Những cáo buộc áp đặt và vô lý

06:11, 26/11/2021

(LĐ online) - Như những gì chúng tôi đã chứng minh trong bài viết trước và tiếp theo trong những thông tin của bài viết này nhằm là nhằm phản biện các báo cáo nhân quyền thiếu thiện chí với những suy diễn cố tình bóp méo sự thật...

[links()]
 
(Tiếp theo kỳ trước)
 
(LĐ online) - Như những gì chúng tôi đã chứng minh trong bài viết trước và tiếp theo trong những thông tin của bài viết này nhằm là nhằm phản biện các báo cáo nhân quyền thiếu thiện chí với những suy diễn cố tình bóp méo sự thật với mục đích khoét sâu mâu thuẫn, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại chủ quyền, an ninh quốc gia. Đó cũng là hành động làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống bình yên của Nhân dân các dân tộc thiểu số anh em đang được tạo mọi cơ hội bình đẳng, cùng phát triển trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
 
Bên tượng đài Bác Hồ ở TP Plâycu - Gia Lai
Bên tượng đài Bác Hồ ở TP Plâycu - Gia Lai
 
Bảo đảm quyền tộc người, quyền bảo vệ văn hóa tộc người là một nội dung quan trọng trong đường lối nhất quán của Đảng. Các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có quyền tự do quyết định vị thế xuất thân, quyền sử dụng ngôn ngữ, khẳng định sự bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thành tựu về bảo tồn, phát huy hệ thống di sản văn hóa các dân tộc là một khía cạnh rất đáng ghi nhận. Chúng ta nhận thức, sự khác biệt trong văn hóa giữa các dân tộc đã tạo nên giá trị bản sắc, là sự khẳng định lịch sử sinh tồn, phát triển và định danh mỗi tộc người trên bản đồ văn hóa quốc gia. Ở Tây Nguyên không có sự kỳ thị sắc tộc mà chỉ có sự tôn trọng các giá trị đặc thù. Đặc biệt, thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, các cấp, các ngành đã tập trung xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; tổng kiểm kê di sản văn hóa tiêu biểu; hỗ trợ khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ nền văn hóa của các tộc người. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số làm công tác văn hóa; hỗ trợ truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở, nâng mức thụ hưởng văn hóa cho đồng bào; đưa giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào trường học. Nhiều nghi lễ, lễ hội, dân ca, dân vũ, trang phục, trò chơi dân gian được khôi phục. Những ngày hội văn hóa được tổ chức. 
 
Đặc biệt, việc UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” là một sự vinh danh mang tầm quốc tế đối với di sản vô giá của đồng bào các dân tộc thiểu số trên miền cao nguyên phía tây Việt Nam. Để có được sự công nhận cao quý này là nhờ một quá trình Đảng và Nhà nước thực thi những chương trình đầu tư nhằm nâng cao nhận thức, tôn trọng bảo tồn, phát huy và khơi nguồn cảm hứng lưu giữ báu vật văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng các dân tộc anh em Tây Nguyên. Cùng đó, các dự án sưu tầm, phổ biến sử thi, âm nhạc dân gian, luật tục, khôi phục các thiết chế văn hóa cổ truyền đã và đang triển khai là những minh chứng cho sự tôn trọng tuyệt đối hệ thống di sản truyền thống. Đồng thời, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số được tổ chức dạy, học và khuyến khích sử dụng trong toàn cộng đồng. Hàng ngàn nghệ nhân dân gian, các dân tộc Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Kơ Ho, Mơ Nông, Chu Ru… đã được nhà nước và buôn làng tôn vinh. Họ là những “báu vật sống” của đại ngàn, là những người trao truyền ngọn lửa văn hóa tộc người cho thế hệ mai sau…
 
Nới rộng vòng xoang...
Nới rộng vòng xoang...
 
