Học tập và làm theo phong cách làm báo của Bác

05:06, 16/06/2022
Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), những người làm báo Lâm Đồng cùng với những đồng nghiệp cả nước vui mừng, phấn khởi, tự hào được chứng kiến, đồng hành, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ, ngày càng bền vững trên các lĩnh vực của quê hương, đất nước, trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện khát vọng phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc... 
 
Hiện nay, những người làm báo, mỗi cơ quan báo chí cũng đứng trước những yêu cầu, thử thách rất lớn khi với tác động của Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ 4, sự phát triển của công nghệ truyền thông... các loại hình báo chí, nhất là báo điện tử, báo mạng nở rộ... đã làm thay đổi sâu sắc từ phương thức tác nghiệp, quy trình xuất bản, hình thức tờ báo... cho đến phương thức phát hành... Nhưng cũng chính trong lúc này, những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người không chỉ sáng lập và lãnh đạo Đảng ta, Nhà nước ta, mà còn là người sáng lập và chỉ đạo nền báo chí cách mạng Việt Nam càng sáng ngời. Trong đó, tư tưởng báo chí của Người là: Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào? - luôn là kim chỉ nam cho ý thức và hành động của những người làm báo cách mạng Việt Nam.
 
Phát biểu tại Đại hội lần thứ 2 Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1959, Bác căn dặn các nhà báo: Trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết cần tự mình thật sáng tỏ, ta “Viết cho ai?, Viết để làm gì? Viết như thế nào? Và Bác cũng đưa ra cách giải quyết cặn kẽ, phù hợp các vấn đề đó.
 
Trước hết, là vấn đề Viết cho ai? Viết để làm gì? Trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Bác căn dặn: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”. Theo Bác: “Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ cho Nhân dân. Mục đích của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hoà bình thế giới. Mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ… nên có đặc điểm riêng của nó. Bác khẳng định: “Báo chí là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức, lãnh đạo…”, “Báo chí là vũ khí sắc bén, nhanh nhạy, đại chúng, phục vụ kịp thời…”. Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, nhà báo Hồ Chí Minh làm báo, viết báo để phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân loại. Trong cuộc đấu tranh đó, có đấu tranh chống cái xấu, cái sai ở mỗi con người, ở trong Đảng, trong tổ chức, trong đời sống xã hội, để xây dựng cái đúng, cái tiến bộ; biểu dương người tốt, việc tốt. Người sử dụng báo chí làm công cụ giác ngộ và thức tỉnh tính nhân văn, giai cấp, tính xã hội chủ nghĩa. 
 
Để tỏ tường, trả lời đầy đủ và làm đúng câu hỏi “Viết cho ai, viết để làm gì” cần phải có những điều kiện gì? Bác Hồ đã chỉ rõ: “Báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”, “Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”. Đường lối chính trị đúng là ngọn đuốc soi sáng cho báo chí cách mạng thực hiện được sứ mệnh cao cả của mình. Không thể có báo chí đứng ngoài chính trị, phi chính trị. Đường lối chính trị đúng là điểm gốc của mọi hoạt động của báo chí cách mạng. Đối với mỗi nhà báo cách mạng không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng mà còn phải có đạo đức tốt và trong sáng. 
 
Thực tế hiện nay, dù cách thức làm báo có thể khác so với trước đây nhưng đạo đức, lý tưởng làm báo cách mạng vẫn không thay đổi. Báo chí phải luôn khách quan, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, công bằng và cân bằng, báo chí phải vì lợi ích của cộng đồng, của đất nước và Nhân dân. Đó chính là lý tưởng cao cả của người làm báo cách mạng Việt Nam.
 
Viết như nào? Sinh thời, đối với đồng bào, chiến sĩ ta, Bác viết thật giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Bác dặn: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”. Bác căn dặn: “Nói những điều thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”. Và Bác khuyên, “… mỗi câu, mỗi chữ phải có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải rỗng tuếch”. Để làm được điều này, mỗi nhà báo cần phải tích cực, tự giác học tập, rèn luyện, kiên trì, bản lĩnh và đặc biệt phải tâm huyết với nghề, tận tâm với công việc, người viết phải “lao tâm, khổ tứ” với chủ đề mình định viết.
 
Và, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã cho thấy bên cạnh những lợi ích của mạng xã hội trong việc kết nối các cá nhân và phổ biến thông tin thì ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, trở thành nơi phát tán tin giả, tin thất thiệt, làm suy giảm niềm tin của công chúng với truyền thông nói chung. Nhưng chính trong lúc này, báo chí chính thống, nhất là những cơ quan báo chí, những người làm báo xác định đúng mục đích, nhiệm vụ “Viết cho ai, viết để làm gì” càng khẳng định vị trí quan trọng của mình, bám sát những giá trị cốt lõi thông qua việc cung cấp các tin - bài phản biện kịp thời với các ý kiến trung thực, thông tin chính xác và đa chiều, góp phần đắc lực vào thành quả vừa kiểm soát và khống chế hiệu quả đại dịch vừa bảo vệ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội.
 
Thực hiện lời dạy của Bác trong nghề báo hôm nay, trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt là sự phát triển của khoa học - công nghệ, trình độ dân trí cao hơn nhiều so với trước; mỗi tòa soạn và mỗi người làm báo cần chủ động tiếp cận và sử dụng hiệu quả công nghệ truyền thông vào tác nghiệp báo chí, từ khâu thu thập thông tin, sản xuất nội dung cho đến việc phát hành nội dung trên các nền tảng khác nhau, thay đổi mạnh mẽ các hình thức truyền thông cũ bằng những hình thức truyền thông mới. Đồng thời, phát huy tối đa thế mạnh của báo chí là khả năng kiểm chứng, kiểm định thông tin đa chiều, tin cậy với những nội dung chuyên sâu phát huy tiềm năng, năng lực, sở trường của những nhà báo chuyên nghiệp.
 
Phải khẳng định rằng, tư tưởng và phương pháp làm báo, viết báo của Bác luôn thời sự, hiện đại, tiến bộ, phù hợp với phong trào báo chí cách mạng, báo chí trên thế giới hiện nay.
 
TRỌNG NHÂN