''Xanh'' - Nam Tây Nguyên (bài 3)

05:10, 12/10/2021

Việc phòng, chống dịch COVID được tiến hành hiệu quả khi Nhân dân đoàn kết, đồng thuận, chung một mục tiêu, tập trung thực hiện những biện pháp cụ thể dưới sự lãnh, chỉ đạo đúng đắn và phù hợp tình hình của chính quyền địa phương.

[links()]
 
Bài 3: Ý thức người dân - liều vắc xin hữu hiệu
 
Việc phòng, chống dịch COVID được tiến hành hiệu quả khi Nhân dân đoàn kết, đồng thuận, chung một mục tiêu, tập trung thực hiện những biện pháp cụ thể dưới sự lãnh, chỉ đạo đúng đắn và phù hợp tình hình của chính quyền địa phương.
 
Người dân hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực thực hiện Chỉ thị 16 ở xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt. Ảnh: C.Thành
Người dân hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực thực hiện Chỉ thị 16 ở xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt. Ảnh: C.Thành
 
  MỖI NGƯỜI DÂN LÀ MỘT CHIẾN SĨ
 
Trong các cuộc họp chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bên cạnh nhấn mạnh việc các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh phải tập trung, thống nhất, chuyên sâu, quyết liệt, mạnh mẽ, dứt khoát, bám sát cơ sở, linh hoạt, phù hợp với tình hình từng địa phương còn phải đặc biệt chú trọng sự vào cuộc của Nhân dân. Người dân là chủ thể, là trung tâm của công tác phòng, chống dịch. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải là một pháo đài, nhất là ở cơ sở, mỗi người dân là một chiến sĩ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể.
 
Đối mặt với dịch bệnh COVID-19, Lâm Đồng đã áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, linh hoạt và phù hợp với tình hình địa phương. Chỉ đạo của Trung ương, hướng đi do Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh của tỉnh xác định là cơ sở quan trọng, là kim chỉ nam để các địa phương bám sát và thực hiện. Xuất phát từ tinh thần nhất quán này của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên việc giao quyền cho các địa phương, chuyển hướng về cơ sở, phát huy vai trò của các phường, xã, thị trấn trong việc phòng, chống dịch bệnh, hướng tới mở rộng vùng xanh đã phát huy hiệu quả. 
 
Thực tiễn quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn 12 huyện, thành phố của Lâm Đồng cho thấy, việc huy động sự vào cuộc tích cực của các tổ COVID cộng đồng, của các đoàn thể, mọi người dân trên địa bàn là giải pháp hữu hiệu. Con số 2.313 tổ COVID cộng đồng với 8.373 người tham gia; 1.267 tổ tự quản bảo vệ vùng xanh trên toàn tỉnh với hơn 8.500 người dân tham gia, là một trong những giải pháp quan trọng; chỗ dựa của cấp ủy, chính quyền để kiểm soát dịch bệnh tại cơ sở. Đó thực sự là lá chắn quan trọng để giữ các thôn xóm, làng, xã dần tìm được màu xanh của sự bình yên.
 
Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm, là lực lượng chính quản lý các chốt kiểm soát ở địa bàn dân cư; lấy sự gương mẫu, tận tụy của cán bộ, đảng viên để lan tỏa, coi tổ COVID cộng đồng làm nòng cốt, chọn những người có uy tín trong cộng đồng làm trung tâm để quy tụ Nhân dân tham gia chống dịch. Bà Tám Thắng - Tổ COVID cộng đồng thôn Tân Tiến, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà chia sẻ: “Từ khi dịch bệnh bùng phát, tổ COVID cộng đồng được thành lập, các thành viên trong tổ làm việc không kể ngày đêm. Từ vận động, tuyên truyền bà con nghiêm túc thực hiện 5K, hàng quán không tụ tập đông người cho đến tuần tra, canh gác, hỗ trợ các gia đình khó khăn… Các chốt bảo vệ vùng xanh được thành lập, thành viên tổ COVID cộng đồng cũng tham gia trực chốt. Mọi biến động người dân đi, đến trên địa bàn, tổ COVID cộng đồng nắm rõ như lòng bàn tay, chỉ cần cấp trên cần là có ngay danh sách cụ thể về tình hình dân cư trên địa bàn”. 
 
Các chốt bảo vệ vùng xanh do chính người dân tham gia thực hiện chống dịch tại huyện Đạ Tẻh. Ảnh: H.Sa
Các chốt bảo vệ vùng xanh do chính người dân tham gia thực hiện chống dịch tại huyện Đạ Tẻh. Ảnh: H.Sa
 
Và các tổ COVID cộng đồng cũng là kênh thông tin hiệu quả, quan trọng để mỗi người dân nâng cao ý thức và chủ động thực hiện công tác chống dịch đối với bản thân, gia đình cũng như chung sức với toàn xã hội. Và mỗi người dân thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Điều này đã được chứng minh rõ tại huyện Lạc Dương - mảnh đất phên dậu của tỉnh Lâm Đồng song cho đến nay là địa bàn duy nhất của tỉnh chưa mắc ca COVID-19 nào. Chủ tịch UBND xã Đạ Nhim Kơ Să K’Kim cho biết: “Những người uy tín trong các buôn làng tích cực cùng hệ thống chính trị thôn tham gia các tổ COVID cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ chống dịch. Thông qua việc tuyên truyền sâu rộng của các tổ COVID cộng đồng mà bà con đã chấp hành rất tốt việc đeo khẩu trang, khai báo y tế mỗi khi ra, vào địa bàn”. 
 
