Mùa dã quỳ xôn xao

02:10, 30/10/2018

(LĐ online) - Anh bạn tôi là nghệ sĩ nhiếp ảnh, mọi người vẫn gọi anh là kẻ lãng du của phố núi bởi những chuyến đi bất tận. Hầu hết thời gian trong năm, anh "xê dịch" tới mọi miền đất nước để kiếm tìm và ghi lại những khoảnh khắc đẹp.

(LĐ online) - Anh bạn tôi là nghệ sĩ nhiếp ảnh, mọi người vẫn gọi anh là kẻ lãng du của phố núi bởi những chuyến đi bất tận. Hầu hết thời gian trong năm, anh “xê dịch” tới mọi miền đất nước để kiếm tìm và ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Căn gác trọ của anh nơi góc phố thường đóng cửa im lìm nhưng tôi biết chắc chắn có một mùa anh sẽ trở về nơi đây. Đó là mùa hoa dã quỳ.
 

Khi gió lạnh mùa đông bắt đầu thổi qua thảo nguyên bao la và nắng vàng như rót mật lên khắp sườn đồi cũng là mùa dã quỳ khoe sắc. Cao nguyên sẽ bát ngát dã quỳ. Ở đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp loài hoa ấy. Một khóm dã quỳ lẻ loi còn sót lại nơi góc vườn, một dải dã quỳ dài ngút mắt bên con đường đất đỏ, những đồi dã quỳ mênh mông suốt nẻo biên cương. Sắc dã quỳ nhuộm vàng những đỉnh núi cao vời vợi, những bờ sông chảy xiết, những thác nước hùng vĩ réo gào. Mỗi sớm mai, từng bông dã quỳ rực rỡ như một mặt trời thu nhỏ. Cả rừng hoa như có hàng ngàn mặt trời lấp lánh. Khi chiều buông, bông dã quỳ rung rinh trong gió như bàn tay sơn nữ chìa ra gọi mời: “Này anh, đêm nay buôn làng em mở hội. Dã quỳ đã nở, cà phê trên rẫy đã chín. Lúa dưới đồng cũng đã gặt xong. Hãy cùng em dập dìu trong điệu xoang, cho rượu cần chảy mãi, cho mặt trời ngủ quên sau núi…”
 
Ở Tây Nguyên, chẳng loài hoa nào có cuộc đời hiu quạnh như dã quỳ nhưng cũng không loài hoa nào mang vẻ đẹp lộng lẫy, có thể đánh thức cảm xúc con người mạnh mẽ như loài hoa ấy. Chẳng ai trồng và chăm sóc dã quỳ. Nó chỉ là loài cây bụi mọc hoang, nhiều khi còn bị con người chặt phá, đốt bỏ như bao loài cỏ dại khác. Quanh năm, dã quỳ âm thầm sống chung với muôn loài thảo mộc, nguyện làm hàng rào đánh dấu những khu vườn, nương rẫy, hoặc nép mình dưới tán thông, đu bám dọc triền sông, thác nước, âm thầm chắt chiu từng hạt sương tia nắng, tự phát triển, sinh sôi để đến một ngày dâng hiến cho đời sắc vàng tinh khôi, hương thơm nồng nàn. Mỗi khi dã quỳ bung nở, người Tây Nguyên biết rằng, mùa mưa đã qua, mùa khô đã tới.
 

Cuộc đời dã quỳ là cuộc đời hối hả hiến dâng. Mùa hoa trôi qua khá nhanh. Đời cây chỉ có một năm, khi đóa hoa cuối cùng tàn phai, những thân cây sẽ khô héo, tàn lụi, chỉ còn trơ gốc và hạt rơi xuống chờ đến mùa mưa năm sau lại tiếp tục nảy mầm và chuẩn bị cho một “cuộc đời hoa” mới. Vẻ đẹp của dã quỳ là vẻ đẹp đến một lần duy nhất trong vòng quay thời gian một năm, duy nhất một lần trong cuộc đời, giống như tiếng hát của loài thiên nga trước khi chết nên vẻ đẹp ấy thường trở nên vĩnh cửu.
 
Tây Nguyên đang bắt đầu mùa hoa dã quỳ và căn gác trọ của anh bạn nghệ sĩ lang thang cũng không còn quạnh vắng. Anh bảo: “Mình đã sống trên vùng đất này từ bé, đã trải qua không biết bao nhiêu mùa hoa nhưng thật lạ cứ đến mùa dã quỳ nở thì dù có đi đâu, ở đâu mình cũng phải trở về. Tình yêu của mình đối với loài hoa ấy bao giờ cũng háo hức, mới mẻ và đắm say như tình yêu đầu tiên của lứa đôi”.
 
Mà đâu chỉ riêng anh. Bất cứ người nào đến với cao nguyên mùa này cũng không thể làm ngơ trước vẻ đẹp của loài hoa ấy.
 
Bài, ảnh: Vũ Đình Đông