Công tác phòng, chống dịch Covid-19 là cuộc chiến của toàn dân

06:07, 31/07/2021

(LĐ online) - Sáng 31/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn tỉnh Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid 19 và đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7/2021. 

(LĐ online) - Sáng 31/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn tỉnh Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid 19 và đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7/2021. Tham dự tại điểm cầu Trung tâm, ngoài các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 và lãnh đạo các sở ngành; còn có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Ngọc Hiệp, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Phúc, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy… Tham dự tại 12 điểm cầu ở các huyện, thành phố có các Bí thư Huyện ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND huyện, thành phố.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp chủ trì cuộc họp
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp chủ trì cuộc họp
 
Đến cuối năm 2021, trên 92% dân số từ 18 tuổi trở lên sẽ tiêm vacxin phòng chống Covid 
 
Báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cho biết: Từ ngày 2/7/2021, tỉnh Lâm Đồng đã xuất hiện ca dương tính đầu tiên với Covid-19, đến sáng 31/7/2021, toàn tỉnh ghi nhận 47 bệnh nhân Covid-19 (đang điều trị 37 ca và khỏi bệnh ra viện 10 ca) tại 8 huyện, thành phố. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, kêu gọi vận động ủng hộ của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và diễn biến dịch bệnh.
 
Khoanh vùng, truy vết, đưa người đi cách ly (tập trung, tại cơ sở y tế và cách ly tại nhà) theo quy định; giám sát chặt chẽ các khu cách ly; bố trí các khu vực lưu trú để Nhân dân từ các vùng dịch về thực hiện cách ly theo quy định. Đến ngày 29/7/2021, tổng số 5.272 người thực hiện cách ly; trong đó: cách ly tại cơ sở y tế 42 người, cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh 1.780 người, cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú 3.450 người. Ngành Y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc men, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đảm bảo chế độ thông tin báo cáo theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và UBND tỉnh.
 
Từ đầu năm đến nay ngân sách tỉnh đã bố trí cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 là 26,23 tỷ đồng và đang rà soát để phê duyệt chi thêm 61,5 tỷ đồng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, thành lập “Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, đã tiếp nhận được 70 tỷ 277, 8 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng đã hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng hiện vật cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
 
Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19 tỉnh và đã tiến hành 3 đợt tiêm vắc xin cho 50.535 người; trong đó, 7.981 người đã tiêm đủ 2 liều và 42.554 người đã tiêm được 1 liều vắc xin phòng Covid-19. Theo Văn bản số 5946/BYT-DP ngày 24/7/2021 của Bộ Y tế, từ nay đến cuối năm 2021, Lâm Đồng sẽ tiếp nhận và tiêm khoảng trên 90% cho người từ 18 tuổi trở lên. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã chi hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (theo Quyết định số 1900/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh) với tổng số tiền 34.794 triệu đồng.
 
Trong cuộc chiến chống Covid -19 sẽ không xác định ngày giờ…
Trong cuộc chiến chống Covid -19 sẽ không xác định ngày giờ…
 
* Tình hình kinh tế - xã hội cơ bản phát triển ổn định, thu ngân sách cao hơn cùng kỳ 
 
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được xác định là cuộc chiến của toàn dân. Các ngành, các cấp chủ động tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả, ưu tiên đảm bảo an toàn sức khỏe của Nhân dân và cộng đồng, bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để có giải pháp chống dịch phù hợp, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đảm bao an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân và phát triển kinh tế. Trong tháng 7, tiến độ sản xuất nông nghiệp đảm bảo thời vụ, đảm bảo an toàn về dịch bệnh; ngành công nghiệp tiếp tục tăng trưởng; thu ngân sách tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ; các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội thực hiện theo kế hoạch đã đề ra; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội cơ bản ổn định. 
 
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Lâm Đồng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như du lịch bằng 0, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm mạnh so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ, an sinh xã hội của một bộ phận người dân còn khó khăn, nguy cơ tái nghèo, nhất là các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19...
 
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19; tỉnh đề ra 8 nhóm nhiệm vụ trong thời gian tới là tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện thành công “mục tiêu kép”; tập trung, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở kết hợp linh hoạt, sáng tạo, hài hòa, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội với kết quả cao nhất trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp…
 
Tại cuộc họp trực tuyến, lãnh đạo các địa phương báo cáo tình hình dịch bệnh và kiến nghị với tỉnh những khó khăn, vướng mắc. Lãnh đạo các sở ngành và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải đáp kiến nghị của địa phương và đề xuất UBND tỉnh các giải pháp…
 
* Cuộc chiến chống Covid là thắng lợi của toàn dân…
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp gởi lời của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận biểu dương tất cả các địa phương, cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng tuyến đầu đã cố gắng quyết tâm bằng cả ý chí và nghị lực suốt nửa năm qua, đặc biệt là từ cuối tháng 4 đến nay để nỗ lực hành động phòng chống Covid-19. Cuộc chiến chống Covid mà thắng lợi là thắng lợi của toàn dân. Sức mạnh và ý chí của toàn dân sẽ quyết định thắng bại của cuộc chiến chống dịch lần này…
 
Tình hình của tỉnh ta hiện nay đang áp dụng mức độ nguy cơ cao, dù chỉ đang ở mức độ nguy cơ. Vận dụng 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, vật tư tại chỗ, con người tại chỗ, chữa trị tại chỗ; các địa phương sẽ chi tiết hóa trong phân công nhiệm vụ để xử lý kịp thời mọi tình huống. Tỉnh tạo điều kiện tối đa cho các địa phương. Song song đó, các địa phương phải làm tốt công hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính phủ và Quyết định 1900 của tỉnh (khoảng 120 tỷ đồng).
 
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các vấn đề trong thời gian tới: Làm tốt công tác tuyên truyền chống dịch; dự trù kế hoạch mua sắm thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch và chuẩn bị nhân lực phục vụ cho tình huống xấu hơn; đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin; hạn chế giao lưu giữa gia đình với gia đình, sau 21 giờ ở nhà tuyệt đối; đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ Nhân dân…
 
LÊ HOA