Sức mạnh của lòng dân

05:11, 19/11/2021

(LĐ online) - Không phải đến nay Đảng, Nhà nước ta mới đề cao vai trò to lớn của Nhân dân, "lấy dân làm gốc", mà từ xa xưa, ông cha ta đã thấy được sức mạnh của Nhân dân, đặt ra vấn đề lòng dân, vai trò của dân, niềm tin của dân và giải quyết các vấn đề đó. Những tư tưởng và bài học điển hình về lòng dân, sức dân, thân dân, dân là gốc trong lịch sử là di sản quý báu cho hôm nay và mãi mãi về sau.

(LĐ online) - Không phải đến nay Đảng, Nhà nước ta mới đề cao vai trò to lớn của Nhân dân, “lấy dân làm gốc”, mà từ xa xưa, ông cha ta đã thấy được sức mạnh của Nhân dân, đặt ra vấn đề lòng dân, vai trò của dân, niềm tin của dân và giải quyết các vấn đề đó. Những tư tưởng và bài học điển hình về lòng dân, sức dân, thân dân, dân là gốc trong lịch sử là di sản quý báu cho hôm nay và mãi mãi về sau.
 
Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, nhà Trần được coi là tương đối điển hình biết chăm lo cho dân chúng. Tư tưởng của Trần Hưng Đạo “Khoan sức dân là kế dài lâu, là thượng sách giữ nước”; “Phải bớt dùng sức dân để làm cái kế thâm căn cố đế, đó là thượng sách giữ nước không còn gì hơn” đã được vua Trần vận vào công việc trị nước, chăm lo cho người dân. Năm 1284, khi 50 vạn quân Nguyên lăm le đánh Đại Việt, nhà Trần đã tổ chức hội nghị Diên Hồng, cuộc trưng cầu dân ý, nhằm đánh thức sức dân, dùng sức dân làm gốc rễ, nhờ đó mà đánh thắng giặc Nguyên.
 
Trái ngược với nhà Trần, nhà Hồ (Hồ Quý Ly lên ngôi năm 1400) tuy đã chuẩn bị phòng thủ rất chu đáo, có thành cao hào sâu, lương đủ, vũ khí hiện đại, quân đông và khá tinh nhuệ, nhưng do “lòng dân oán hận”, lòng tin bị mai một, nên cuối cùng nhà Hồ bị bại trận, đất nước rơi vào tay giặc ngoại xâm. Lời nói của Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng khi trả lời Hồ Quý Ly nên đành hay nên hòa “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi” đã nói lên điểm yếu của nhà Hồ; đồng thời, cũng là lời cảnh tỉnh về thái độ vương triều đối với dân.
 
Năm 1407, Nguyễn Phi Khanh, cha của Nguyễn Trãi bị giặc Minh bắt và giải về Trung Quốc. Nguyễn Trãi theo cha đến ải Nam Quan, rồi vâng lời cha quay về nuôi chí đuổi giặc Minh. Khi về ngang qua cửa Bạch Đằng, nơi vẫn còn dấu tích trận bại chiến của Hồ Quý Ly chống giặc Minh, cũng là nơi Đại Việt từng ba lần đánh bại quân xâm lược, Nguyễn Trãi viết bài thơ “Quan hải” nổi tiếng, trong đó nổi lên tư tưởng về sức mạnh của lòng dân “Lật thuyền mới biết sức dân như nước”; lời cảnh báo xương máu đối với các triều đại về sau.
 
Thời nhà Trần trị vì đất nước, Lê Thánh Tông là vị vua “Biết nghe tiếng nói oan khiên của người dân”. Bộ Luật Hồng Đức do Lê Thánh Tông tổ chức biên soạn; trong đó, có nhiều điều khoản thể hiện chi tiết, cụ thể về thái độ tôn trọng sức dân, lòng dân, của cải của người dân và trách nhiệm của Nhà nước đối với dân, với đời sống bình thường của người dân. Nhà vua cũng là người ban chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, ban lệnh sưu tầm di cảo Nguyễn Trãi, nhờ đó mà một phần di sản của Nguyễn Trãi mới có điều kiện để truyền lại cho hậu thế. 38 năm Lê Thánh Tông trị vì là giai đoạn đất nước cực thịnh, nhiều oan khiên thời trước được cởi bỏ, điều này có liên quan đến thái độ đối với dân của Lê Thánh Tông.
 
