Xác định giá đất - khó càng phải làm kỹ lưỡng, rõ ràng

07:11, 17/11/2022
Ngày 14/11, lần đầu tiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đưa ra thảo luận tại hội trường. Trong rất nhiều nội dung như mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa... những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tới việc xác định giá đất. 
 
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Luật cơ bản đi đúng hướng của tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định cụ thể liên quan đến bỏ khung giá đất, giao quyền định giá đất cụ thể cho UBND cấp tỉnh.
 
Đại biểu phân tích rằng, quy định về giá đất cụ thể là điểm không thành công của Luật Đất đai 2013, làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện trong thu hồi đất. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 164, 165 của dự thảo Luật về Bảng giá đất, giá đất cụ thể vẫn chưa khắc phục được những bất cập trong Luật hiện hành. Đại biểu cho rằng cần có cơ chế hữu hiệu hơn để nâng cao hiệu quả, tính minh bạch của công tác định giá đất, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác định giá. Đặc biệt, đại biểu đề nghị cần xác định rõ, tường minh thế nào là “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường” để bảo đảm tính khả thi khi áp dụng. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng, "để giá đất sát với giá thị trường là bài toán rất khó", dù việc bỏ khung giá đất là sửa đổi quan trọng, phù hợp thực tế. Đại biểu nêu rõ: thị trường giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất đang tồn tại hai giá và giá trong hợp đồng thường thấp hơn nhiều thực tế để tránh nghĩa vụ thuế. Đồng thời kiến nghị Luật tính toán kỹ để hạn chế tình trạng sốt đất ảo và có chế tài xử nghiêm hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá về đất gây nhiễu loạn thị trường đất đai. Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) đề nghị cần giải thích rõ khái niệm "phù hợp giá thị trường" vì cơ sở xác định giá hiện chưa đầy đủ, có nhiều biến động. Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hoà Bình) cho rằng, trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất. Tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể.
 
Đại biểu Trần Đình Văn (Đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh cần có sự thẩm tra, giám sát kỹ lưỡng về xác định giá đất. Theo đại biểu Đoàn Lâm Đồng, về cơ chế xác định giá, dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất, trách nhiệm của cơ quan xác định giá đất, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ, chuyển trọng tâm từ phương thức quả lý nặng về hành chính sang sử dụng các công cụ kinh tế được quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai. Đây là chủ trương lớn, có tính đột phá, nhiều điều quan trọng và phải xác lập về mặt pháp lý, cơ chế, phương pháp xác định giá theo nguyên tắc thị trường trong dự thảo Luật. Trong dự án Luật đã có những quy định về vấn đề này song còn khá đơn giản, sơ lược chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
 
Chính vì sự quan trọng đó nên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: định giá đất là then chốt của mọi vấn đề. 
 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề tài chính và định giá đất chiếm 1/3 số ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 14/11. Theo Bộ trưởng, quan hệ về mặt giá trị tài chính hoặc áp dụng các công cụ về mặt kinh tế như thuế, các phí, chi phí... là những công cụ rất rộng và định giá đất là then chốt của mọi vấn đề. Từ giá đất sẽ thực hiện rất nhiều công việc để bảo đảm ổn định, trách nhiệm đóng góp về mặt tài chính của người sử dụng đất cũng như sẽ tính được giá đất cụ thể, công khai giá đất cụ thể và người dân có thể hoàn toàn tiếp cận thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu về bản đồ địa chính, số hóa đất đai. Có giá đất cũng tính được giá trị gia tăng, chênh lệch địa tô từ đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp, để từ đó hài hoà lợi ích của các bên, điều hoà địa phương này với địa phương khác.
 
Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội về việc áp dụng 5 phương pháp tính giá đất nhưng giá đất vẫn chưa sát, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng quan trọng là “đầu vào”, tức dữ liệu, thông tin bất động sản chưa đúng. Thời gian tới, các phương pháp này vẫn tiếp tục được áp dụng, song về lâu dài phải được tính toán trên cơ sở thu thập đầy đủ dữ liệu về giá đất, thị trường sơ cấp, đấu thầu, đấu giá là cơ bản và với phương pháp toán học tính toán trên cơ sở các thửa đất chuẩn thì có thể xác định giá đất sát hơn, giải quyết được bất cập hiện nay.
 
Như vậy, những quy định về giá đất trong Luật Đất đai (sửa đổi) là rất quan trọng. Từ những nhận định của đại biểu Quốc hội cũng như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đây là công việc khó. Nhưng dù khó tới đâu cũng phải làm, làm kỹ lưỡng, phải được quy định rõ trong Luật thì việc sửa đổi Luật Đất đai mới đáp ứng yêu cầu thực tế và giải quyết được những khó khăn, bất cập, vướng mắc, làm cản trở sự phát triển hiện nay. Theo kế hoạch, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Sau khi được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về những vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật tại phiên họp thứ 18 (tháng 12/2022). Thời gian lấy ý kiến Nhân dân dự kiến trong khoảng tháng 1 đến tháng 2/2023.
 
TRỌNG HỒNG