mới, Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII đã yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương. Nội dung nêu gương được xác định cụ thể, đó là: Khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu "trên trước, dưới sau", "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Lãnh đạo chủ chốt các cấp phải thể hiện tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể; luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, toàn diện, công tâm, công khai, minh bạch, chính xác, chống cục bộ địa phương, bè phái trong công tác cán bộ. Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, mẫu mực về nhân cách, lối sống; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không tham nhũng, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm, không để người nhà, người thân lợi dụng vị trí công tác để vụ lợi. Nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh.
 
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là hết sức quan trọng, làm gương cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân noi theo. Mỗi khi người cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu thực sự nghiêm túc, thực sự quan tâm, thực sự gương mẫu trong học tập và làm theo Bác thì sẽ có tác dụng rất tích cực, không chỉ mang lại lợi ích lớn cho tập thể, cơ quan, đơn vị, mà còn kích thích, thúc đẩy, lan tỏa trong tập thể, góp phần hình thành các phong trào tích cực, tự giác học tập và làm theo Bác; còn ngược lại sẽ gây tác động tiêu cực trong Đảng, trong xã hội. 
 
Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải bằng những công việc cụ thể, thiết thực như: Gương mẫu, tích cực, tự giác, đi đầu tham gia học tập, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, cũng như các chuyên đề, các buổi sinh hoạt về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Và không chỉ nêu gương trong học tập, quán triệt, mà còn phải nêu gương, đi đầu trong việc đăng ký và thực hiện nghiêm túc các nội dung đăng ký làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Sở dĩ nêu lên vấn đề này là bởi trong thực tế không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý cứ vin vào lý do bận công tác để không tham gia các lớp học tập, quán triệt do cấp ủy tổ chức; nhiều người nói một đường làm một nẻo, đăng ký nội dung học tập và làm theo Bác thì rất hay nhưng không làm theo, thậm chí làm trái với những nội dung đã đăng ký... làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào cán bộ, đảng viên.
 
Nội dung nêu gương theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị đã thể hiện rõ mối quan hệ hữa cơ, biện chứng giữa học tập, làm theo và nêu gương; đó là mối quan hệ giữa nhận thức và hành động, giữa học và hành, giữa lời nói và việc làm,... Từ đó, yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu từ Trung ương đến cơ sở không chỉ nhận thức đúng đắn, đầy đủ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, càng không được học tập Bác theo kiểu tầm chương, trích cú, làm theo một cách giáo điều, máy móc, nguyên xi, bắt chước; mà điều quan trọng là biết vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để giải quyết có hiệu quả những vấn đề thực tiễn cuộc sống và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đặt ra; đồng thời tiếp tục nghiên cứu lý luận để phát triển sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
 
Trong bối cảnh hiện nay, tinh thần nêu gương và liêm, chính nếu không được đề cao, thấm sâu và tự giác thực hiện, thì cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền dễ bị tha hóa, biến chất. Vì vậy, tổ chức đảng các cấp, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, một mặt tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên thường xuyên đề cao vai trò nêu gương; mặt khác phải tăng cường kiểm tra, giám sát những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để cảnh tỉnh, cảnh báo, sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời, không để xẩy ra vi phạm, bảo đảm việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện một cách thực chất, có hiệu quả. 
 
Việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp có ý nghĩa hết sức to lớn, làm thay đổi tư duy nhận thức của cán bộ, đảng viên; củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp; từ đó thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đặt ra.
 
VĂN NHÂN