Hồ Chí Minh - hành trình khát vọng

07:05, 15/05/2022
(LĐ online) - “Khát vọng chính là nguồn động lực có sức mạnh vô biên trong mỗi con người, được thể hiện qua những hoạt động không nghỉ ngơi để con người không bao giờ từ bỏ ước mơ, không bao giờ khuất phục trước hoàn cảnh”, với Chủ tịch Hồ Chí Minh “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” , “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó” . Có thể thấy rằng, Khát vọng về một dân tộc Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, Dân chủ, Phú Cường, Sánh vai với các cường quốc năm châu luôn thường trực trong trái tim, trong khối óc và chi phối mọi hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đây cũng chính là sự tiếp nối truyền thống khát vọng của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. 
 
Ngày 5 tháng 6 năm 1911 đã ghi dấu một mốc son đặc biệt quan trọng, không chỉ trong hoạt động cách mạng của Người, mà con đối với lịch sử của dân tộc Việt Nam, mở ra một hành trình khát vọng Hồ Chí Minh - Khát vọng của dân tộc và thời đại. 
 
Khát vọng Hồ Chí Minh được nung nấu và hun đúc từ thuở thiếu thời gắn với truyền thống văn hóa của quê hương, gia đình và thực tiễn của đất nước. Sinh ra và lớn lên tại Làng Hoàng Trù (nay thuộc xã Kim Liên, Nam Đàn, nghệ An) vùng quê còn in dấu những cuộc khởi nghĩa, những hình ảnh về thế hệ cha anh nối tiếp nhau đứng lên ngã xuống đã thấm dần trong tâm trí của Cậu bé Nguyễn Sinh Cung, đồng thời nơi đây được coi là “đất văn vật, chốn thi thư”, từ nhỏ Cậu đã sớm được hấp thụ những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương “những tinh hoa của sứ sở, những trăn trở của khổ đau, những ưu tư dào dạt, những mơ ước khát khao, những căm uất giận hờn, những quyết tâm sắt đá của bao kiếp sống, bao nỗi niềm quê hương đã được thể hiện trong văn học dân gian, văn học thành văn, nhất là trong cuộc sống mà dòng sông văn hóa đã mang theo…” . Lớn lên trong sự yêu thương, chăm sóc và giáo dục của gia đình với những tấm gương cao quý về phẩm chất đạo đức, lối sống tình nghĩa và đặc biệt là lòng yêu nước, thương dân từ chính người cha của mình cụ Nguyễn Sinh Sắc, đồng thời sớm được tận mắt chứng kiến sự thất bại của các con đường cứu nước của cha ông chống thực dân Pháp và cảnh lầm than cơ cực của nhân dân lao động, tất cả những yếu tố đó đã hình thành nên ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành một nhân cách giàu lòng yêu nước, có hoài bão cứu nước, nhân ái, thương người, nhất là  người nghèo khổ, thấu hiểu được sức mạnh của ý chí độc lập, tự cường của dân tộc”  và đó cũng chính là hành trang quan trọng đầu tiên cho một hành trình khát vọng của Hồ Chí Minh - Khát vọng dân tộc. 
 
•  KHÁT VỌNG VỀ MỘT CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC MỚI GIẢI PHÓNG DÂN TỘC
 
Ý chí độc lập cho dân tộc và khát vọng tự do cho Nhân dân là điểm xuất phát, là động lực lớn nhất dẫn đến quyết định mang tính lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh và của cả dân tộc Việt Nam, như Người đã khẳng định “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước pháp và các nước. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta” , “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái… và từ  thưở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy” . Ngày 5 tháng 6 năm 1911 Trên con tàu lênh đênh trên biển lớn, với một khát vọng mãnh liệt là tìm ra con đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc thoát khỏi ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc thực dân đã tạo động lực mãnh mẽ để người thanh niên yêu nước mới tròn 21 tuổi ấy dám đi tới những chân trời mới chỉ một thân một mình bằng 2 bàn tay trắng, làm đủ thứ nghề để kiếm sống, chăm chỉ học ngoại ngữ và thâm nhập vào thực tiễn.
 
Với khát vọng đòi quyền công lý, dân chủ, bình đẳng cho dân tộc, năm 1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc gửi Bản yêu sách của nhân dân An Nam tới Hội nghị Vécxây, đòi Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của Nhân dân Việt Nam. Bản yêu sách không chỉ là tiếng nói hào hùng riêng của dân tộc Việt Nam mà còn thể hiện khát vọng nồng nàn của tất cả các dân tộc bị áp bức. Tuy không được chấp thuận nhưng cái tên Nguyễn Ái Quốc thực sự tạo đã tạo ra cảm hứng lớn cho thanh niên yêu nước Việt nam lúc bấy giờ, đồng thời đã trở thành tâm điểm chú ý của chủ nghĩa đế quốc thực dân Pháp, những tên mật thám Pháp cũng đã bắt theo dõi, lo sợ, chính U-i Ác-nu, Trưởng Ban Đông Dương của Sở mật thám Pháp khẳng định trước các đồng sự trong Bộ Thuộc địa: “Thưa các ngài, các ngài hãy tin rằng chính anh thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này sẽ là người đặt cây thập tự cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”. 
 
