Góp ý dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

05:05, 13/05/2022
(LĐ online) - Chiều ngày 13/5, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Hội thảo dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Đào Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Bảo Việt Lâm Đồng. Cùng tham dự có ĐBQH K’Nhiễu, đại diện HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật, các sở ngành, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trên địa bàn tỉnh.
 
Chủ trì hội thảo
Chủ trì hội thảo
 
Dự thảo luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 07 chương - 154 điều, giảm 1 chương 3 điều so với dự án luật cũ. Đây là dự án Luật có chuyên môn sâu, phức tạp, do đó việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được Quốc Hội, ban soạn thảo tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; trên thực tế vẫn cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Luật cần điều chỉnh và quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm bào hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua hợp đồng.
 
Các đại biểu tham dự hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo
 
Về phạm vi điều chỉnh, Luật lần này quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.
 
Các đại biểu tham gia góp ý dự án luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Các đại biểu tham gia góp ý dự án luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
 
Tại hội thảo, đa số các đại biểu thống nhất việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung và ban hành luật mới nhằm phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội, về nhu càu mua bảo hiểm và quyền lợi thụ hưởng bảo hiểm.  
 
Các đại biểu tham dự góp ý trách  nhiệm, sôi nổi về  các vấn đề liên quan hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe (Mục 2, Chương II). Về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài (Chương III).  Về bảo hiểm vi mô trong Luật kinh doanh bảo hiểm (Chương IV).  Về đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm (Mục 1 Chương V).  Về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm...
 
Các đại biểu tham gia góp ý dự án luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Các đại biểu tham gia góp ý dự án luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
 
Có đại biểu góp ý: Đề nghị bổ sung đối tượng mà sản phẩm bảo hiểm có mục đích bảo vệ là cá nhân và tổ chức,  ngoài lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội đã được đề cập, do đó khoản 1 Điều 8 viết lại là:“Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích cá nhân, tổ chức, lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.” Về từ ngữ còn trùng lắp, nên điều chỉnh lại cho gọn hơn. Về các hành vi bị nghiêm cấm: Đại biểu góp ý có các doanh nghiệp giả mạo hồ sơ, tài liệu…nên chăng viết gọn lại. 
 
 
Ý kiến đại diện LĐLĐ tỉnh - thành viên Tổ Tư vấn đề nghị: thêm 01 khoản các loại hình bảo hiểm khác nữa cho phù hợp xu thế chung của thế giới, chúng tôi góp ý đã được ban soạn thảo tiếp thu. Đề nghị đưa vào luật “công ty bảo hiểm” khi  bồi thường cho khách hàng phải được bồi thường một cách kịp thời và nhanh chóng, trên thực tế việc chậm trễ của một số đơn vị doanh nghiệp kinh  doanh bảo hiểm đã tạo tâm lý không tốt cho người chuẩn bị tham gia bảo hiểm. Xây dựng luật cần lưu ý hướng tới việc thu hẹp khoảng cách giữa người bán bảo hiểm và người mua bảo hiểm. Khoản 3 Điều 19 dự thảo quy định không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm, bảo hiểm trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến bên mua bảo hiểm chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm… Như vậy nếu không có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà chậm thông báo sự kiện bảo hiểm xảy ra sẽ bị áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Thời gian chậm với quy định mốc thời gian như thế nào? Nếu có chậm nhưng ở mốc thời gian vẫn còn thời hạn kể cả đươc gia hạn thì giải quyết như thế nào cần phải quy định rõ trong Luật. Cần có chính sách bảo hiểm mang tầm chiến lược đưa vào luật để lĩnh vực bảo hiểm thực sự có ý nghĩa với người dân và luật đi vào cuộc sống. Cần quy định chặt chẽ để bảo vệ cho bằng được người mua bảo hiểm - đây là quyền lợi sát sườn với người mua bảo hiểm. Nên quy định thêm “đại lý bảo hiểm” cần quy định cụ thể chi tiết hơn…
 
Các ý kiến góp ý sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, tổng hợp, báo cáo tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5/2022.
 
NGUYỆT THU