ĐBQH Lâm Đồng: Nên sớm có cơ chế đặc thù đối với thành phố Đà Lạt

12:10, 27/10/2021

(LĐ online) - Sáng 27/10, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; tỉnh Nghệ An; tỉnh Thanh Hóa; tỉnh Thừa Thiên - Huế.

(LĐ online) - Sáng 27/10, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; tỉnh Nghệ An; tỉnh Thanh Hóa; tỉnh Thừa Thiên - Huế.
 
Toàn cảnh phiên làm việc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tại điểm cầu Lâm Đồng
Toàn cảnh phiên làm việc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tại điểm cầu Lâm Đồng
 
Tại điểm cầu Lâm Đồng, tham dự có đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, các ĐBQH K’Nhiễu, Trịnh Thị Tú Anh và đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ.
 
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế được lấy ý kiến nhằm hướng tới thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.
 
Đa số ý kiến nhất trí với dự thảo các Nghị quyết và cho rằng, quy định này góp phần tạo dư địa để thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển. Có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng mức trần tổng dư nợ vay, vì thực tế hiện nay, các địa phương trên chưa vay được hết mức trần theo quy định hiện hành và trong giai đoạn 2021-2025, tổng mức bội chi ngân sách của các địa phương chỉ là 0,3% GDP.
 
Góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, ĐBQH Nguyễn Tạo – Đoàn Lâm Đồng bày tỏ quan điểm thống nhất với chủ trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố này nhằm tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình. 
 
Các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã áp dụng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Lần này, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế chính sách. 
 
ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế
ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế
 
ĐBQH Nguyễn Tạo đề nghị Quốc hội cần tiếp tục xem xét, bổ sung một số vấn đề cụ thể như sau: Một là, nước ta có 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trước đây, Quốc hội đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, kỳ họp này sẽ xử lý Nghị quyết đặc thù thành phố Hải Phòng, cử tri băn khoăn vì sao Quốc hội không triển khai đồng bộ cả với thành phố Cần Thơ, sau đó có đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai cho các đô thị loại I thuộc tỉnh sẽ phù hợp hơn, đảm bảo tính tương đồng trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù. 
 
Thứ hai, đại biểu cơ bản nhất trí với chính sách dư nợ vay của dự thảo Nghị quyết, đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh, thành phố được hưởng theo phân cấp. Quy định này góp phần tạo dư địa để các tỉnh, thành phố có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển.
 
Thứ ba, trong nhóm 19 tỉnh có thành phố được xếp vào đô thị loại 1 đã tự cân đối thu, chi ngân sách địa phương, tiệm cận với các thành phố đầu tàu về kinh tế như Hải Phòng, Hồ Chí Minh, mang tính liên kết vùng, đề nghị cần có Nghị quyết kế cận về cơ chế đặc thù cho nhóm tỉnh này. Đối với nhóm các thành phố thuộc tỉnh còn lại thì nơi nào có truyền thống lịch sử, đô thị lâu đời, đơn cử như thành phố Đà Lạt là một trong những thành phố được công nhận đô thị loại 1 sớm nhất trong cả nước (năm 2009)…, có thương hiệu, tiềm năng, thế mạnh về du lịch thì nên sớm có cơ chế đặc thù, tạo ra cú hích trong phát triển kinh tế - xã hội. 
       
Thứ tư, đại biểu đề xuất quan tâm đến các tỉnh có địa bàn mà dự kiến xây dựng các đặc khu hành chính kinh tế. Đây là các địa phương có tiềm năng, căn cứ, cơ sở khoa học để phát triển khu vực và các nước trong thời gian qua, như: Quảng Ninh có thành phố Hạ Long, tỉnh Khánh Hòa có Vân Phong, tỉnh Kiên Giang có thành phố Phú Quốc… cần có sự tính toán cụ thể để thúc đẩy phát triển bền vững các địa phương này. 
 
Đại biểu cũng đề nghị, một nhóm địa phương cần có sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ là các địa phương có quyết tâm chính trị cao, đã có Nghị quyết của Đảng, của chính quyền địa phương trong giai đoạn 2021 - 2025 và được các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương định hướng, xem xét, thẩm tra. Đó là những địa phương phấn đấu đến năm 2025 tự cân đối ngân sách và định hướng năm 2030 sẽ điều tiết ngân sách về Trung ương. Đây là những địa phương rất cần cơ chế, chính sách đặc thù.
 
Về điều khoản thi hành, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị bổ sung cho thêm 1 năm chuyển tiếp hoặc dừng thực hiện Nghị quyết đặc thù khi trong thời gian 5 năm triển khai, Quốc hội ban hành Luật mới có tính pháp lý cao hơn.
 
Tiếp đó, các ĐBQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
 
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm Xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm Y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020.
 
NGUYỆT THU