Toạ đàm xây dựng Luật Phòng thủ dân sự

12:06, 08/06/2022
(LĐ online) - Sáng 8/6, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã diễn ra buổi toạ đàm xây dựng Luật phòng thủ dân sự. Thiếu tướng Du Trường Giang - Phó Tư lệnh Quân khu 7 chủ trì buổi toạ đàm.
 
Thiếu tướng Du Trường Giang - Phó Tư lệnh Quân khu 7 chủ trì buổi toạ đàm xây dựng Luật Phòng thủ dân sự tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng
Thiếu tướng Du Trường Giang - Phó Tư lệnh Quân khu 7 chủ trì buổi toạ đàm xây dựng Luật Phòng thủ dân sự tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng
 
Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ngành cũng đã tham dự.
 
Báo cáo tại buổi toạ đàm cho thấy, ở tỉnh Lâm Đồng, công tác phòng thủ dân sự thời gian qua đã được triển khai đồng bộ, thống nhất, đạt được những kết quả quan trọng trong việc phòng chống, khắc phục hậu quả thảm hoạ, sự cố, thiên tai… góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. 
 
Công tác thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức người dân ngày càng chủ động với hình thức đa dạng, phong phú góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện công tác phòng thủ dân sự. 
 
Các sở, ngành, địa phương cũng đã có kế hoạch ứng phó với các tình huống thảm hoạ theo chỉ đạo của tỉnh. Lực lượng thường trực ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu đặt ra trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm hoạ, sự cố. 
 
Hệ thống điều hành liên quan đến phòng thủ dân sự tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố, dịch bệnh gây ra.
 
Tuy vậy, trong công tác phòng thủ dân sự, năng lực dự báo, cảnh báo rủi ro thiên tai chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn, vẫn còn bị động đối với một số loại hình thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất… Công tác di dời người dân từ vùng có nguy cơ cao đến khu vực an toàn còn chậm. 
 
Sự phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong xây dựng, thực hiện quy hoạch cũng như ứng phó một số loại hình thiên tai vẫn còn thiếu thống nhất, chưa đồng bộ. Trang bị, phương tiện của lực lượng kiêm nhiệm vẫn còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, ứng phó sự cố hoá học, sinh học, bức xạ và hạt nhân. 
 
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào giám sát, dự báo, cảnh báo để ứng phó rủi ro, thiên tai, thảm hoạ chưa đồng đều ở các khâu và chưa tạo được đột phá; đầu tư ngân sách, bảo đảm trang thiết bị cho phòng thủ dân sự còn thiếu và chưa đồng bộ. 
 
Một số địa phương chưa gắn kết chặt chẽ xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế với nâng cao năng lực phòng thủ dân sự cho địa phương mình.
 
Mặc dù trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa xảy ra các thảm họa, song cũng đã chịu ảnh hưởng một phần thảm hoạ do chiến tranh để lại cũng như thiên tai, dịch bệnh gây ra, tác động không nhỏ tới sức khoẻ con người, thiệt hại đến vật nuôi, cây trồng, cơ sở vật chất của Nhà nước và Nhân dân. 
 
Trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế, với việc hình thành các nhà máy, khu công nghiệp, thêm vào đó là hiện tượng thời tiết cực đoan thì nguy cơ xảy ra các thảm hoạ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là có thể xảy ra.  
 
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận và thống nhất quan điểm đóng góp xây dựng Luật Phòng thủ dân sự sát với điều kiện thực tiễn của đất nước nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng. 
 
Trong đó, tập trung vào các nội dung: Điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, chính trị tại địa phương; công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thi hành pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự; tổ chức Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; quy chế hoạt động; hoạt động liên quan đến công tác phòng thủ dân sự ở địa phương; luyện tập, diễn tập, ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh...; công tác xây dựng lực lượng phòng thủ dân sự ở địa phương; nguồn lực của địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn bảo đảm cho hoạt động phòng thủ dân sự; chế độ chính sách; hỗ trợ, khắc phục hậu quả cho các đối tượng bị rủi ro; vấn đề ban bố tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự...
 
NGỌC NGÀ