Vị thế của văn hóa

05:11, 25/11/2021

Ngày 24/11/2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tại Hà Nội...

Ngày 24/11/2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tại Hà Nội. Đây là một sự kiện quan trọng và được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm trong việc đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới đất nước, cũng như kỳ vọng vào phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045...
 
Kinh tế, hẳn nhiên là trợ lực và chiếm vai trò quan trọng trong phát triển, nhưng dòng chảy văn hóa lại chiếm vai trò nền tảng của sự phát triển đó. Hoặc có thể hiểu theo một cách khác là quy định sự tiến bộ, nhân văn của quá trình phát triển đó, không loại trừ bất cứ một quốc gia nào trong dòng chảy của nó, trong đó còn bao hàm cả việc giữ gìn bẳn sắc như một đặc tính riêng của mỗi dân tộc.
 
Phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tiêu chí dân tộc, khoa học, đại chúng… là những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra tại diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất vào ngày 24/11/1946. Tại diễn văn này, Bác cũng đã nhấn mạnh vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ và đặt mối quan tâm sâu sắc đối với thiếu niên, nhi đồng như một sự kế thừa và phát triển của những thế hệ tiếp nối.
 
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” là điều đã được Bác Hồ khẳng định. Văn hóa không chỉ là văn hóa. Văn hóa không chỉ là chính trị mà văn hóa còn là chủ thể xây dựng lý tưởng tự chủ, độc lập của dân tộc, đồng thời cũng là trụ cột và nền tảng để xã hội phát triển, bao gồm cả việc nâng cao nhận thức và cả việc tự rèn, tự sửa mình và biết đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân…là những vấn đề mà mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sẽ tự lĩnh hội và điều chỉnh chính bản thân mình qua việc nhận thức của việc “soi đường” và điều đó vẫn luôn là giá trị mang tính thời đại.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh, suy thoái đạo đức, lối sống dẫn đến việc phai nhạt lý tưởng, tham nhũng, tham ô tiêu cực... Nguyên nhân sâu xa cũng bắt nguồn từ văn hóa. Bởi, nếu có văn hóa thì tại sao trong thời kỳ xây dựng đất nước, trong dịch bệnh khó khăn lại xuất hiện tiêu cực, tham nhũng được. Do đó, việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc cũng là dịp để chúng ta có thể nhìn nhận lại một cách sâu sắc những vấn đề này.
 
Đã 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất vào ngày 24/11/1946. Tại hội nghị lần này, rất nhiều vấn đề được đánh giá, nhìn nhận và phát huy để lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng khơi dậy nguồn sức mạnh nội sinh để đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã được thể hiện tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.
 
Hội nghị Văn hóa toàn quốc là nền tảng đưa nước ta mở ra một thời kỳ phát triển mới, với một ý chí độc lập tự cường của Nhân dân ta. Từ đó đưa ra các giải pháp phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Các văn kiện của Đại hội Đảng khóa XIII lần này đã dành sự quan tâm rất lớn đến văn hóa, kế thừa nhận thức có tính chiến lược coi văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Giá trị cốt lõi, đồng thời là nền tảng cũng như động lực của văn hóa trong sự phát triển tiếp tục được đặt ra tại hội nghị văn hóa toàn quốc lần này, với rất nhiều hệ quy chiếu. Và đó là điều đang được người dân quan tâm, kỳ vọng.
 
TS