Sớm hoàn thành điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản

04:06, 02/06/2022
Một trong những nội dung quan trọng được Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt lên hàng đầu là công tác điều tra cơ bản địa chất khoáng sản. Theo nghị quyết, tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; được quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản phải đi trước một bước, làm cơ sở xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Nhìn lại trong những năm qua, mặc dù được quan tâm nhưng công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản nhìn chung còn chậm. Đến nay, mới hoàn thành công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 cho hơn 26.240 km 2 (bao gồm cả diện tích lập bản đồ địa chất khu vực điều tra đánh giá tổng thể tài nguyên quặng bauxit Tây Nguyên tỷ lệ 1:50.000), đưa tổng diện tích đã lập bản đồ địa chất và đánh giá khoáng sản tỷ lệ 1: 50.000 phần đất liền lãnh thổ Việt Nam đạt 70%. Công tác điều tra địa chất, khoáng sản biển tỷ lệ 1/500.000 mới đạt khoảng 40% tổng diện tích vùng biển Việt Nam. 
 
Trong khi đó, trung bình mỗi năm ngành Công nghiệp khai khoáng nước ta cung cấp cho nền kinh tế khoảng 90 triệu tấn đá vôi xi măng, khoảng 70 triệu m 3 đá vật liệu xây dựng thông thường, gần 100 triệu m3 cát xây dựng, cát san lấp, trên 45 triệu tấn than, trên 3 triệu tấn quặng sắt... Giá trị sản lượng ngành Khai khoáng (không kể dầu khí) chiếm khoảng 4-5% tổng GDP hàng năm; đóng góp trực tiếp cho ngân sách từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường (không kể dầu khí) mỗi năm hơn 20.000 tỷ đồng. Hiện, nước ta đã đánh giá tổng thể tiềm năng một số loại khoáng sản có tiềm năng lớn như quặng bauxit, sắt laterit ở Tây Nguyên; than nâu đồng bằng sông Hồng cùng với những nghiên cứu, xác lập các thông số kỹ thuật để áp dụng công nghệ khí hóa than trong tương lai; urani tại một số khu vực và phần dưới sâu bồn trũng Nông Sơn tại tỉnh Quảng Nam; chì, kẽm ở phần sâu tại các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang; quặng đồng trên mặt và ẩn sâu khu vực Kon Rá, tỉnh Kon Tum, v.v. Hiện đang đánh giá các khoáng sản đá hoa trắng ở Bắc Bộ; cát thủy tinh ven biển Trung Bộ; quặng wolfram (sheelit) trên mặt và ẩn sâu ở đới Sông Chảy, tỉnh Hà Giang và tỉnh Sơn La, Lào Cai. Kết quả của công tác điều tra cơ bản về khoáng sản đã phát hiện và xác định tài nguyên của nhiều diện tích có quy mô về tài nguyên, trữ lượng chuyển giao quản lý hoạt động khoáng sản để đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.
 
Tuy nhiên, chính vì công tác điều tra địa chất, khoáng sản quá chậm nên ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý. Việc khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ở nhiều nơi, gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản và số thu ngân sách Nhà nước. Tại Lâm Đồng, trong 2 năm gần đây, tình trạng khai thác khoáng sản không phép, trái phép gồm cát, đá chẻ, đất san lấp và vàng sa khoáng bùng phát tại nhiều địa phương như các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm... Việc khai thác đá xây dựng; cát… có nguy cơ gây sạt lở đất, làm thay đổi dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước. Mặc dù UBND tỉnh; các địa phương đã thắt chặt quản lý, chấn chỉnh nhưng mức độ chuyển biến chưa nhiều. Một trong những nguyên nhân là điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản còn chưa theo kịp, dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, tạo kẽ hở cho các hoạt động khai thác không phép, trái phép. 
 
Nghị quyết số 10 cũng đã chỉ rõ: công tác điều tra cơ bản địa chất chưa được quan tâm đúng mức. Chủ trương, chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản chưa đầy đủ; thông tin, dữ liệu còn phân tán, sử dụng chưa hiệu quả. Công tác quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết. Nguồn ngân sách thu từ khoáng sản chưa được quan tâm đầu tư trở lại để phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực cho địa phương nơi khai thác khoáng sản; các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chưa chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ để sử dụng tối đa giá trị khoáng sản, bảo vệ môi trường. 
 
Vì thế, các mục tiêu cụ thể để quản lý tài nguyên khoáng sản đã được định rõ. Theo đó, phấn đấu đến đến năm 2025, lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đạt 80% diện tích đất liền. Hoàn thành điều tra, đánh giá khoáng sản tại các khu vực có triển vọng ở Tây Bắc và Trung Trung Bộ; điều tra địa chất, khoáng sản biển tỷ lệ 1:500.000 tại một số khu vực đến độ sâu 300 và 1.500 mét nước. Thăm dò, khai thác, chế biến một số khoáng sản đạt trình độ khu vực, tiệm cận trình độ thế giới. Đến năm 2030, lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đạt 85% diện tích phần đất liền. Hoàn thành điều tra, đánh giá khoáng sản năng lượng, kim loại tại các khu vực có triển vọng ở Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ; điều tra tai biến trượt lở, lũ quét tại các tỉnh miền núi có nguy cơ cao; điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ; khoanh định các cấu trúc địa chất sâu thuận lợi để hướng tới ứng dụng công nghệ chôn lấp các-bon và các chất độc hại khác. Hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia. Thăm dò, khai thác, chế biến đối với hầu hết các khoáng sản đạt trình độ khu vực, tiệm cận trình độ thế giới. Đến năm 2045, hoàn thành 100% việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đối với diện tích đất liền và tỉ lệ 1:500.000 trên biển. Hoàn thành công tác điều tra cơ bản đối với các tài nguyên địa chất khác. Hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực châu Á.
 
Như vậy, nghị quyết của Bộ Chính trị đã chỉ rõ; các mục tiêu, nhiệm vụ cũng rất cụ thể. Việc còn lại là tinh thần hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương, trong đó có tỉnh Lâm Đồng để lập lại trật tự và khai thác, sử dụng an toàn, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
 
HÀ XUÂN