Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cải cách hành chính (bài cuối)

05:06, 17/06/2022
[links()]
 
Bài cuối: Giải pháp để thúc đẩy cải cách hành chính tại Lâm Đồng 
 
Nhiều giải pháp đã được Tỉnh ủy đưa ra tại Nghị quyết số 14 vừa được ban hành cuối tháng 5/2022 nhằm thúc đẩy công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh đến sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. 
 
Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa UBND huyện Đơn Dương
Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa UBND huyện Đơn Dương
 
•  LIÊN THÔNG CCHC GIỮA CÁC CƠ QUAN 
 
Trước nhất, Tỉnh ủy yêu cầu cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền trong thực hiện CCHC; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, gắn với thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người dân, doanh nghiệp về công tác CCHC hiện nay; chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện công tác CCHC tại cơ quan, địa phương, đơn vị mình theo từng giai đoạn và định kỳ hằng năm; công khai, minh bạch về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của các sở, ngành, địa phương, đơn vị; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, nâng cao hiệu quả thực hiện công tác CCHC.
 
Đồng thời, cần đổi mới công tác tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và phân cấp quản lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động, công tác của các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; tạo sự đổi mới đồng bộ trong hệ thống chính trị, thống nhất liên thông giữa CCHC của cơ quan nhà nước với CCHC của các cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
 
•  VÌ DÂN PHỤC VỤ 
 
Trong quá trình triển khai thực hiện, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, đảm bảo 100% văn bản được ban hành đúng quy định, được tổ chức thi hành nghiêm minh, hiệu quả; bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách quan trọng của địa phương và phát huy quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động cơ quan hành chính nhà nước.
 
Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, đặc biệt là những cơ chế, chính sách mang tính chất đặc thù của địa phương để hỗ trợ, tạo điều kiện khai thông nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tiềm năng; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia cung ứng dịch vụ trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.
 
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và thực hiện các quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, trọng tâm là TTHC thuộc các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, đầu tư, quản lý, bảo vệ rừng, thuế... Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa TTHC; đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC; nâng cao tinh thần, trách nhiệm, ý thức, thái độ, tuân thủ luật pháp, hình thành cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với đội ngũ trực tiếp giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp, nhất là đội ngũ CBCCVC cấp phòng thuộc sở, các phòng, ban thuộc cấp huyện và ở cấp xã.
 
Hoàn thành đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC đối với toàn bộ các dịch vụ hành chính công của tỉnh; nghiên cứu, triển khai các dịch vụ hành chính ngoài công lập để hỗ trợ các dịch vụ hành chính công nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
 
•  NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM TRONG THỰC THI CÔNG VỤ 
 
Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế theo chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường phân công, phân cấp trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan thuộc ngành dọc và cơ quan chuyên môn của UBND trong giải quyết TTHC; rà soát, đơn giản hóa quy trình liên thông giải quyết công việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và nội bộ của từng cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo hướng minh bạch, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ. 
 
Sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương.
 
Thực hiện nghiêm quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm xây dựng đội ngũ CBCCVC có đủ năng lực, phẩm chất, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển chung trong giai đoạn mới. Mặt khác, tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, tuyển dụng, đánh giá CBCCVC; xây dựng chương trình đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC hàng năm cần gắn với vị trí việc làm; chú ý tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho CBCCVC về thực hiện CCHC; trong đánh giá, xếp loại người đứng đầu và CBCCVC cần gắn với kết quả thực hiện CCHC.
 
Nâng cao chất lượng trong xây dựng, ban hành các quy chế nội bộ của từng cơ quan, đơn vị để quản lý tốt CBCCVC; chú ý tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhất là việc kiểm tra chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện CCHC; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân gây phiền hà, khó khăn, sách nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp.
 
•  HIỆN ĐẠI HÓA NỀN HÀNH CHÍNH 
 
Đầu tiên là việc chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, biểu mẫu, chế độ báo cáo; tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp. Thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ quan nhà nước theo quy định; thực hiện tốt việc sử dụng chữ ký số, định danh số, chuyển đổi số trong xử lý văn bản hành chính, cắt giảm giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ; phát triển, tích hợp các ứng dụng thanh toán điện tử, đa dạng hóa các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để phổ cập, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán điện tử một cách rộng rãi tới tất cả người dân.
 
Trong thời gian đến, Lâm Đồng cũng cần chú ý triển khai hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương và tỉnh về phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số; hoàn thiện nền tảng cơ bản xây dựng chính quyền điện tử theo kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Lâm Đồng phiên bản 2.0; hình thành nền tảng dữ liệu phục vụ công dân, doanh nghiệp, nâng cao tương tác giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp; bảo đảm an toàn thông tin mạng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
 
•  ĐA DẠNG HÓA CÁC KÊNH GIAO TIẾP VỚI CHÍNH QUYỀN
 
Chú ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến người dân, doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là vùng sâu vùng xa; cung cấp đa đạng các kênh giao tiếp, giúp người dân, doanh nghiệp lựa chọn hình thức xử lý dịch vụ công phù hợp nhất. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, lấy kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến làm tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm của các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan và đơn vị liên quan.
 
Hoàn thiện cổng dịch vụ công của tỉnh theo hướng cung cấp dịch vụ số, kết nối, tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia, cổng thanh toán trực tuyến quốc gia; cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công trên nhiều kênh truy cập, nhất là trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất. Triển khai cung cấp và dùng lại kết quả hồ sơ, TTHC điện tử, sử dụng dữ liệu số để thay thế một số thành phần hồ sơ, TTHC, cắt giảm TTHC; rà soát, đề xuất bổ sung, mở rộng danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; xây dựng kho lưu trữ dữ liệu điện tử của công dân khi thực hiện các giao dịch trực tuyến với cơ quan nhà nước trên cổng dịch vụ công.
 
Bên cạnh đó, tích cực tham gia nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; từng bước đổi mới cơ chế quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước trên địa bàn; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý về nợ công, về sử dụng vốn vay, cho vay lại tại địa phương và sử dụng ngân sách tỉnh. Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đổi mới cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật; nghiên cứu triển khai cơ chế phí sang cơ chế giá ở các đơn vị sự nghiệp công lập.
 
TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT
 
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy các cấp, bí thư cấp ủy tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện CCHC; định kỳ xem xét, cho ý kiến đối với việc thực hiện CCHC của địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm CCHC đi đúng hướng, trọng tâm, hiệu quả.
 
Chủ tịch UBND các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện CCHC của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Hằng năm, phân tích, đánh giá đầy đủ các nội dung Chỉ số CCHC, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số sẵn sàng và ứng dụng công nghệ thông tin, đề ra giải pháp phù hợp để duy trì, cải thiện các chỉ số.
 
HĐND các cấp tăng cường vai trò quyết định, giám sát về thu, chi ngân sách nhà nước; các quy định về đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách; đổi mới cơ chế tự chủ tài chính tại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; công tác xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, môi trường, khoa học và công nghệ; cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
 
Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội; đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; huy động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp vào công tác CCHC của tỉnh. 
 
GIA KHÁNH