Nhà yêu nước Phan Bội Châu, lãnh tụ của phong trào Đông Du những năm đầu thế kỉ XX đã viết: “Dân quyền được đề cao thì dân được tôn trọng, nước mạnh; dân quyền bị xem nhẹ thì dân bị coi khinh, nước yếu”; “Theo công pháp vạn quốc đã định, được gọi là một nước thì phải có Nhân dân, có đất đai, có chủ quyền. Thiếu một trong ba cái ấy đều không đủ tư cách làm một nước. Trong ba cái đó thì Nhân dân là quan trọng nhất” (Việt Nam quốc sử khảo).
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã có rất nhiều bài nói, bài viết toát lên tư tưởng bất hủ về dân, vị thế “làm dân, làm người”, về vai trò của dân và về trách nhiệm của nhà cầm quyền đối với người dân. Bác nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”; “Lòng dân là ý Trời”… Do đó, Người nhắc nhở phải yêu dân, đặt quyền lợi của dân lên trên hết, “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh (...). Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy”. Cả cuộc đời của Người “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đối với Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc là để cho dân có hạnh phúc và tự do, “nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
 
Vận dụng tư tưởng và bài học về “lấy dân làm gốc” của ông cha, trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chính Nhân dân và chỉ có Nhân dân mới là người hiện thực hóa được mục tiêu, lý tưởng mà Đảng đề ra. Không có Nhân dân sẽ không bao giờ có lực lượng cách mạng và phong trào cách mạng. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định lấy dân làm gốc là cơ sở cho việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tại Đại hội VI của Đảng, một trong bốn bài học lớn được Đảng rút ra là Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân lao động. Bài học này đã được quán triệt sâu sắc trong các kỳ Đại hội tiếp theo của Đảng. Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định quan điểm và bài học “lấy dân làm gốc”; có bước cụ thể hóa, hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” bằng việc phát huy vai trò giám sát, đánh giá của Nhân dân trong xây dựng Đảng, Nhà nước. 
 
Quán triệt đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc”, Đảng ta không chỉ ban hành nhiều nghị quyết, văn bản mang tính chiến lược liên quan đến công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc; tin tưởng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân… mà điều quan trọng hơn là đã có nhiều chính sách, việc làm đem lại cuộc sống cho Nhân dân ngày càng no đủ, hạnh phúc hơn. Qua đó, Đảng ta càng được Nhân dân tin tưởng, yêu quý, nghe theo sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội và đạt được thành tựu rất đáng tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh đa số cán bộ, đảng viên đều quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc” vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc bệnh quan liêu, xa dân; đặc biệt nạn tham nhũng, tiêu cực, thói hách dịch, phiền nhiễu Nhân dân, nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ làm cho dân mất niềm tin mà xa Đảng, xa cán bộ. Đến lúc đó, nguy cơ thật khôn lường, có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. 
 
Trong bối cảnh hiện nay, để có được lòng dân, giữ vững niềm tin yêu của dân đối với Đảng, đòi hỏi các tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị, cũng như mỗi cán bộ, đảng viên cần phải không chỉ sâu sát, hiểu dân, tin dân mà còn phải có lối sống trong sáng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thật sự là công bộc của dân, là chỗ dựa, là niềm tin yêu của Nhân dân. Phục vụ lợi ích của Nhân dân, giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa rời Nhân dân... Thực hiện tốt nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” gắn với tăng cường kỷ cương, pháp luật. Lấy Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích của Nhân dân. Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, thực sự gắn bó máu thịt với Nhân dân; Đảng, Nhà nước “lấy dân làm gốc”, lấy đời sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu… 
 
Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư (18/11) là dịp để ôn lại lịch sử tư tưởng “lấy dân làm gốc”, giúp chúng ta nhận thức và tin tưởng hơn về sức mạnh to lớn của Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; từ đó có nhiều việc làm thiết thực để “khoan sức dân”, củng cố niềm tin của dân đối với Đảng, chế độ và con đường đi lên CNXH của Việt Nam.
                                                                                                                                     
LINH NHÂN