Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Trần Đình Văn: Cần xem xét quy định một quy trình khung về hoạt động thanh tra chuyên ngành

06:06, 13/06/2022
(LĐ online) - Ngày 13/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
 
ĐBQH Trần Đình Văn – Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia góp ý thảo luận tại hội trường về dự án luật Thanh tra (sửa đổi)
ĐBQH Trần Đình Văn – Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia góp ý thảo luận tại hội trường về dự án luật Thanh tra (sửa đổi)
 
Buổi chiều, Các ĐBQH thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), ĐBQH Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia góp ý: Nhìn chung, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đảm bảo nguyên tắc quán triệt, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp về công tác thanh tra. 
 
Qua nghiên cứu tôi góp ý một số nội dung sau: Thứ nhất, về phạm vi sửa đổi Luật Thanh tra, ohạm vi điều chỉnh của Dự thảo chỉ quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra nhà nước là phù hợp. Tuy nhiên, dự thảo cần tập trung: Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước theo cấp hành chính, đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra các bộ, ngành phù hợp với ngành, lĩnh vực; phân định về hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán và phân định phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, tăng cường trách nhiệm của các ngành trong chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra; phân biệt giữa thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành nhằm đảm bảo phù hợp với định hướng nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Thanh tra được đề ra tại Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
 
Thứ hai, về hình thức thanh tra, để khắc phục những hạn chế về hình thức thanh tra trong Luật Thanh tra năm 2010, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã có sự thay đổi rất đáng kể về hình thức thanh tra. Theo đó, “hoạt động thanh tra được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất. Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch đã được phê duyệt. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao” (Điều 46 của Dự thảo). Như vậy, theo quy định của dự thảo có 2 hình thức thanh tra là thanh tra theo kế hoạch hoặc thanh tra đột xuất và không còn hình thức thanh tra thường xuyên. 
 
Tuy nhiên, quy định về hình thức thanh tra trong Dự thảo vẫn còn có những vấn đề cần thiết phải được làm rõ cả về lý luận và pháp lý để phân biệt giữa hình thức thanh tra và hoạt động thanh tra. Cụ thể: Cần thiết quy định làm rõ khái niệm hình thức thanh tra trong Điều 2 của Dự thảo Luật (sửa đổi) để giải thích từ ngữ, tạo cách hiểu thống nhất. Khái niệm này cần được xây dựng từ góc độ hình thức thanh tra là cách thức mà chủ thể có thẩm quyền tiến hành hoạt động thanh tra, khác biệt với khái niệm “hoạt động thanh tra” như đã liệt kê, giải thích về hoạt động thanh tra tại Điều 2 của Dự thảo.
 
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) cần có các quy định cụ thể, rõ ràng và bao quát hơn về hình thức thanh tra như thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiến hành… của mỗi hình thức thanh tra. Nhất là, cần thiết phải quy định cụ thể hơn về hình thức thanh tra đột xuất vì từ đặc thù về tính chất, tầm quan trọng, cũng như hiệu quả, sự tác động của hình thức thanh tra này trong thực tiễn. 
 
Quy định về hình thức thanh tra cũng cần thiết làm rõ mối quan hệ giữa hình thức thanh tra với các yêu cầu của hoạt động thanh tra nói chung và với hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành nói riêng. Đây sẽ là những cơ sở pháp lý quan trọng để có nhận thức đúng đắn về các loại hình thanh tra và tạo tiền đề xây dựng các quy định về yếu tố đảm bảo cho việc thực hiện các hình thức thanh tra trên thực tế được hiệu quả và thực chất.
 
Thứ ba, về hoạt động thanh tra (Chương IV), Luật Thanh tra năm 2010 quy định khá rõ hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành tại Mục 2, 3 Chương IV. Mặc dù các quy định này có những bất cập, hạn chế nhưng cũng đã chỉ ra được sự khác biệt cơ bản giữa hai hoạt động thanh tra này. Việc phân biệt hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng: Một là, giúp xác định thẩm quyền thanh tra giữa các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính và các cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực; Hai là, giúp xác định được hình thức, phương thức, thời hạn và quy trình tương ứng, phù hợp với đặc thù đối tượng thanh tra của mỗi loại thanh tra. Qua đó, tránh được sự trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra.
 
Do vậy, chương IV Dự thảo luật đang quy định một trình tự, thủ tục chung cho cả hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành là chưa phù hợp. Cần nghiên cứu, chỉnh lý để bảo đảm thực hiện đúng định hướng phân biệt rành mạch hoạt động thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành được xác định trong mục tiêu, yêu cầu đổi mới, cải cách đối với thanh tra chuyên ngành tại Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngày 08/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược thanh tra năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đó là: “Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính chuyển mạnh sang xem xét, đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Các cơ quan thanh tra ngành, lĩnh vực tập trung kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày và lợi ích của người dân”.
 
Hơn nữa, tại Điều 43 quy định “Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan nhà nước khác có tổ chức cơ quan thanh tra có trách nhiệm hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành phù hợp với đặc điểm quản lý của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách” để bảo đảm tính đa dạng, đặc thù của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực quản lý. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ tạo ra sự thiếu thống nhất trong hoạt động thanh tra chuyên ngành, không theo một khuôn mẫu nào và đối tượng thanh tra là chủ thể gánh chịu những sự bất lợi. Do vậy, cần xem xét quy định một quy trình khung về hoạt động thanh tra chuyên ngành trong Luật Thanh tra (sửa đổi).
 
Thứ tư, về việc phân định giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán (Điều 106 - 110), thực tế cho thấy còn có sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán cấp Trung ương và cấp tỉnh. Cùng về nội dung quản lý đất đai thì bất kỳ dự án nào cũng có thể chịu sự thanh tra bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường với hai cơ quan thanh tra là Thanh tra bộ và Thanh tra tổng cục, bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh; đồng thời chịu sự kiểm toán bởi Kiểm toán nhà nước. 
 
Tuy đã có sự trao đổi giữa Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành với Kiểm toán Nhà nước nhưng thực trạng này chưa được khắc phục một cách có hiệu quả. Có trường hợp đã có kết luận của kiểm toán song cơ quan thanh tra vẫn tiến hành thanh tra và ngược lại. Sự chồng chéo, trùng lặp này làm lãng phí nguồn lực trong quản lý nhà nước, tăng các chi phí chính thức hợp pháp và không chính thức phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm toán, tạo ra gánh nặng không nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Do vậy, cần thiết có quy định về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán đặt trong sự thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước nhằm khắc phục, tiến tới không còn tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán.
 
Thứ năm, về thực hiện Kết luận thanh tra (Chương V, Điều 89), quy định về thực hiện kết luận thanh tra cần quan tâm đến một số vấn đề sau: Quy định về thời hạn thực hiện kết luận thanh tra để tránh hiện tượng lúng túng, khó khăn trong việc thực hiện kết luận thanh tra và là căn cứ để xác định trách nhiệm của đối tượng thanh tra trong việc không thực hiện, thực hiện không đúng, không kịp thời kết luận thanh tra; 
 
Quy định về thời hạn đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra cần có sự phân biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để khắc phục những bất cập về thời hạn thực hiện việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với từng cấp thanh tra, từng kết luận thanh tra; 
 
Quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các bước đôn đốc, kiểm tra và thực hiện kết luận thanh tra cụ thể, thống nhất từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm tra, ban hành quyết định, tổ chức kiểm tra, xây dựng báo cáo, trách nhiệm và sự phối hợp trong kiểm tra
 
NGUYỆT THU