Sự bảo đảm một phần cơ bản quyền tự quyết của đồng bào còn được thể hiện khi Đảng và Nhà nước ghi nhận sự đóng góp to lớn của các già làng, nhân sĩ, trí thức. Hình ảnh già làng trong các buôn làng Tây Nguyên vẫn hiện hữu như những trụ cột tinh thần, những biểu tượng văn hóa và những bộ luật tục truyền thống là công cụ của hội đồng già làng vẫn được phát huy mặt tích cực, phối hợp với luật pháp nhà nước trong quá trình quản lý, điều hành đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số. Theo thống kê của Mặt trận Tổ quốc các tỉnh Tây Nguyên, hiện toàn vùng có 3.702 già làng. Họ vừa là chỗ dựa vững chắc, vừa trực tiếp tham gia cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở trong sự nghiệp phát triển quê hương, buôn làng. Đảng và Nhà nước cũng tạo cơ hội bình đẳng trong việc không ngừng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số chiếm gần 34% dân số Tây Nguyên, trong nhiệm kỳ này, cán bộ người người dân tộc thiểu số ở cấp xã toàn khu vực chiếm tỉ lệ 26%, cấp huyện 17%; cấp tỉnh là 10,9%; lãnh đạo các sở, ban, ngành là 12,4%. Tỉ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số trong Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh trung bình toàn vùng chiếm 28,96%. Trong cơ quan đảng, nhiệm kỳ này, số cán bộ tham gia cấp ủy tỉnh chiếm tỉ lệ 18,52%; cấp ủy huyện chiếm 17,11% và cơ sở là 18,52%. Số lượng đại biểu người dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong Quốc hội ngày càng cao; họ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng thể chế, pháp luật, thực hiện chức năng giám sát và thúc đẩy tiến trình phát triển quê hương và cuộc sống đồng bào… 
 
Trong các báo cáo nhân quyền cũng đề cập đến vấn đề tôn giáo. Họ cáo buộc chính quyền không bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, thậm chí còn cho rằng có hành vi đàn áp tôn giáo trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Lập luận trong các báo cáo nhân quyền thể hiện những người soạn thảo không có thông tin, không đến và chứng kiến đời sống, sinh hoạt của các tôn giáo ở Tây Nguyên. Họ không trực tiếp nắm bắt thực tế từ các tu sĩ và tín đồ, những công dân đề cao trách nhiệm, hoạt động tôn giáo theo quy định pháp luật và cộng tác tích cực với chính quyền. Mục sư Ha Sơng ở Chi hội Tin lành buôn Bneur C (Lạc Dương, Lâm Đồng), nói: “Chính quyền và các đoàn thể luôn ủng hộ, chia sẻ với đồng bào tín đồ. Các ngày lễ trọng, lãnh đạo địa phương đều đến chúc mừng, động viên”. Cùng bình đẳng với các tôn giáo khác, tính đến hết năm 2020, khu vực Tây Nguyên có khoảng 580.000 tín đồ đạo Tin lành thuộc 33 tổ chức, hệ phái, nhóm đang sinh hoạt tại 311 chi hội, 183 nhà thờ, hơn 1700 điểm nhóm được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt. Còn những đối tượng đội lốt tôn giáo, tự lập các tà đạo với những cái gọi là “Đạo Hà Mòn”, “Tin lành Đề-ga” và gần đây là “Giáo hội Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” và tổ chức truyền đạo trái pháp luật nhằm mục đích chống phá chính quyền, lôi kéo đồng bào theo tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai Tổ quốc lại là chuyện khác. Những kẻ núp bóng, giả hiệu tôn giáo để chống phá cuộc sống bình yên của buôn làng đó bị pháp luật trừng trị là lẽ đương nhiên… 
 
* * *
 
Hầu hết cư dân các dân tộc thiểu số Tây Nguyên sinh sống ở địa bàn miền núi, không gian cư trú cách biệt, khó khăn về giao thông và nhiều hạ tầng khác. So với miền xuôi, các đô thị lớn, mặt bằng đời sống của một số vùng đồng bào còn thấp, trình độ dân trí chưa cao. Đó là những rào cản mà Đảng và Nhà nước đang từng bước tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển khu vực. Khát vọng rút dần khoảng cách, tạo cơ hội thịnh vượng đồng đều các dân tộc là một lộ trình nhất quán trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Thế nhưng, trong khi chúng ta đang từng bước nỗ lực, thì các thế lực thù địch và thiếu thiện chí vẫn tiếp tục áp đặt những luận điệu phi lý. Họ phớt lờ đối thoại và không ghi nhận những tiến bộ trong việc đảm bảo quyền con người tại cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. 
 
Đó là những luận điệu áp đặt, phi lý nhằm mục đích kích động, chia rẽ và phá hoại. Bởi vậy, từ cách đặt vấn đề đến những suy diễn trong các báo cáo nhân quyền nói trên không có giá trị. 
 
UÔNG THÁI BIỂU