''Xanh'' - Nam Tây Nguyên (Bài 1)

02:10, 08/10/2021

Nam Tây Nguyên - mảnh đất từ ngàn đời nay luôn mang đậm màu xanh của đại ngàn. Giờ đây, mảnh đất ấy còn có màu xanh của vùng an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19...

[links()]
 
Nam Tây Nguyên - mảnh đất từ ngàn đời nay luôn mang đậm màu xanh của đại ngàn. Giờ đây, mảnh đất ấy còn có màu xanh của vùng an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Và, trên vùng đất này còn có cả màu xanh đến từ những trái tim thiện nguyện của tình đồng chí, của nghĩa đồng bào.
 
Bài 1: Những quyết sách để giữ vững thế trận
 
Nhịp sống Nam Tây Nguyên những ngày này được tổ chức chặt chẽ nhưng không kém phần linh hoạt. Tất cả các binh chủng, các bộ phận thực hiện nhiệm vụ dưới sự dẫn dắt của những người đứng đầu địa phương vì một mục tiêu chung: đảm bảo an toàn cho sức khỏe Nhân dân. Và, chính từ cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đầy gian nan này cũng là dịp “thử lửa” đối với đội ngũ cán bộ.
 
Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thường xuyên có mặt tại các điểm nóng để chỉ đạo và kiểm tra công tác chống dịch. Ảnh: C.Thành
Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thường xuyên có mặt tại các điểm nóng để chỉ đạo và kiểm tra công tác chống dịch. Ảnh: C.Thành
 
•  NHỮNG QUYẾT ĐỊNH CÂN NÃO
 
Suốt hành trình xây dựng và phát triển, đặc biệt, trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19 đầy cam go và chưa có tiền lệ này, để ổn định và phát triển vùng đất Nam Tây Nguyên, những chính sách, quyết định được bàn thảo kỹ lưỡng, xây dựng hợp lý, chính là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đặc biệt là chú trọng đến sức khỏe và đời sống Nhân dân.
 
Thực tế chống dịch ở Lâm Đồng cho thấy, sự đoàn kết, thống nhất trong Thường trực Tỉnh ủy là kiềng ba chân vững chắc, là nền tảng cho những quyết sách đúng đắn và sự phối hợp nhịp nhàng giữa cấp ủy, chính quyền các cấp ở Lâm Đồng. 
 
Ngay khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam từ đầu năm 2020, dù thuộc nhóm nguy cơ thấp song Lâm Đồng vẫn thực hiện nhiều biện pháp phù hợp, sẵn sàng nhân lực, vật lực và chủ động xây dựng các kịch bản để chủ động ứng phó khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. 
 
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm, Lâm Đồng thực hiện các giải pháp chống dịch với tinh thần phân cấp rất rõ ràng trong hệ thống chính trị. Căn cứ vào các quy định, hướng dẫn của cấp trên, đánh giá tình hình cụ thể ở mỗi địa phương để vận dụng sáng tạo các phương án chống dịch, nhất là việc quyết định phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội. Lâm Đồng đã yêu cầu lãnh đạo các huyện xây dựng kịch bản ứng phó với tình huống dịch COVID -19 theo từng cấp độ, diễn biến, đặc biệt trong tình huống phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, thậm chí là Chỉ thị 16. Tuy nhiên, việc áp dụng cần có sự linh hoạt để đảm bảo phòng dịch; đồng thời giữ nhịp phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Sự linh hoạt ấy đã được chứng minh khi ca dương tính đầu tiên xuất hiện ngày 2/7 tại thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh - một huyện vùng sâu phía Nam Lâm Đồng. Giải pháp phong tỏa đã được thực hiện hợp lý theo mức độ nguy hiểm ở từng khu vực. Và sự linh hoạt này tiếp tục được thể hiện khi dịch bệnh lần lượt xảy ra tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương - huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh và xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng. Và có lẽ, quyết định cân não nhất của lãnh đạo tỉnh khi ổ dịch được phát hiện tại Công ty TNHH sợi Đà Lạt, thuộc xã Trạm Hành với chùm ca F0 lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Ổ dịch này ghi nhận 94 ca COVID-19, truy vết 545 F1, 806 F2, xét nghiệm sàng lọc cộng đồng tại hai xã Xuân Trường, Trạm Hành và mở rộng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trọng điểm tại các chợ trên địa bàn các xã, phường của TP Đà Lạt và thị trấn Dran, huyện Đơn Dương. Thời điểm đó, người dân cả thành phố Đà Lạt gần như đã sẵn sàng để thực hiện Chỉ thị 16. Tuy nhiên, Thường trực Tỉnh ủy sau khi xem xét toàn diện tình hình đã thống nhất thực hiện Chỉ thị 16 tại hai xã Xuân Trường, Trạm hành, chưa áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với TP Đà Lạt. Theo Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận: “Lý do chúng ta chưa áp dụng Chỉ thị 15, 16 trên địa bàn toàn tỉnh là vì muốn tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện mục tiêu kép, gắn phòng, chống dịch với phát triển kinh tế - xã hội”.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp nhận định: “Chỉ thị 16 giúp chính quyền dễ siết chặt công tác phòng dịch nhưng sẽ gây khó khăn lớn cho người dân. Chính vì vậy, Chỉ thị 16 chỉ áp dụng khi không kiểm soát được tình hình, có các ca nhiễm không rõ nguồn gốc trong cộng đồng; đồng thời, ý thức chấp hành của người dân không tốt dễ để lây lan dịch bệnh”.
 
Đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng kiểm tra công tác chống dịch tại huyện vùng sâu Đam Rông
Đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng kiểm tra công tác chống dịch tại huyện vùng sâu Đam Rông
 
Bên cạnh đó, giải pháp phòng thủ chặt tại các chốt kiểm soát, ưu tiên tiêm vắc xin và hình thành các khu lưu trú cho tài xế - nhóm đối tượng có nguy cơ lây bệnh cao nhất đã góp phần quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh. Lâm Đồng cũng đã đón hàng trăm thai phụ và người thân từ các vùng dịch đang thực hiện Chỉ thị 16 về địa phương an toàn ngay trong những ngày dịch bệnh đang căng thẳng nhất ở phía Nam. Đồng thời, đẩy nhanh việc hỗ trợ cho người dân khó khăn do đại dịch. Riêng về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận nhấn mạnh: “Đây là trách nhiệm của lãnh đạo các huyện, thành. Phải làm nhanh, không chờ đợi, trường hợp khiếu nại giải quyết sau, đồng chí bí thư cấp huyện, xã phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhanh, nếu chậm sẽ xem xét trách nhiệm bí thư, chủ tịch các xã”.
 
Những giải pháp hợp lý, kịp thời đó đã góp phần an dân để tạo sự đồng thuận trong phòng, chống dịch bệnh.
 
THỰC TIỄN CHỐNG DỊCH CHỨNG MINH NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ
 
Ông Tống Giang Nam - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Đạ Tẻh cho biết: “Thời điểm dịch xảy ra tại địa phương, Thường trực Huyện ủy và lãnh đạo các đơn vị liên quan không chỉ có mặt liên tục tại cơ quan Huyện ủy mà còn thường xuyên có mặt tại các điểm nóng. “Chống dịch như chống giặc” và tất cả đều chưa có trong tiền lệ nên chỉ nghe báo cáo thôi là chưa đủ, phải “ghim” vào trong trí não những số liệu cần thiết, nắm được thực tế đằng sau những con số để điều chỉnh hợp lý và phân nhiệm vụ cụ thể trong bộ máy”. Song song với việc tiến hành phong tỏa các khu vực phát hiện dịch, công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được huyện chỉ đạo các địa phương tiến hành ngay để thực hiện hỗ trợ. Công tác rà soát hỗ trợ hoàn thành đúng vào ngày cuối tuần, nguồn tiền chưa chủ động, song không để bà con lo lắng, UBND các xã đã linh động “mượn” tiền từ các đơn vị, cá nhân để nhanh chóng tiến hành hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Và UBND huyện cũng “mượn” tiền, kịp thời chuyển về để địa phương thực hiện nhiệm vụ. “Điều đó cho thấy, sự chỉ huy thống nhất, mà trực tiếp là vai trò của đồng chí bí thư cấp ủy vô cùng quan trọng. Và sự an dân là yếu tố quyết định để tiến hành chống dịch. Để rồi đến thời khắc dỡ bỏ chốt phong tỏa, cả cán bộ và bà con đều hân hoan như đón giao thừa”, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh Tống Giang Nam chia sẻ. 
 
Hay như, ổ dịch tại Công ty TNHH sợi Đà Lạt, việc địa phương nhanh chóng kiểm soát và chuẩn bị phương án cho tình huống phải áp dụng giãn cách xã hội là cơ sở quan trọng giúp Tỉnh ủy Lâm Đồng quyết định chưa áp dụng Chỉ thị 16 với Đà Lạt. Thực tế cho thấy rõ, năng lực cán bộ, sự sâu sát cơ sở góp phần đưa vùng đỏ sang vùng xanh.
 
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác chống dịch tại huyện Đơn Dương. Ảnh: C. Thành
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác chống dịch tại huyện Đơn Dương. Ảnh: C. Thành
 
Song song với việc khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ký quyết định thu hồi bằng khen và tiền thưởng động viên đối với Nhân dân và cán bộ huyện Đơn Dương với lý do địa phương để xảy ra bùng phát dịch COVID-19 trên địa bàn vào ngày 25/8/2021. Đồng thời, quyết định kỷ luật đối với 2 Phó Chủ tịch UBND các huyện Di Linh, Lâm Hà và tạm đình chỉ công tác Chủ tịch UBND phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc do vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đó là động thái quyết liệt của tỉnh Lâm Đồng để không xảy ra tình trạng “Ngoài chặt, trong lỏng”. 
 
Từ thực tiễn chống dịch tại Đạ Tẻh, ông Tống Giang Nam chia sẻ thêm: “Sau thực tiễn triển khai công tác chống dịch, tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý và tiếng nói của đội ngũ cán bộ trong quần chúng nhân dân được nhìn nhận rất rõ. Có những cá nhân phát huy rất tốt vai trò, song cũng có những vị trí chưa thực sự tốt. Đây cũng là cơ sở để địa phương có sự luân chuyển, điều động hợp lý đội ngũ cán bộ trong thời gian tới”.
 
“Vùng xanh sang vùng đỏ hay vùng đỏ sang vùng xanh đều phụ thuộc vào năng lực cán bộ. Đòi hỏi cán bộ phải sát thực tế, đi vào lĩnh vực này nếu cán bộ không sâu sát cơ sở thì sẽ không nhìn nhận rõ và kịp thời đưa ra những quyết sách phù hợp để mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát và không vỡ trận”, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Trọng Ánh Đông khẳng định. Và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ ở thời điểm hiện tại cũng là căn cứ quan trọng để Lâm Đồng tiếp tục có những quyết sách quan trọng về công tác cán bộ khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn và trạng thái “bình thường mới” được thiết lập.
 
Hiện các địa phương ở Lâm Đồng đang dốc sức tập trung thực hiện tốt nhất công tác phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã yêu cầu trong tình hình đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường, ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các mặt đời sống kinh tế - xã hội, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt với quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
(CÒN NỮA)
 
NGỌC NGÀ