Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân khi thực hiện "Thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam"

07:06, 03/06/2022
(LĐ online) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, ngày 3/6, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đọc Tờ trình của CP về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Dự án Luật Dầu khí sửa đổi. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam…
 
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng tham gia góp ý thảo luận vể dự thảo nghị quyết “Thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam”
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng tham gia góp ý thảo luận vể dự thảo nghị quyết “Thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam”
 
Các đại biểu cơ bản thống nhất: chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay trong xử lý người phạm tội nói chung, trong công tác thi hành án phạt tù nói riêng là nhằm giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Do đặc thù các trại giam đóng quân tại địa bàn xa, giao thông đi lại khó khăn nên việc mời gọi hợp tác này gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Việc làm cho phạm nhân trong các trại giam hiện nay chủ yếu là các ngành nghề đơn giản, thời gian hợp tác thường ngắn hạn, mang tính thời vụ, ít có khả năng hình thành kỹ năng nghề lao động, khó đáp ứng yêu cầu, trình độ của thị trường lao động ngoài xã hội nên giảm hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng. Công tác giáo dục cải tạo, lao động, dạy nghề đối với phạm nhân nhằm chuẩn bị cho phạm nhân về tâm lý, kỹ năng, thái độ để chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân. Từ những lý do nêu trên, Chính phủ nhận thấy việc đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết. 
 
Thảo luận về dự thảo nghị quyết “Thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam” Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm  Đồng góp ý:  Trước tiên, tôi cơ bản tán thành với việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Việc ban hành Nghị quyết này ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân thể hiện tính nhân đạo của nhà nước Việt Nam; Qua khảo sát 1.700 phạm nhân cho thấy 70% phạm nhân rất phấn khởi và  tán thành, dạy nghề - học nghề đây là nhu cầu cần thiết, tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống sau khi chấp hành xong án phạt tù. Đây là quan hệ xã hội đặc thù, cần có phương án chặt chẽ. Các phạm nhân sẽ được rèn luyện tính kỷ luật, nêu cao trách nhiệm xã hội, đồng thời, việc tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam để giúp phạm nhân thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội. Qua đó, thấy rõ hiệu quả đầu tư, không tăng chi phí, giảm một phần gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tăng thu nhập cho phạm nhân. Khu dạy nghề nên tách biệt với khu dân cư, có chính sách cụ thể để đầu tư trang thiết bị cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp hơn. Đề nghị trong những trường hợp không đưa đi đào tạo nghề thì điểm d khoản 4, điểm h khoản 4 điều 1, đề nghị ban soạn thảo nên quan tâm độ tuổi lao động và về giới nam nữ theo quy định của luật lao động. Tại điểm k khoản 4 Điều 1 Nghị quyết cũng có ý kiến băn khoăn đối với trường hợp phạm nhân cải tạo rất tốt nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ dân sự đầy đủ do hoàn cảnh khó khăn, bị xếp loại “Trung bình” hoặc “Kém” thì không có cơ hội tham gia lao động bên ngoài trại giam. Đề nghị Chính phủ quy định chi tiết khoản này. Khi không lao động sản xuất phạm nhân sẽ không có thu nhập để khắc phục trách nhiệm dân sự trong bản án. 
 
Các tổ chức, cá nhân khi hợp tác với trại giam phải tự bỏ chi phí lớn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức lao động cho phạm nhân và các công trình phục vụ cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm an ninh, an toàn theo yêu cầu của trại giam; trong khi đó, việc đào tạo nghề cho phạm nhân chủ yếu là các ngành nghề giản đơn. Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân khi thực hiện thí điểm mô hình trên…Đề nghị nên bổ sung trong dự thảo nghị quyết về bổ sung biên chế cho Công an, Viện kiểm sát nhân dân và trang thiết bị để đưa nạn nhân từ trại giam ra khu học nghề, sản xuất. 
 
NGUYỆT THU