Trải qua cuộc sống lao động, học tập, nghiên cứu lý luận và nhất là qua thực tiễn đấu tranh cách mạng phong phú ở nhiều nước đã làm giàu văn hóa, mở rộng tầm nhìn và nâng cao trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã nhận thấy vấn đề giải phóng dân tộc và con người không chỉ là nhu cầu cấp thiết của dân tộc Việt Nam mà là đòi hỏi của các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới. Tiếp thu thế giới quan, phương pháp luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, cùng với trí tuệ thiên tài, sự nhạy bén về chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của loài người và tính chất của thời đại mới, Người đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” ; sau này khi bồi hồi nhớ lại cảm xúc về sự kiện tháng 7 năm 1920, lần đầu tiên đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa – sự kiện  mang tính bước ngoặt trong hành trình 10 năm tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh, Người đã khẳng định: “Luận Cương của Lênin làm cho tôi rất đỗi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ và tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”. 
 
Tháng 12 năm 1920, tại Đại hội Tua của Đảng xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.  Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Hồ Chí Minh, bước ngoặt từ một người yêu nước trở thành chiến sĩ cộng sản. Từ đây với tư cách và vai trò mới, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực hoạt động chuẩn bị về mọi mặt về chính trị, tư tưởng, tổ chức chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Lần đầu tiên khát khát vọng giải phóng dân tộc của Người đã được định hình và đưa vào Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, trong đó khẳng định về mục tiêu và con đường cách mạng “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” ; “Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng. Làm cho nước An nam được độc lập” . Khát vọng Hồ Chí Minh từ nay cũng chính là khát vọng của Đảng, khát vọng của dân tộc Việt Nam. 
 
Hành trình khát vọng Hồ Chí Minh không phải con đường bằng phẳng mà đã phải trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ. Có giai đoạn đã bị tổ chức Quốc tế Cộng sản hiểu nhầm cho rằng Hồ Chí Minh là “hữu khuynh”, “dân tộc chủ nghĩa” do đó đã ra án nghị quyết “Thủ tiêu Chánh cương, Sách lược và Điều lệ Đảng”. Đồng thời kẻ thù cũng đã ráo riết truy lùng, ra án tử hình vắng mặt, 2 lần bị bắt bớ tù đầy (Từ năm 1931-1933 Nguyễn Ái Quốc bị thực dân Anh bắt và giam giữ tại ngục Victoria ở Hồng Kông Anh; từ năm 1942-2943, Hồ Chí Minh bị giải tới giải lui khắp 13 huyện và hơn 30 nhà giam của tỉnh Quảng Tây).  Nhưng càng trong những lúc khó khăn thử thách ấy, tinh thần yêu nước, ý chí và khát vọng của nhà cách mạng Hồ Chí Minh về một nền hòa bình lại càng mãnh liệt hơn bao giờ hết, điều đó được thể hiện rất rõ qua thơ, văn Hồ Chí Minh: “Thân thể ở trong lao, Tinh thần ở ngoài lao; Muốn nên sự nghiệp lớn, Tinh thần càng phải cao.” ; “Gạo đem vào giã bao đau đớn, Gạo giã xong rồi trắng tựa bông; Sống ở trên đời người cũng vậy, Gian nan rèn luyện mới thành công.” , cùng với đó là nỗi niềm canh cánh nhớ về Tổ quốc, ngày đêm trằn  trọc “không  ngủ được”:  “Một canh… hai canh… lại ba canh, Trằn trọc, băn khoăn giấc chẳng thành; Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt, sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” . 
 
Trải qua 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước với hành trình đầy gian truân, Hồ Chí Minh đã phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống, dẫu cuộc sống có khó khăn, thiếu thốn, cơ cực và đầy nguy nan nhưng đã không thể làm lung lạc và giảm sút ý chí của người thanh niên yêu nước đang mang trên mình nhiều hoài bão, khát vọng về một nền độc lập cho Tổ quốc. Chính điều đó đã tạo động lực mạnh mẽ để Hồ Chí Minh vượt qua qua tất cả, mong ngày được trở về Tổ quốc thực hiện sứ mệnh lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và Nhân dân thực hiện đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng soi đường của Chủ nghĩa Mác - Lênin.  
 
•  KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO!
 
Mùa xuân năm 1941, Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện khát vọng đấu tranh giải phóng, giành độc lập cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Tháng 5 năm 1941 Người đã trực tiếp chủ trì Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng và khẳng định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Người khẳng định rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc, bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng” . Năm 1945, khi nhận được tin Nhật sắp đầu hàng đồng minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho toàn Đảng: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù phải hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.  Khát vọng ấy đã truyền lửa tinh thần cho cả dân tộc phải tranh thủ nắm bắt thời cơ, kiên quyết đấu tranh giành độc lập dân tộc.
 