  SỨC MẠNH TỪ CỘNG ĐỒNG
 
Thực tế, những quyết sách đúng đắn của Lâm Đồng trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế đã chứng minh hiệu quả. Điều đó đóng vai trò quan trọng để tạo ra sự đồng thuận trong Nhân dân. Đồng thời cũng là yếu tố quyết định cho việc người dân nâng cao ý thức, chủ động phối hợp với chính quyền để thực hiện tốt “mục tiêu kép”. 
 
Chị Kơ Să K’Kim cho biết, ở xã Đạ Nhim hiện nay, đa phần người dân ở các thôn, buôn đều đăng ký để thay nhau tham gia trực chốt bảo vệ vùng xanh trên các địa bàn thôn. Còn chị Cil Sea Duyên - người dân tổ dân phố Măng Line, Phường 7, thành phố Đà Lạt xúc động nói: “So với người dân các địa phương khác, bà con mình còn mạnh khỏe, còn lao động sản xuất, còn được đi lại là hạnh phúc lắm rồi. Bởi vậy, nên bà con ai cũng hiểu phải tuân thủ quy định phòng dịch, giữ vững an toàn cho vùng xanh Lâm Đồng”. Đó cũng là lý do mà vợ chồng chị thay phiên nhau có mặt trong tổ trực chốt bảo vệ vùng xanh của tổ dân phố Măng Line suốt những ngày qua. 
 
Việc người dân chủ động tham gia đã tạo nên sức mạnh chống dịch rất lớn từ chính các cộng đồng. Sức mạnh cộng đồng ấy bắt đầu từ thôn, xóm và đang dần lan tỏa rộng khắp suốt thời gian qua.
 
Cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc kiểm soát người dân tại khu vực đèo Prenn, thành phố Đà Lạt
Cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc kiểm soát người dân tại khu vực đèo Prenn, thành phố Đà Lạt
 
Ông Tống Giang Nam - Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh khẳng định: “Nếu người dân không chủ động phối hợp thì công tác chống dịch sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Khi người dân nhận thấy rõ nỗ lực của chính quyền địa phương, bà con sẽ an tâm và góp sức chống dịch. Và ý thức của Nhân dân chính là vắc xin hữu hiệu, đặc biệt nhất trong công tác phòng, chống dịch. Để rồi, họ vỡ òa hạnh phúc trong thời khắc chốt phong tỏa được gỡ bỏ. Đi qua những ngày là “vùng đỏ” mới càng thêm trân quý, thêm giữ gìn “vùng xanh”. Việc thiết lập các “vùng xanh” tự quản an toàn được xem là một trong những “chìa khóa” để sớm kiểm soát và nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Lập “vùng xanh” đã khó, giữ vững vùng xanh càng khó khăn hơn. Và chính Nhân dân là hạt nhân giữ cho “vùng xanh” bền vững”.
 
Công tác vận động quần chúng, phát huy tính tự quản trong Nhân dân, phát huy ý thức, khơi dậy tình người cùng san sẻ, hỗ trợ nhau…; đó không phải câu chuyện trong đại dịch mới có. Đó là sức mạnh tiềm tàng của suốt quá trình lâu dài Lâm Đồng bền bỉ xây dựng các khu dân cư tiêu biểu, khu dân cư kiểu mẫu. Đó là chiến lược, là cơ sở để trong thời điểm khó khăn, nguy cấp được phát huy và cụ thể hôm nay chính là các tổ COVID cộng đồng, các tổ tự quản bảo vệ vùng xanh. Chỉ có người dân thực sự tham gia với ý thức và tinh thần tự nguyện mới hình thành và đảm bảo cho các vùng không bị COVID xâm nhập. Để rồi Đảng lãnh đạo và lòng dân đồng thuận làm nên hai yếu tố quan trọng, song song trong chống dịch. 
 
Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp với những khó khăn, thử thách mới đòi hỏi công tác phòng, chống phải thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục. Để đạt hiệu quả trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, không chỉ dựa vào sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của tổng lực các lực lượng, mà còn cần ý thức, trách nhiệm và ủng hộ của mỗi người dân. Mỗi người dân không chỉ quan tâm bảo vệ sức khỏe bản thân mình, chấp hành nghiêm các quy định của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch, mà còn nêu cao ý thức cộng đồng, đoàn kết chung tay góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo nên “thế trận lòng dân” vững chắc để chiến thắng dịch bệnh.
(CÒN NỮA)
 
NGỌC NGÀ