Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4

07:06, 27/06/2022
Lâm Đồng đang tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và thực hiện đồng bộ 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và các nhiệm vụ thường xuyên đã nêu trong Kế hoạch số 33, ngày 25/2/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 21, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Đây thực sự là chiếc gương soi để những vấn đề còn tồn tại ở các địa phương được khắc phục.
 
Học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân thông qua các hội thi
Học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân thông qua các hội thi
 
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu lý luận, so với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21 đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. 
 
Nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung, nhiệm vụ theo Kết luận số 21 và Kế hoạch số 03 của Bộ Chính trị vào điều kiện thực tiễn của tỉnh; Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong triển khai thực hiện quyết liệt, toàn diện, thường xuyên, hiệu quả để cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị, gương mẫu trong tổ chức thực hiện, tạo bước chuyển biến rõ rệt, hiệu quả, thiết thực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
 
Theo đó, toàn hệ thống chính trị của tỉnh Lâm Đồng từ tỉnh xuống các huyện, thành phố hiện đang ra sức tập trung đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Đặc biệt, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp; thực hiện nghiêm các quy định nêu gương của Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu.
 
Ban Tổ chức Tỉnh ủy đang tập trung tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó lưu ý phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, quán triệt sâu sắc vai trò của công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", có ý nghĩa quyết định mọi thành công của cách mạng nước ta cả trước mắt và lâu dài. Công tác cán bộ gắn với việc thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, giữ vững vị thế cầm quyền và bảo đảm vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. 
 
Lâm Đồng đặc biệt chú trọng đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ; tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân.
 
Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ. Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ một cách thực chất và hiệu quả; bảo đảm đúng quy định, quy trình, công tâm, khách quan, chặt chẽ, thận trọng trong từng khâu của công tác cán bộ; không để lọt người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kịp thời thẩm tra, xác minh, kết luận tiêu chuẩn chính trị của cán bộ.
 
So với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII nhấn mạnh: Tập trung rà soát, thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế hiện có, bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; xây dựng cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực nổi trội, cán bộ trẻ để đào tạo, bổ sung cán bộ cho Đảng; thu hút và khuyến khích cán bộ làm việc trong các cơ quan, lĩnh vực, địa bàn đặc thù, phức tạp, trọng yếu.
 
Bên cạnh đó, Trung ương cũng đặc biệt lưu ý các cơ quan chuyên môn cần tập trung hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như: Công tác cán bộ, tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, hải quan, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... Hướng đến xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục tạo niềm tin trong Nhân dân.
 
ĐỨC KHIÊM