Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S làm việc tại Lạc Dương

08:06, 07/06/2022
(LĐ online) - Chiều 7/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng; đồng thời, làm việc về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tình hình quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Lạc Dương.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S kiểm tra 1 trong hàng chục cây thông bị ken gốc, đổ thuốc chết khô tại Tiểu khu 156, xã Đạ Nhim
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S kiểm tra 1 trong hàng chục cây thông bị ken gốc, đổ thuốc chết khô tại Tiểu khu 156, xã Đạ Nhim
 
Tham dự đoàn công tác của tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công thương và Công an tỉnh. Về phía huyện Lạc Dương có lãnh đạo UBND huyện, các cán bộ phòng, ban chuyên môn cùng đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện.
 
Tại Tiểu khu 118 (xã Đạ Sar), khu vực rừng giáp ranh với khu vực đất nông nghiệp huyện Lạc Dương cấp cho bà con tại địa phương canh tác cà phê, ông Phạm S đã kiểm tra một số vụ trí thường xuyên xảy ra hoạt động xâm lấn. Đoàn công tác cũng ghi nhận khu vực giáp ranh nhiều cây thông bị ken thuốc trừ sâu, chết khô; đồng thời, một số cọc bê tông được cắm phân ranh giới trái phép lấn qua đất rừng.
 
Cách đó không xa, tại Tiểu khu 119, khu vực đất lâm nghiệp do Công ty TNHH Thành Nam thuê đất thực hiện dự án, ngay sát khu vực đường đất lớn nhưng xuất hiện hàng trăm cọc gỗ được các đối tượng đào, đóng phân lô trái phép trên đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều vị trí xuất hiện hiện tượng ken gốc, đổ thuốc đầu độc thông rừng với mục đích lấn chiếm đất ngay trong khu vực doanh nghiệp thuê đất. 
 
Còn tại Tiểu khu 156 thuộc địa bàn xã Đạ Nhim, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra một số vị trí đất không nằm trong quy hoạch 3 loại rừng nhưng thuộc quản lý của UBND xã Đạ Sar. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra, xuất hiện nhiều người dân cuốc đất sát mép đất rừng, trồng cây cà phê, mai anh đào trên đất. 
 
Ngay tại hiện trường các vị trí đi kiểm tra rừng đột xuất chiều nay, đồng chí Phạm S đánh giá nơi nào có đất nông nghiệp giáp đất rừng thì ít nhiều đều bị lấn chiếm, tỷ lệ thông rừng thưa thớt thấy rõ. Do đó, ông yêu cầu lãnh đạo huyện Lạc Dương, các đơn vị cần nhanh chóng trồng rừng tại các vị trí giải toả. Khẩn trương giải toả cây nông nghiệp, đóng cọc phân lô trên đất rừng; đồng thời, làm việc với doanh nghiệp thuê đất để phối hợp xử lý vụ việc.
 
Sau khi kiểm tra công tác bảo vệ rừng tại xã Đạ Sar và Đa Nhim, đoàn công tác của UBND tỉnh đã làm việc với UBND huyện Lạc Dương về các nội dung liên quan tới tiến độ đầu tư công, công tác bảo vệ rừng và khai thác khoáng sản tại Lạc Dương trong 6 tháng đầu năm.
 
Làm việc với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Lê Chí Quang Minh thông tin: Trong năm 2022 tổng vốn xây dựng cơ bản của Lạc Dương được phân bổ trên 160 tỷ đồng với 27 công trình chuyển tiếp và 11 công trình khởi công mới năm 2022. Đến nay, các dự án, công trình đã giải ngân đạt gần 33% kế hoạch vốn phân bổ; trong đó, chuyển tiếp giải ngân trên 25%, khởi công mới giải ngân trên 55%. 
 
Lãnh đạo Công an tỉnh góp ý công tác đấu tranh tội phạm phá rừng, ken cây, lấn chiếm đất
Lãnh đạo Công an tỉnh góp ý công tác đấu tranh tội phạm phá rừng, ken cây, lấn chiếm đất
 
Theo đánh giá của huyện Lạc Dương, công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm. Nguyên nhân do hiện nay vào mùa mưa, giá vật liệu tăng cao, giải phóng mặt bằng gặp một số vướng mắc… đã làm chậm tiến độ thi công các công trình.
 
Trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn đã xảy ra 31 vụ vi phạm, thiệt hại 8,9 ha rừng và gần 300 m3 gỗ tròn. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ vi phạm tăng 8 vụ, diện tích rừng thiệt hại tăng trên 6 ha, lâm sản thiệt hại giảm 45%. Trong đó, số vụ xác định được đối tượng là 26/31 vụ, chiếm tỷ lệ 83,87%. 
 
Về công tác giải toả lấn chiếm đất rừng trái phép, các đơn vị, địa phương thuộc huyện đã cưỡng chế, giải toả 34,3 ha và tiến hành phục hồi, trồng rừng trên diện tích trên;…
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Lê Chí Quang Minh báo cáo các nội dung với đoàn công tác
Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Lê Chí Quang Minh báo cáo các nội dung với đoàn công tác
 
Về tình hình quản lý khai thác khoáng sản, trên địa bàn huyện có 12 tổ chức, cá nhân được khai thác, thu hồi khoáng sản. Từ đầu năm tới nay, các đơn vị xử phạt 2 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép với số tiền xử phạt trên 400 triệu đồng, 1 trường hợp đang củng cố hồ sơ xử lý. Ngoài ra, huyện Lạc Dương tổ chức 7 đợt giải toả các hầm khai thác thiếc lậu tại nhiều tiểu khu trên xã Đạ Nhim, tiêu huỷ khối lượng lớn vật dụng, máy móc của các đối tượng.
 
Sau khi nghe lãnh đạo các sở, ngành đóng góp ý kiến tới UBND huyện Lạc Dương trong 3 lĩnh vực đầu tư công, công tác quản lý bảo vệ rừng và khai thác khoáng sản, kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đánh giá: Nhìn chung các lĩnh vực được kiểm tra trên địa bàn huyện Lạc Dương hiện đảm bảo theo kế hoạch. Trong đó, lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công Lạc Dương triển khai tốt, khối lượng vật tư nghiệm thu, hoàn thành cao hơn nhiều địa phương trong tỉnh. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu kết luận buổi làm việc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu kết luận buổi làm việc
 
Tuy nhiên, một số công trình, dự án Lạc Dương vẫn còn vướng mắc, tốc độ thi công còn chậm, trong khi những công trình chuyển tiếp giải ngân không cao. Trong thời gian tới, các đơn vị cần phát huy những thuận lợi đẩy nhanh tiến độ; đồng thời, bám sát thực hiện từng dự án, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh với 2 mốc thời gian, chỉ tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (ngày 30/6 và 31/12) để tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành.
 
Trong công tác bảo vệ rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định qua báo cáo và thực tế kiểm tra sơ bộ vẫn còn phức tạp, còn nhiều tồn tại cần phải tháo gỡ. Số vụ vi phạm, diện tích rừng thiệt hại tăng, phức tạp hơn cùng kỳ năm 2021. Chính vì vậy, các đơn vị huyện Lạc Dương cần tập trung tăng cường công tác phát hiện, xử lý, đẩy lùi nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng quyết liệt hơn nữa. Cần nhanh chóng làm việc với 38 các doanh nghiệp triển khai các dự án thuê đất rừng để kiểm tra, rà soát các diện tích lấn chiếm, xâm lấn, để giải toả, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Trường hợp các doanh nghiệp để ra quá nhiều vụ việc lấn chiếm, mất đất rừng thì xem xét đề xuất các cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định pháp luật. 
 
Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương trao đổi với ông Phạm S các vị trí đất rừng bị lấn chiếm qua bản đồ trên điện thoại
Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương trao đổi với đồng chí Phạm S các vị trí đất rừng bị lấn chiếm qua bản đồ trên điện thoại
 
Bên cạnh đó, công việc trong tâm thời gian tới là khẩn trương triển khai kỹ lưỡng Quyết định số 2016 và 503 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu lên một số bất cập trong công tác quản lý khai thác khoáng sản, thất thoát thuế từ hoạt động khai thác cát, một số phát hiện vi phạm lĩnh vực này nhưng công tác xử lý chưa dứt điểm. Đặc biệt là việc giám sát, xử lý khai thác thiếc trái phép trên địa bàn huyện Lạc Dương chưa có chuyển biến tích cực.
 
C.THÀNH