Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Trần Đình Văn báo cáo cử tri về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

05:08, 02/08/2021

Thực hiện hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV...

LTS: Thực hiện hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; căn cứ vào tình hình thực tế phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh không tổ chức tiếp xúc cử tri trực tiếp, mà qua kênh Truyền hình Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng thông cáo đến cử tri toàn tỉnh kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
 
Đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
 
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra 9 ngày trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan liên quan rất tích cực, khẩn trương, làm việc liên tục, không có ngày nghỉ để bảo đảm hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra với chất lượng tốt nhất và trong thời gian ngắn nhất, kết thúc kỳ họp sớm 3 ngày so với chương trình được thông qua. Bên cạnh đó, Quốc hội bám sát tình hình thực tế và kịp thời quyết định bổ sung Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19, kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. 
 
Tại kỳ họp này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội, trong đó gợi mở, nhấn mạnh những định hướng lớn, quan trọng để Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Quốc hội thống nhất ban hành 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Xem xét các báo cáo trên một số lĩnh vực, cụ thể:
 
1. Về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
 
Quốc hội khẳng định cuộc bầu cử đã thành công rất tốt đẹp và bầu được 499 ĐBQH, 266.022 đại biểu HĐND các cấp. Cử tri và Nhân dân cả nước đã hưởng ứng, tham gia rất tích cực, có trách nhiệm, góp phần làm nên thành công của cuộc bầu cử. Đồng thời, yêu cầu các vị ĐBQH, đại biểu HĐND nêu cao trách nhiệm của người đại biểu Nhân dân, phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, không ngừng đổi mới sáng tạo, bám sát thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử; kịp thời hiến kế để ban hành các quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 
2. Về công tác tổ chức, nhân sự
 
Quốc hội quyết định số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gồm Chủ tịch Quốc hội, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội, 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội); cơ cấu tổ chức của Chính phủ (gồm 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ); cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ (gồm Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 22 bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ). Quốc hội bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước; 4 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp, thể hiện rõ trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ, quyết tâm cao hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.
 
3. Về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
 
3.1. Quốc hội ghi nhận những kết quả tích cực trong những tháng đầu năm 2021, cả nước thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, yêu cầu Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. 
 
3.2. Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; trong đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.139.639.446 triệu đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.119.541.763 triệu đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 161.490.730 triệu đồng, bằng 2,67% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Yêu cầu Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
 
3.3. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 với 23 chỉ tiêu và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như: 
 
Tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. 
 
Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; thực hiện cải cách tiền lương; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo... 
 
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước xây dựng chương trình hành động của nhiệm kỳ, kế hoạch cụ thể cho từng năm của nhiệm kỳ, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội; cuối năm 2023 báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết giữa nhiệm kỳ.
 
3.4. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, đề ra những giải pháp hiệu quả để thực hiện kế hoạch này.
 
3.5. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 2.870.000 tỷ đồng. Trong đó, bố trí 100.000 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030); bố trí 65.795,847 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện 3 dự án quan trọng quốc gia; 38.738 tỷ đồng để đầu tư dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam, tuyến phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. 
 
Đặc biệt, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn trình Quốc hội, Chính phủ phân bổ 2.000 tỷ đồng cho tỉnh Lâm Đồng để thực hiện Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư.
 
3.6. Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu trên cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí. Ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Ngân sách trung ương bố trí cho Chương trình là 39.632 tỷ đồng, trong đó có 30.000 tỷ vốn đầu tư phát triển.
 
3.7. Quốc hội thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, giao Chính phủ trong quá trình điều hành tiếp tục chỉ đạo rà soát, bảo đảm không để trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ. Có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư. Cân đối, bổ sung ngân sách Trung ương để thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho Chương trình… 
 
4. Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội
 
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập 2 đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành” tại kỳ họp thứ 3 và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giai đoạn 2016 - 2021” tại kỳ họp thứ 4. 
 
5. Về Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV
 
Quốc hội thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để kiểm soát tốt dịch COVID-19. 
 
Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch. Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch. Bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch,…
 
6. Về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân
 
Từ sau kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước đảm bảo dân chủ, khách quan, phản ánh đầy đủ kiến nghị của cử tri trước Quốc hội.
 
7. Về Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
 
Hội đồng Bầu cử quốc gia đã chứng nhận 7 ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng đủ tư cách ĐBQH theo quy định của pháp luật; Chủ tịch Quốc hội đã chứng nhận ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng đối với 7 đại biểu, phê chuẩn chức vụ Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh. Trong đó:
 
- Ông Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, giữ chức vụ Trưởng đoàn. 
 
- Ông Nguyễn Tạo - Tỉnh ủy viên, giữ chức vụ Phó Trưởng đoàn chuyên trách.
 
Thành viên: 
 
- Ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương.
 
- Ông Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
- Ông Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội.
 
- Ông K’Nhiễu - Phó Chánh Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh.
 
- Bà Trịnh Thị Tú Anh - Trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, Trường Đại học Đà Lạt.
 
Có thể khẳng định, kỳ họp thứ nhất đã rất thành công, tạo tiền đề, động lực và mở ra một khởi đầu tốt đẹp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Kết quả kỳ họp đã khẳng định tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo các nội dung. Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch chủ động, linh hoạt, sáng tạo, duy trì không khí nghị trường sôi nổi trong tất cả các ngày làm việc. Các vị ĐBQH, trong đó có ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng, đã phát huy trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thảo luận, tranh luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có chất lượng, góp phần tạo nên thành công kỳ họp.
 
Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng mong rằng cử tri và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ, chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về phòng, chống dịch, góp phần kiểm soát tốt dịch COVID-19, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
 
Do điều kiện phòng, chống dịch không thể tiếp xúc trực tiếp để ĐBQH lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân các địa phương trong tỉnh. Qua kênh truyền hình Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh mong muốn quý vị cử tri tiếp tục có kiến nghị phản ánh đến các cơ quan Trung ương, địa phương và xin gửi về Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để kịp thời tổng hợp, xử lý theo quy định.
 
Trân trọng cảm ơn!