 Khi Cách mạng tháng Tám thành công, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, khẳng định trước quốc dân và đồng bào thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”   
                                    
Khi Thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lân nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nêu rõ quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, trong lời kêu gọi Toàn Quốc kháng chiến (19/12/1946) đã khẳng định: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
 
Khi đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom, bắn phá Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng... Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”  
 
Có thể khẳng định rằng, Không có gì quý hơn độc lập tự do!” – đó là lẽ sống của con người, là chân lý bất hủ của nhân loại, là KHÁT VỌNG là nguồn sức mạnh mà một dân tộc nhỏ yếu đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Đó đồng thời là nguồn động viên, thôi thúc các dân tộc thuộc địa đứng lên tự giải phóng trong thế kỷ XX. Chính bởi vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thế giới thừa nhận là “Người khởi xướng cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa”.
 
•  KHÁT VỌNG KIẾN THIẾT ĐẤT NƯỚC ĐEM LẠI HẠNH PHÚC CHO NHÂN DÂN
 
Trong tư duy biện chứng của Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc phải luôn gắn với tự do và hạnh phúc cho Nhân dân. Bởi như Người đã khẳng định, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”  và  “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” . Do đó, con đường phát triển đất nước sau khi giành độc lập dân tộc tất yếu phải tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là con đường duy nhất đúng và đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc thật sự cho Nhân dân Việt Nam. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội chính là nội dung cốt lõi trong tư tưởng của Hồ Chí Minh. 
 
Theo Người, “Chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân sung sướng, ấm no”, “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội” , “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân”. Để hiện thực hóa được mục tiêu đó, Hồ Chí Minh đã yêu cầu trong mọi đường lối của Đảng, chính sách của Chính phủ phải luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên hàng đầu, bởi “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”  , các cơ quan của Chính phủ: “Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó khăn đến mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của nhân dân… Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân phải được ta đặc biệt chú ý”. 
 
Ngay sau khi giành được chính quyền, Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chúng ta phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành”. Trong lời kết thúc buổi ra mắt Đảng lao động Việt Nam, cùng với các chính sách quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, v.v... để phát triển đất nước, Người cũng đã đúc kết lại khát vọng phát triển đất nước có thể gói gọn trong 8 chữ: “ĐỘC LẬP - THỐNG NHẤT- DÂN CHỦ - PHÚ CƯỜNG”. Sau năm 1954, khi Miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, Người đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “nâng dần mức sống của nhân dân, trước hết là công nhân, bộ đội và công chức, đồng thời giảm nhẹ dần sự đóng góp của nông dân". Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng Người cũng đã căn dặn “Đầu tiên là công việc đối với con người”  và yêu cầu “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, đồng thời đã khẳng định thêm một lần nữa khát vọng cháy bỏng của Hồ Chí Minh trong điều mong muốn cuối cùng của Người trong suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Như vậy, Chỉ bằng một câu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ, đầy đủ nhiệm vụ của Đảng, nhân dân ta và mục tiêu, đích đến của cách mạng Việt Nam: Hòa Bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ, Giàu mạnh.
 
•  TIẾP NỐI HÀNH TRÌNH KHÁT VỌNG HỒ CHÍ MINH
 
 “Hơn 60 năm qua từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng HỒ CHỦ TỊCH đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” . Có thể thấy rằng trong suốt hành trình khát vọng của Hồ Chí Minh, Người đã luôn lấy Nhân dân là mục tiêu, là động lực để hy sinh, phấn đấu trong suốt cả cuộc đời mình. Trước lúc đi xa, điều mà Người nuối tiếc nhất cũng là “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.  
 
Tiếp nối hành trình khát vọng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, tiếp tục “Khơi dây khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, thực hiện thành công  mục tiêu “phấn đấu giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa" . Để thực hiện thành công mục tiêu đó, cần tiếp tục kế thừa quan điểm của Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, luôn đặt con người vào vị trí trung tâm và là chủ thể phát triển, kiên quyết “không bỏ lại ai ở phía sau”, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid - 19 kéo dài nhằm tạo niềm tin, động lực để cả dân tộc vượt qua thử thách, thích ứng với tình hình để phát triển kinh tế, ổn định xã hội, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!
 
ThS. DƯƠNG THỊ HẬU
Khoa lý luận chính trị - Trường Đại học Đà Lạt

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (2021), Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh một hành trình vĩ đại, Nxb tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập I, II.

3. Võ Nguyên Giáp (2008), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 

4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, 4, 7, 9,12, 13, 15

5. Hồ Chí Minh (2016), Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1.

6. Mạch Quang Thắng (2010), Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Lao động.

7. Keith D. Harryell (2016), Thay đổi thái độ - Đổi cuộc đời, Nxb. Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh.