Triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025

10:06, 10/06/2022
(LĐ online) - Ngày 10/6/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025. Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban chỉ đạo các CTMTQG tỉnh Lâm Đồng và các huyện, thành phố.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S chủ trì Hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S chủ trì Hội nghị
 
Báo cáo kết quả thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cho biết: có 3 CTMTQG giai đoạn 2021-2025 là: Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kinh phí thực hiện từ vốn ngân sách và vốn sự nghiệp. Tổng vốn đầu tư phát triển trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 1.131.855 triệu đồng, trong đó: vốn ngân sách trung ương là 1.047.566 triệu đồng; vốn đối ứng ngân sách địa phương là 84.289 triệu đồng; vốn phân bổ cho CTMTQG xây dựng nông thôn mới là 1.205.570 triệu đồng; vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững là 12.342 triệu đồng; vốn CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 633.943 triệu đồng.
 
Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương năm 2021-2022 là 241.821 triệu đồng, trong đó: CTMTQG xây dựng nông thôn mới: 131.180 triệu đồng; CTMTQG giảm nghèo bền vững: 931 triệu đồng; CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 109,71 triệu đồng.
 
Các thành viên Ban chỉ đạo đã khái quát những nội dung cần thực hiện phục vụ các CTMTQG. Trong đó, chú trọng việc thực hiện lập và giao kế hoạch thực hiện CTMTQG giai đoạn 5 năm và hằng năm; huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện CTMTQG; cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc CTMTQG; tổ chức quản lý các CTMTQG; giám sát, đánh giá các CTMTQG...
 
Lãnh đạo 3 sở, ban ngành chủ trì 3 chương trình là Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo tình hình thực hiện cụ thể 3 chương trình. Các sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp nhận 3 chương trình tham gia ý kiến về kế hoạch phân bổ vốn, giải pháp huy động và sử dụng vốn, kế hoạch thực hiện 3 chương trình 5 năm và hằng năm, những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các CTMTQG...
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Võ Ngọc Hiệp phát biểu chỉ đạo
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Võ Ngọc Hiệp phát biểu chỉ đạo
 
Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Ngọc Hiệp - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, góp ý những vấn đề Ban chỉ đạo và UBND các cấp cần phải làm để CTMTQG ở Lâm Đồng hiệu quả hơn trong thời gian tới, như: các nội dung cụ thể cần thực hiện bằng cách xây dựng các đề án; có cơ chế huy động các nguồn vốn khác làm nền tảng để tăng nguồn lực từ các tổ chức và nhân dân; quy định về phân cấp quản lý các chương trình; kế hoạch tổ chức thực hiện hướng đến mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới vào năm 2025; huy động vốn và sự tham gia tích cực hơn của cộng đồng trong thực hiện các CTMTQG...
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S, cho biết: Chương trình xây dựng Nông thôn mới theo tiêu chí cũ đã kết thúc từ năm 2021. Hiện Lâm Đồng có 107/111 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 96%. Tuy nhiên, với các xã nằm trong các huyện chưa được công nhận NTM thì phải phấn đấu để đạt các tiêu chí mới sẽ khó hơn - đang là bài toán đặt ra cho các CTMTQG trong giai đoạn này (2021-2025).
 
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng
 
Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu phải khắc phục các hạn chế hiện nay, là: Sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa đồng bộ, chồng chéo; còn lúng túng trong việc xác định lồng ghép chương trình, tránh chung chung hoặc lặp đi lặp lại; chủ động xử lý các tiêu chí của ngành và địa phương; nguồn lực còn hạn chế… Do đó, cần: Nâng cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo phải; nghiên cứu quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo trong giai đoạn 2021-2025 đối với từng sở, ngành, địa phương, đơn vị; phê duyệt giao kế hoạch đúng thời gian quy định; mức đối ứng từ cơ sở và cơ chế lồng ghép các chương trình khác với các CTMTQG một cách khả thi; phân cấp quản lý các CTMTQG, thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện; ban hành các quy định quản lý các chương trình mục tiêu theo cơ chế đặc thù; chỉ đạo đánh giá, giám sát các CTMTQG; tham mưu các nghị quyết về các CTMTQG… Các nội dung phải đảm bảo khả thi và thực hiện trước ngày 15/7…
 
LÊ HOA